Ngân hàng tiếp tục 'cuộc đua' mua lại trái phiếu trước hạn

Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn sau quý II/2023 với 54.617 tỷ đồng trái phiếu. Hầu hết các lô trái phiếu ngân hàng chọn mua lại không gặp nhiều áp lực đáo hạn. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, ngân hàng chạy đua mua lại trái phiếu nhằm giảm dư thừa vốn, cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR)...

Chi mạnh mua lại trái phiếu trước hạn

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa thông báo sẽ chi 250 tỷ đồng mua lại 2 mã trái phiếu trước hạn, bao gồm: mã trái phiếu VIBL2128010 và mã trái phiếu VIBL2128011. Hai mã trái phiếu này đều có kỳ hạn 7 năm.

Mã trái phiếu VIBL2128010 có mệnh giá 1 tỷ đồng được phát hành ngày 12/8/2021 và đáo hạn ngày 12/8/2028. Khối lượng phát hành theo mệnh giá là 150 tỷ đồng, khối lượng đang lưu hành theo mệnh giá là 150 tỷ đồng. Tại ngày 12/8/2023, VIB đã thực hiện chi 150 tỷ đồng để mua lại toàn bộ mã trái phiếu này (theo mệnh giá).

Mã trái phiếu VIBL2128011 có mệnh giá 1 tỷ đồng, được phát hành ngày 16/8/2021 và đáo hạn ngày 16/8/2028. Khối lượng phát hành theo mệnh giá và khối lượng lưu hành theo mệnh giá đều là 100 tỷ đồng. Tại ngày 16/8/2023, VIB chi 100 tỷ đồng mua lại toàn bộ mã trái phiếu này trước hạn.

Hầu hết các lô trái phiếu ngân hàng chọn mua lại không gặp nhiều áp lực đáo hạn.

Hầu hết các lô trái phiếu ngân hàng chọn mua lại không gặp nhiều áp lực đáo hạn.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã mạnh tay chi 1.000 tỷ đồng mua lại toàn bộ mã trái phiếu MSBL2124005. Mã trái phiếu này có mệnh giá 1 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm, được phát hành ngày 11/8/2021 và đáo hạn ngày 11/8/2024. Khối lượng phát hành theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng, khối lượng đang lưu hành theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm nay, MSB đã liên tục mua lại lượng lớn trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022. Tính riêng trong tháng 6/2023, ngân hàng này đã 5 lần mua lại các lô trái phiếu của mã MSBL2124003, MSBL2124004, MSBL2225003, MSBL2225003 và MSBL2124004.

Cuối tháng 7 vừa qua, một nhà băng trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) là BIDV đã thực hiện mua lại trọn bộ 3 mã trái phiếu BIDL2128019, BID2_RL_20.37 và BIDLH2128016. Tổng giá trị 3 mã trái phiếu là 1.562 tỷ đồng.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa phát hành của Công ty Chứng khoán MBS, trong quý II/2023, nhóm ngân hàng đẩy mạnh việc mua mạnh trái phiếu (54.617 tỷ đồng, chiếm 68% tổng giá trị mua lại). Giá trị trái phiếu ngân hàng được các tổ chức này mua lại đến từ các ngân hàng lớn như OCB, MSB, TPBank và BIDV.

Theo đó, TPBank đã tổ chức 10 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 7.500 tỷ đồng, và là ngân hàng mua lại nhiều trái phiếu trước hạn nhất trong quý II.

Techcombank cũng là ngân hàng chi mạnh tiền mua lại nhiều trái phiếu trước hạn trong quý II vừa qua, tổng cộng 4 đợt mua lại với giá trị 4.500 tỷ đồng.

Thông tư 03 gia tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu

Theo giới phân tích, tăng trưởng tín dụng thấp thể hiện việc nhu cầu vay vốn không cao trong khi thanh khoản trong hệ thống dồi dào, tình trạng tiền dư tồn đọng xảy ra khiến cho các ngân hàng dịch chuyển dòng tiền của mình vào việc mua lại trái phiếu để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn, làm giảm mức độ thừa vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời cải thiện Hệ số an toàn vốn (CAR).

Ngoài ra, theo Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 24/4 đến 31/12, các ngân hàng được phép mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp đã bán mà không phải chờ tới 12 tháng… Các ngân hàng cũng có thể tự mua lại trái phiếu của chính mình đã phát hành nếu đảm bảo đủ điều kiện và thỏa thuận được với trái chủ, hoặc trong quy định phát hành trước đây có kèm điều khoản được mua lại. Theo các chuyên gia, Thông tư góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu, cũng giúp các ngân hàng có cơ sở để mua lại trái phiếu nhiều hơn.

Trao đổi với Vnbusiness, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích công ty chứng khoán Yuanta cho rằng, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước sẽ trợ giúp cho các doanh nghiệp giải quyết được các vấn đề sau khủng hoảng trái phiếu năm 2022. Giải pháp mua lại trái phiếu chỉ mang tính tạm thời để giải quyết tính thanh khoản cho trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành.

Ngược lại, nếu ngân hàng tăng cường mua lại trái phiếu doanh nghiệp, khả năng rủi ro sẽ chuyển sang cho các nhà băng. Mặc dù tài sản đảm bảo dựa trên hệ thống thanh khoản của ngân hàng trước mắt vẫn đảm bảo được tính rủi ro, nhưng nếu về dài hạn, trong trường hợp nền kinh tế không thể hồi phục trong thời gian tới, rủi ro và gánh nặng cho hệ thống sẽ có chiều hướng tăng lên.

Ngoài ra, theo Thông tư 41/2016, việc ngân hàng tìm cách mua lại trước hạn trái phiếu vừa giúp không phải khấu trừ vốn cấp 2, đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung lại nguồn vốn cần thiết để đáp ứng quy định về an toàn vốn.

Thông tư trên quy định, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 - chiếm phần lớn là nợ thứ cấp có kỳ hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên - sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/ngan-hang-tiep-tuc-apos-cuoc-dua-apos-mua-lai-trai-phieu-truoc-han-1094753.html