Ngân hàng Thung lũng Silicon sụp đổ: Mỹ nỗ lực ngăn 'hiệu ứng domino'

Với tài sản 209 tỉ USD và 175,4 tỉ USD tiền gửi tính đến cuối năm 2022, Ngân hàng Thung lũng Silicon là ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ

Không lâu sau khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ hôm 10-3, nỗi lo về "hiệu ứng domino" đối với các ngân hàng khu vực khác ở Mỹ đã xuất hiện nếu cơ quan quản lý không tìm được người mua lại SVB để bảo vệ các khoản tiền gửi không được bảo hiểm.

Theo Reuters, SVB là ngân hàng lớn nhất bị sụp đổ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Việc này làm rúng động các thị trường tài chính thế giới, khiến hàng tỉ USD tiền gửi của các công ty, nhà đầu tư bị "mắc kẹt". Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) đang tìm kiếm một ngân hàng khác sẵn sàng sáp nhập với SVB trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng.

Với tài sản 209 tỉ USD và 175,4 tỉ USD tiền gửi tính đến cuối năm 2022, SVB (trụ sở ở TP Santa Clara, bang California) là ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ. SVB chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon. Quy mô của ngân hàng này khiến số ứng viên tiềm năng có thể sớm nhất trí về một thỏa thuận như nêu trên là không nhiều.

Trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon ở TP Santa Clara, bang California - Mỹ hôm 10-3. Ảnh: REUTERS

Trụ sở Ngân hàng Thung lũng Silicon ở TP Santa Clara, bang California - Mỹ hôm 10-3. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, theo trang Bloomberg, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và FDIC còn đang xem xét thành lập một quỹ, cho phép các cơ quan quản lý bảo vệ tiền gửi tại những ngân hàng đang gặp khó khăn theo sau sự sụp đổ của SVB.

Nhà chức trách Mỹ đã thảo luận với lãnh đạo các ngân hàng với hy vọng rằng biện pháp này nếu được thực hiện sẽ giúp trấn an người gửi tiền, ngăn chặn sự hoảng loạn. Ngoài ra, FDIC hôm 11-3 còn làm việc với lãnh đạo nhiều ngân hàng nhỏ và vừa về tình hình tài chính của họ.

SVB sụp đổ sau khi nỗ lực huy động vốn không thành và một loạt công ty khởi nghiệp rút tiền do lo ngại về tình hình tài chính của ngân hàng này. Trước đó, SVB đối mặt sức ép ngày một lớn do nguồn vốn tại Thung lũng Silicon cạn dần, xuất phát từ việc kinh tế tăng trưởng chậm lại và lãi suất cơ bản tăng nhanh chóng.

Ông Jonas Goltermann, chuyên gia tại Công ty Capital Economics (Anh), nói với đài CNN rằng lý do SVB gặp rắc rối là phụ thuộc nhiều vào một số ngành công nghiệp trong lúc hầu hết ngân hàng khác có hoạt động đa dạng hơn.

Sở Đổi mới và Bảo vệ tài chính California (DFPI) đã đóng cửa ngân hàng này và chỉ định FDIC làm đơn vị xử lý tài sản của SVB. Nhà Trắng hôm 11-3 cho biết Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện với ông Gavin Newsom, Thống đốc bang California, về nỗ lực xử lý cuộc khủng hoảng. Ông Newsom khẳng định: "Mọi người đang làm việc với FDIC để ổn định tình hình càng nhanh càng tốt".

Một số chuyên gia và nhà đầu tư nổi bật cảnh báo rằng nếu không có giải pháp nào đạt được trước ngày 13-3, những ngân hàng khác có thể gặp sức ép nếu người dân lo lắng về tiền gửi của mình. Công ty Tư vấn tài chính Kroll (Mỹ) nhận định một vụ phá sản kiểu SVB sẽ không xảy ra với ngân hàng lớn nhưng các ngân hàng cộng đồng nhỏ có nguy cơ đối mặt rủi ro.

Tỉ phú Bill Ackman cũng cảnh báo việc không bảo vệ được người gửi tiền trong vụ SVB có thể dẫn đến việc rút tiền gửi không được bảo hiểm tại các ngân hàng khác. FDIC cho biết tính đến cuối năm 2022, 89% trong tổng số 175 tỉ USD tiền gửi ở SVB không được bảo hiểm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trấn an rằng tác động của vụ SVB sụp đổ sẽ không đe dọa đến sự an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng Mỹ. Họ cũng chỉ ra rằng SVB có mô hình kinh doanh riêng, ít phụ thuộc vào tiền gửi cá nhân như các ngân hàng truyền thống.

Tác động toàn cầu

Hãng tin AP nhận định sự sụp đổ của SVB đang gây ra tác động toàn cầu. Từ các nhà sản xuất rượu vang ở bang California - Mỹ đến các công ty khởi nghiệp ở châu Âu đều chịu ảnh hưởng và đang tìm kiếm biện pháp xử lý sau khi ngân hàng của họ đột ngột dừng hoạt động. Không chỉ doanh nghiệp mà cả nhân viên của họ cũng lo lắng bởi tiền lương có thể chịu tác động vì cuộc khủng hoảng. Nhiều khách hàng của SVB là công ty khởi nghiệp. Họ gửi hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu USD trong ngân hàng này để điều hành công ty và trả lương nhân viên.

Ngân hàng Trung ương Anh tuyên bố tài sản của SVB tại nước này sẽ được bán để trả cho các chủ nợ. Trong khi đó, theo trang Bloomberg, cổ phiếu của các ngân hàng ở châu Á cũng sụt giảm do cuộc khủng hoảng SVB. Tuy nhiên, rủi ro đối với khu vực này được cho là sẽ không lớn nhờ triển vọng tăng trưởng mạnh hơn, khách hàng của các ngân hàng đa dạng và chất lượng tài sản được cải thiện...

Reuters ngày 12-3 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ mọi tác động từ cuộc khủng hoảng SVB đối với các thị trường trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia Hàn Quốc nhận định ảnh hưởng của vụ việc sẽ không lan sang các hệ thống tài chính khác.

Tại Ấn Độ, một số công ty khởi nghiệp như Bluestone, PayTM, One97 Communications & Bharat Financial Inclusion đang lo ngại số tiền gọi vốn của họ có thể bị mắc kẹt trong SVB, từ đó dẫn tới cuộc khủng hoảng tiền mặt và buộc họ cắt giảm chi phí, trì hoãn các dự án hoặc sa thải nhân viên.

Phạm Nghĩa

Hoàng Phương

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ngan-hang-thung-lung-silicon-sup-do-my-no-luc-ngan-hieu-ung-domino-20230312203013539.htm