Ngân hàng sụt giảm 'của để dành'
Việc không được tiếp tục gia hạn cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ sẽ khiến nợ xấu 'hiện nguyên hình' tại nhiều ngân hàng. Trong khi đó, việc thực hiện quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 khiến các ngân hàng phải sử dụng nhiều hơn 'của để dành' để xử lý nợ xấu.
Bức tranh nợ xấu thực sắp lộ diện, bao phủ nợ xấu bị bào mòn thêm
Từ đầu năm 2025, các ngân hàng không được tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02). Việc giãn, hoãn nợ được NHNN thực hiện từ năm 2020 đến nay đã chính thức chấm dứt.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chấm dứt gia hạn Thông tư 02 là cần thiết để nhận diện rõ bức tranh nợ xấu ngân hàng, cũng như đưa việc vay mượn của các doanh nghiệp vào nền nếp. Tuy vậy, điều các chuyên gia lo ngại là, cùng với nợ xấu thực lộ diện (trừ nợ xấu do bão số 3 đang tiếp tục được cơ cấu nợ), nợ xấu ngân hàng sẽ gia tăng, trong khi bao phủ nợ xấu bị bào mòn.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, việc dừng gia hạn Thông tư 02 khiến nợ xấu ngân hàng được nhận diện rõ và chính thức lập đỉnh. Theo đó, nợ xấu năm 2025 có thể tăng nhẹ. “Không tiếp tục được cơ cấu nợ sẽ khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng bị bào mòn”, chuyên gia phân tích VDSC dự báo.
Trên thực tế, bao phủ nợ xấu của toàn hệ thống đã giảm mạnh từ năm 2022 đến nay. Nếu như quý III/2022, bao phủ nợ xấu lên tới 143,2%, thì cuối quý III/2024 chỉ còn 83% và dự báo tiếp tục giảm ở thời điểm cuối năm 2024. Tại Vietcombank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ trên 500% cuối quý II/2022 xuống còn 223% cuối năm 2024.
Các ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024, song theo báo cáo tài chính quý III/2024, có gần 80% ngân hàng giảm bao phủ nợ xấu, đa phần các ngân hàng đều không còn đủ sức bao phủ 100% nợ xấu. Đáng mừng là, trong danh sách các ngân hàng có khối lượng lớn các khoản nợ được giãn, hoãn, đa phần các ngân hàng đều đã trích lập dự phòng rủi ro khá đầy đủ cho các khoản nợ này, ngoại trừ VPBank.
Việc suy giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên toàn hệ thống ở nhiều ngân hàng, theo VDSC, là không đáng lo, đặc biệt ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, bởi các ngân hàng này đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ “giãn, hoãn” trước đó, nên không cần phải duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu quá cao như trong giai đoạn 2020-2022.
Ngân hàng sẽ phải giảm “của để dành” vì thu hồi nợ ngày càng khó khăn
Với các ngân hàng, do đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, nên việc dừng gia hạn Thông tư 02 không phải là nỗi lo. Hiện tại, nỗi lo lớn nhất mà các ngân hàng phải đối mặt là với Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn hơn trong thu hồi tài sản đảm bảo, nếu con nợ không hợp tác.
Phần trích lập dự phòng rủi ro là “của để dành” của các ngân hàng. Tỷ lệ “để dành” cao hay thấp tùy thuộc sức khỏe của mỗi nhà băng. Việc không gia hạn Thông tư 02 sẽ khiến nợ xấu một số ngân hàng gia tăng. Sẽ rất đáng lo nếu ngân hàng phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng, nhưng bao phủ nợ xấu giảm, vì khả năng chống đỡ của ngân hàng sẽ suy yếu.
- PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Khoa Ngân hàng, Trường Kinh doanh UEH, Đại học Kinh tế TP.HCM)
Tổng giám đốc Agribank, ông Phạm Toàn Vượng cho hay, nợ xấu đang tăng lên và Agribank cũng như các tổ chức tín dụng mong muốn được Chính phủ, các cấp có thẩm quyền hỗ trợ trong công tác thu hồi tài sản để xử lý nợ xấu.
Không chỉ Agribank, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các tổ chức tín dụng đều rất lo lắng vì ngành ngân hàng phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Theo đó, công tác thu hồi nợ xấu gặp khó khăn, nhiều khách hàng thiếu hợp tác, tổ chức tín dụng lại không được quyền thu giữ tài sản, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ…, làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, trong bối cảnh thu hồi tài sản khó khăn, các ngân hàng sẽ phải tăng cường sử dụng nguồn lực tự có để trích lập dự phòng. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, ngành ngân hàng vẫn rất cần sự hỗ trợ để thu hồi, xử lý tài sản đảm bảo. Việc khởi kiện ra tòa để đòi nợ là “cực chẳng đã”, tốn kém nhiều thời gian, chi phí.
“Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng không được phép thu giữ tài sản đảm bảo, dẫn đến khó khăn cho ngân hàng trong việc tiếp cận, thu hồi nợ xấu, đặc biệt là khi không có sự hợp tác của người vay. Vì vậy, ngân hàng cần trích một phần lợi nhuận để xử lý những khoản nợ xấu”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Hiện nay, các ngân hàng vẫn đang đề xuất để các cấp, các ngành bổ sung việc “thu giữ tài sản” vào Luật Các tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-sut-giam-cua-de-danh-d241790.html