Ngân hàng thực phẩm- 'Phao cứu sinh' cho người Anh giữa khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Ngày 31/10, hàng trăm người đã xếp hàng trước ngân hàng thực phẩm ở Hackney, phía Đông thành phố London (Anh) với một phiếu nhận hàng trên tay,cho phép họ nhận một giỏ thực phẩm đủ dùng trong ba ngày.

Mỗi người tới đây sẽ nhận được một giỏ hàng hóa phù hợp với nhu cầu thông thường của một gia đình, với nhiều mặt hàng trong số đó là do người dân quyên góp.

Giữa bối cảnh giá thực phẩm và năng lượng đồng loạt tăng cao, khiến lạm phát của Anh leo thang, ông Michael Cox, 51 tuổi, nói: “Ngân hàng thực phẩm là 'cứu cánh' cho tôi”. Ông Cox đã không ăn trong hai ngày qua và đã quyết định đến một ngân hàng thực phẩm- một mô hình đang ngày càng phổ biến tại Anh, cung cấp các mặt hàng cơ bản cho những người có nhu cầu.

Lạm phát của Anh đã tăng hơn 10% trong tháng 9/2022, mức cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), gây thêm áp lực lên ngân sách của các hộ gia đình, vốn đã rất căng thẳng.

Sidoine Flore Feumba, một y tá vừa tốt nghiệp, nói rằng cô không còn đủ khả năng để nuôi ba đứa con và sưởi ấm ngôi nhà của mình nữa. Cô nói: "Cuộc sống bây giờ rất khó khăn. Tôi đang vay tín dụng phổ thông, số tiền này không đủ cho cuộc sống của tôi, vì lạm phát đang tăng khá nhanh. Vì vậy, tôi thấy rằng ngân hàng thực phẩm là lựa chọn cuối cùng của tôi để sống".

Người giám sát ngân hàng thực phẩm, Johan Ekelund, cho biết ông lo ngại về sự xuất hiện của thời tiết lạnh giá và viễn cảnh các hóa đơn sưởi ấm cao ngất trời “gõ cửa” các hộ gia đình.

Cuối tuần trước, ngân hàng thực phẩm ở Hackney đã ghi nhận số lượng người đến xin giúp đỡ tăng cao kỷ lục, với nhu cầu hiện cao gần gấp đôi so với thời kỳ trước dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, một ngân hàng thực phẩm mới sẽ mở cửa vào tối thứ Sáu hàng tuần và phục vụ cho những người làm việc toàn thời gian. Ngân hàng này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12 tới.

Tanya Whitfield, người đứng đầu bộ phận dịch vụ của ngân hàng thực phẩm Hackney, cho biết sự gia tăng mạnh các chi phí cơ bản cũng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Cô nói: "Trước đây mọi người thường coi mì ống là một lựa chọn ăn uống rẻ, nhưng giờ đây nó không còn là một lựa chọn rẻ nữa".

Giá dầu thực vật và mỳ ống đã tăng 65% trong một năm qua, hai mặt hàng có giá tăng nhanh nhất theo nghiên cứu thử nghiệm do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh công bố hôm 1/11.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Hiệp hội người tiêu dùng What? (Anh), một nửa số hộ gia đình ở Anh đang cắt giảm số lượng bữa ăn của họ. Tình hình của những người dân được trợ cấp rất bấp bênh, nhiều ý kiến cho rằng họ đang phải lựa chọn giữa ăn uống và sưởi ấm.

Whitfield cho biết: “Số lượng người đến và yêu cầu được tài trợ thức ăn rất lớn. Đáng chú ý là những yêu cầu đó lại tăng lên hàng tuần".

Một hậu quả khác của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là người ta có ít tiền hơn để cho người khác. Nhiều gia đình thường quyên góp cho các ngân hàng thực phẩm giờ buộc phải tập trung vào nhu cầu của chính họ. Do vậy các khoản quyên góp cũng giảm đáng kể./.

Minh Trang (Theo AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngan-hang-thuc-pham-phao-cuu-sinh-cho-nguoi-anh-giua-khung-hoang-chi-phi-sinh-hoat/264149.html