Ngân hàng thương mại được cấp chỉ tiêu tăng tín dụng 15% năm 2024

Hạn mức tín dụng năm 2024 đã được Ngân hàng nhà nước phân bổ cho các nhà băng với mức tăng định hướng 15%.

63 tổ chức tín dụng trong ngày cuối cùng của năm 2023 đã nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước về định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%.

Khác với mọi năm, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được nhà điều hành giao theo đợt và có thể điều chỉnh hạn mức vào cuối năm đối với những ngân hàng thực hiện tốt. Năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được định hướng luôn 15% từ đầu năm và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao hết toàn bộ chỉ tiêu ày tới các tổ chức tín dụng (TCTD).

 Hạn mức tín dụng năm 2024 đã được Ngân hàng nhà nước phân bổ cho các nhà băng với mức tăng định hướng 15%.

Hạn mức tín dụng năm 2024 đã được Ngân hàng nhà nước phân bổ cho các nhà băng với mức tăng định hướng 15%.

Tại công văn số 10167/NHNN-CSTT ban hành ngày 31/12/2023, bên cạnh việc giao định hướng tăng tín dụng của năm 2024, NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024. Cụ thể, nguyên tắc tính chỉ tiêu tăng trưởng được NHNN quy định theo công thức: Dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2024 = Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 + [Điểm xếp hạng năm 2022 x 3,5% x (Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 - Dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN thông báo năm 2023 (nếu có))] - Các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2024 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).

Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) đến cuối năm 2024 không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu trên. Còn các tổ chức tín dụng còn lại kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) không vượt quá mức dư nợ tín dụng nêu trên trong suốt cả năm 2024.

Dư nợ tín dụng để kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bao gồm: cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu các công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; cho thuê tài chính; bao thanh toán; các khoản trả thay cá nhân, tổ chức trong trường hợp cá nhân, tổ chức được bảo lãnh không thực hiện được nghĩa vụ của mình khi đến hạn thanh toán; phát hành thẻ tín dụng; mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (không bao gồm trái phiếu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các dụng Việt Nam); các nghiệp vụ cấp tín dụng khác được NHNN chấp thuận.

NHNN cũng yêu cầu TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của tổ chức tín dụng, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD.

Đồng thời, nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau... với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.

Các TCTD phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thường xuyên rà soát để cắt, giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Công văn cũng nêu rõ,trong năm 2024, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để qua đó hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với thúc đẩy ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát . Trên cơ sở đánh giá diễn biến, tình hình thực tế phù hợp, NHNN sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2024 và chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng để gửi đến từng tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng đến ngày 27/12/2023 ước đạt trên 12%, chưa bằng chỉ tiêu định hướng 14% đề ra từ đầu năm nhưng cũng là cố gắng lớn của hệ thống ngân hàng trong việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Năm 2024, dự báo mức tăng tín dụng được nhiều công ty chứng khoán đưa ra thấp hơn chỉ tiêu tăng định hướng mà NHNN vừa công bố.

Báo cáo chiến lược của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa công bố đưa ra dự báo, tăng trưởng tín dụng năm 2024 xoay quanh mức 12-13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh. Theo KBSV, động lực tăng trưởng tín dụng của năm 2024 chủ yếu sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất cùng với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.

“Ngành ngân hàng trong năm 2024 sẽ còn phải đối diện với một vài khó khăn trong thời gian tới, nhưng nhìn chung, bức tranh tổng thể của toàn ngành đã xuất hiện nhiều điểm sáng. Đáng chú ý, khi bất động sản phục hồi, một số ngân hàng sẽ được hưởng lợi và trên cơ sở đó, sẽ có mức tăng trưởng hấp dẫn”- KVSB đưa ra quan điểm.

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) thì thận trọng hơn khi đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 tiếp tục duy trì ở mức 12%. Báo cáo phân tích rằng, tăng trưởng tín dụng chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Danh mục trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng dự kiến duy trì ổn định.

Cho dù là ở mức tăng bao nhiêu thì việc nhà điều hành đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng tín dụng cho các TCTD ngay từ đầu năm đã cho thấy đây là một tín hiệu vui không chỉ đối bới các TCTD mà đối với cả nền kinh tế. Con số 15% là cao hơn năm 2023, bên cạnh đó, các TCTD được chủ động mức tăng trong hạn mức của mình qua từng tháng, từng quý để có kế hoạch cung tiền hợp lý, tránh “dồn toa” vào cuối năm. Đồng thời, lựa chọn được những khách hàng tốt, tập trung được vốn cho các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng vĩ mô.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngan-hang-thuong-mai-duoc-cap-chi-tieu-tang-tin-dung-15-nam-2024-295602.html