Ngân hàng tăng tốc bơm vốn, lãi suất huy động chịu sức ép

Nhiều ngân hàng đã chạy đua tăng trưởng huy động để chuẩn bị tăng tốc tín dụng nửa cuối năm. Mặt bằng lãi suất huy động bắt đầu nóng dần lên.

Tín dụng bật tăng, ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm

Chính phủ đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay lên 8,3-8,5% nhằm tạo nền tảng để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Để đạt mục tiêu này, theo tính toán của các chuyên gia, tín dụng sẽ phải tăng 17-18%. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng 6 tháng đầu năm tăng gần 10% - mức cao nhất kể từ năm 2022. Như vậy, khả năng tăng trưởng tín dụng 16-17% năm nay hoàn toàn khả thi.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng rất mạnh, như LPBank tăng 11,2%, KienLongBank tăng 13,2%, VietinBank tăng 10%, Vietcombank tăng trên 11%, NCB tăng 22%, TPBank tăng 11,7%, NamABank tăng 14,7%... Huy động vốn của các ngân hàng cũng tăng rất mạnh, như NCB tăng gần 20%, KienLongBank tăng 15,2%, NamABank tăng hơn 22%...

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, tốc độ tăng trưởng huy động vốn nửa đầu năm nay tăng gấp 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn không chỉ phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm, mà còn chuẩn bị nguồn vốn phục vụ nhu cầu vốn tăng cao nửa cuối năm.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu tín dụng tăng 18%, thì năm nay, các ngân hàng sẽ bơm thêm khoảng 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế. Con số này sẽ không gây bong bóng tài sản, không gây sức ép lên lãi suất và lạm phát, nếu dòng vốn được đổ vào lĩnh vực ưu tiên. Ngược lại, nếu tín dụng chảy vào các lĩnh vực đầu cơ như chứng khoán, bất động sản…, thì bong bóng tài sản có thể được hình thành.

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ đầu tháng 7/2025, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm. Khảo sát của Báo Đầu tư cũng cho thấy, gần đây, nhiều ngân hàng như VPBank, VCBNeo, Techcombank, SeABank, LPBank… đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Với tiền gửi trực tuyến, mức lãi suất ưu đãi mà khách hàng nhận được có thể cao hơn tới 1% so với lãi suất thông thường.

Hiện lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại nhiều ngân hàng lên tới trên 6%/năm. Riêng các khoản tiền gửi hàng ngàn tỷ đồng có thể được trả lãi suất lên tới trên 9%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay qua đêm duy trì ở mức trên 5%, có lúc vọt lên gần 7%/năm hồi cuối tháng 6/2025 khi nhu cầu thanh khoản tăng cao. Trong tuần qua, NHNN đã bơm ròng hơn 58.400 tỷ đồng ra hệ thống.

Theo các chuyên gia, nửa cuối năm 2025, dòng tiền chuyển từ phòng thủ sang đầu tư, các kênh đầu tư rủi ro lên ngôi. Dư nợ cho vay các công ty chứng khoán đến cuối quý II/2025 ước đạt 300.000 tỷ đồng - cao kỷ lục từ trước đến nay - là minh chứng cho sự dịch chuyển dòng tiền. Trong bối cảnh này, dù nhận định lãi suất khó tăng mạnh dưới sự định hướng của Chính phủ và NHNN, song giới chuyên gia cho rằng, lãi suất sẽ gặp nhiều áp lực.

Cầu tín dụng tăng: Ngân hàng mừng - lo

Tín dụng tăng cao khiến lợi nhuận ngân hàng khởi sắc. Tuy nhiên, bài toán rủi ro và tăng trưởng vẫn khiến NHNN và ngân hàng thương mại lo ngại.

Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB, để tín dụng tăng trưởng đúng mục tiêu và định hướng, Chính phủ cần có giải pháp thúc đẩy đầu tư công để lan tỏa sang khu vực kinh tế tư nhân; giải quyết các vấn đề trên thị trường bất động sản; tái cấu trúc thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NHNN phải kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; tăng cung tín dụng và duy trì lãi suất cho vay thấp…

Nếu dòng vốn được nắn vào các lĩnh vực ưu tiên, thì tín dụng năm nay chỉ cần tăng khoảng 17% là có thể phục vụ nhu cầu tăng trưởng GDP 8,3 - 8,5%. Tuy nhiên, khi tín dụng chảy vào các lĩnh vực đầu cơ như chứng khoán, bất động sản…, tín dụng phải tăng trên 20% mới đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP như trên.

- PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM)

Trong khi đó, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục chỉ đạo phát triển đồng bộ và cân bằng hơn giữa thị trường tài chính và thị trường vốn. Điều này nhằm tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tập trung cung ứng vốn ngắn hạn và thực hiện các dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực và giám sát an toàn cho các ngân hàng.

Theo NHNN, tính tới cuối năm 2024, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam là 134%, thuộc nhóm cao nhất thế giới, cho thấy nền kinh tế đang phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 16%, nhưng NHNN sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt theo hướng tăng, nếu lạm phát trong tầm kiểm soát. Dù vậy, cơ quan này cho rằng, việc kéo dài sự phụ thuộc vào tín dụng tiềm ẩn rủi ro hệ thống và cảnh báo các ngân hàng thương mại chú ý yếu tố thanh khoản trong nửa cuối năm.

“Trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng thường tăng cao, do vậy, các ngân hàng cần hết sức tập trung trong công tác quản lý thanh khoản, đảm bảo thanh khoản và đảm bảo chi trả trong mọi tình huống. NHNN sẵn sàng sát cánh cùng hệ thống ngân hàng để đảm bảo cung ứng thanh khoản trên hệ thống”, Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cam kết.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng phải tăng bơm vốn ra nền kinh tế để hỗ trợ tăng trưởng, khả năng lãi suất giảm thêm nửa cuối năm nay là rất khó, nhất là khi lãi suất và tỷ giá đều đang chịu sức ép lớn.

Với lạm phát trong tầm kiểm soát như hiện nay, khả năng ổn định mặt bằng lãi suất dù tín dụng tăng trưởng 17-18% là khả thi. Tuy nhiên, nhiều yếu tố bất định bên ngoài như chính sách thuế quan, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tỷ giá, giá dầu, căng thẳng địa chính trị… sẽ khiến lạm phát nửa cuối năm diễn biến khó lường. Do đó, việc nới lỏng tiền tệ của NHNN thời gian tới phụ thuộc không chỉ vào tình hình trong nước, mà còn vào diễn biến thị trường tài chính toàn cầu.

Trước mắt, tín dụng sẽ phải “gánh” nhiệm vụ nặng nề trong hỗ trợ tăng trưởng. Song về lâu dài, các chuyên gia kiến nghị, Việt Nam cần chuyển dịch sang các mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào tăng năng suất, công nghệ, hơn là vốn. Riêng về vốn, phải có chiến lược và giải pháp hiệu quả để phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-hang-tang-toc-bom-von-lai-suat-huy-dong-chiu-suc-ep-d338231.html