Ngân hàng số đã đủ điều kiện để độc lập?

Tại buổi Hội thảo phổ biến kết quả đề tài Khoa học và công nghệ cấp Bộ 'Xây dựng mô hình ngân hàng số nhằm phát triển dịch vụ bán lẻ', PSG.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng nhận định, việc xây dựng mô hình ngân hàng số nhằm phát triển dịch vụ bán lẻ là một xu hướng hiện hữu và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các NHTM đang chủ động nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Từ đó, tăng khả năng cạnh tranh, bám sát chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế số cũng như định hướng, giải pháp của NHNN về chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số. Trên cơ sở đó, ngành Ngân hàng có điều kiện, nền tảng để phát huy vai trò này.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm đề tài ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm phát triển ngân hàng số BIDV cho biết, có rất nhiều yếu tố để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Cụ thể, mức độ thâm nhập của Internet và sự sẵn có của nhiều dịch vụ đa dạng trên điện thoại di động đã thay đổi cách khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đơn cử như khách hàng chuyển dịch từ các hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức phi tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, qua tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến.

Hay sự thâm nhập của các công ty Fintech hay Bigtech (công ty công nghệ lớn) kết hợp với nguồn dữ liệu lớn, phân tích nâng cao, công nghệ kỹ thuật số hiện đại và văn hóa đổi mới đã mang lại sự trải nghiệm, đặc biệt cho người tiêu dùng, nhất là các khách hàng tiêu dùng dịch vụ bán lẻ. Do vậy, ngân hàng phối hợp với Fintech/Big tech để thu hút khách hàng mới, thay đổi trải nghiệm, nâng cao hành trình khách hàng, dịch vụ tốt hơn và tự động hóa tốt hơn, tối ưu nguồn lực và chi phí vận hành. Ngoài ra, các giải pháp công nghệ mới cũng cho phép ngân hàng thu hút khách hàng nhanh, chi phí thấp như công nghệ Chatbot (AI), RPA kết hợp với dữ liệu lớn để tự động hóa các quy trình back-end tăng hiệu quả hoạt động và tối ưu trải nghiệm đa kênh với khách hàng…

Tại Việt Nam, hiện các NHTM cũng đang triển khai 3 mô hình đó là digital banking; ngân hàng số độc lập; và Neo-bank. Về các dịch vụ bán lẻ qua mô hình ngân hàng số, thực trạng ứng dụng xử lý số trong các hoạt động ngân hàng bán lẻ chỉ ra rằng modun có hàm lượng xử lý số thấp nhất hiện nay là cấp tín dụng bán lẻ. Trong đó, nghiệp vụ có hàm lượng xử lý số thấp nhất là bước thẩm định rủi ro của các hồ sơ xin cấp tín dụng với việc nhân viên ngân hàng phải tiếp cận thông tin về tài sản đảm bảo để xác minh giá trị đảm bảo cho khoản vay. Những thông tin này thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan, tổ chức khác.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành khảo sát 8 ngân hàng thuộc top 16 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất. Kết quả cho thấy, 90% số ngân hàng được khảo sát đã thực hiện mô hình chuyển đổi số toàn bộ từ sản phẩm, dịch vụ đến kênh giao tiếp và nghiệp vụ nội bộ. Bên cạnh đó, cũng có một số mô hình khác được các ngân hàng lựa chọn thêm như thiết lập thương hiệu hoặc kênh phân phối ngân hàng số mới bên cạnh ứng dụng ngân hàng hiện tại; hợp tác với 1 công ty Fintech/Big tech để cung ứng một thương hiệu, kênh phân phối ngân hàng số mới hay còn gọi là mô hình Neobank hoặc hợp tác với 1 công ty Fintech/Big tech để cung ứng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng của công ty đối tác.

Một số ngân hàng mong muốn được thành lập mô hình ngân hàng số độc lập (digital bank) trong tương lai khi được cho phép. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng dự đoán sẽ gặp phải những khó khăn để được thành lập ngân hàng số độc lập như khuôn khổ pháp lý liên quan đến giấy phép thành lập; Năng lực tài chính chưa đủ; Nguồn nhân lực còn hạn chế; Hệ thống kế toán và quản trị rủi ro chưa đạt tiêu chuẩn ngay để đáp ứng được những yêu cầu của việc xây dựng một mô hình ngân hàng số độc lập…

Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đề xuất, đối với Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan quy định rõ ràng hơn về việc áp dụng Cloud cho các hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng, giúp tháo gỡ vướng mắc về việc chuyển dịch các dịch vụ công nghệ thông tin. Đơn cử như Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật An ninh mạng, Nghị định 13/2023-NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa đưa ra những quy định cụ thể hơn về loại dữ liệu bắt buộc phải lưu trữ, thời gian lưu trữ bắt buộc, tần suất lưu trữ… Bên cạnh đó, sớm khai thác cơ sở dữ liệu dùng chung, đặc biệt là dữ liệu về dân cư quốc gia, sinh trắc học, triển khai những giải pháp sát với thực tế. Cụ thể, chỉ đạo Bộ Công an làm đơn vị đầu mối trong việc thực hiện triển khai kết nối cho các TCTD vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Đối với NHNN, nhóm đề xuất kiến nghị cấp phép ngân hàng số độc lập, nhất là quy định rõ ràng trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong mối quan hệ giữa các công ty fintech và các ngân hàng truyền thống…

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-so-da-du-dieu-kien-de-doc-lap-152992.html