Ngân hàng tiếp tục thu thập sinh trắc học
Sau ngày 1-7 thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc vượt quá 20 triệu đồng/ngày, thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng phải được xác thực bằng khuôn mặt, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cho biết triển khai khá thuận lợi.
Hiện các NHTM tiếp tục thu thập sinh trắc học cập nhật thông tin căn cước công dân (CCCD) gắn chip và thu thập sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng để tiến tới làm sạch dữ liệu của khách hàng cá nhân.
Ông Từ Tiến Phát- Tổng Giám đốc ACB cho biết, ACB đã triển khai xác thực khuôn mặt thành công cho 500.000 khách hàng qua ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE, giúp tăng cường bảo mật tài khoản và bảo vệ các giao dịch trực tuyến giá trị lớn.
“Ngay khi triển khai đăng ký xác thực khuôn mặt cho khách hàng, chúng tôi đã cân nhắc rằng hệ thống này có thể sẽ không mượt mà. Nhưng thực tế sau khi triển khai, khách hàng chỉ mất chưa đến 30 giây là đã xác thực được. Đây là giải pháp triệt để, giúp giải quyết được các rủi ro về bảo mật và an toàn tài khoản"- ông Phát cho hay.
Mặc dù chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần mới thực hiện xác thực khuôn mặt nhưng ACB đã khuyến nghị khách hàng đăng ký xác thực khuôn mặt nhằm tránh gián đoạn giao dịch với giá trị lớn.
Cũng theo ông Phát, với việc xác thực khuôn mặt, chỉ có “chính chủ” của tài khoản mới chuyển được tiền. Trong trường hợp chủ tài khoản bị lộ thông tin, tội phạm có thể chiếm quyền kiểm soát điện thoại để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của họ. Nhưng với việc khi giao dịch phải xác thực bằng khuôn mặt đã so khớp với khuôn mặt trên thẻ căn cước thì tội phạm khó có thể giả mạo để lấy được tiền.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank cũng cho biết hiện đã có khoảng hơn 500.000 khách hàng thực hiện thu thập cập nhật CCCD gắn chip và thu thập sinh trắc học khuôn mặt. TPBank vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch cập nhật thông tin CCCD gắn chip và thu thập sinh trắc học khuôn mặt của khách hàng một cách triệt để nhằm tiến tới cột mốc làm sạch dữ liệu của khách hàng cá nhân của mình trong thời gian sớm nhất.
Ông Phan Việt Hải - Phó Tổng Giám đốc BVBank cũng cho biết, hiện đã có hơn 30% khách hàng của BVBank đã tiến hành xác thực khuôn mặt để thuận tiện trong giao dịch theo quy định mới. Khách hàng đã xác thực khuôn mặt khi chuyển tiền đến bước xác thực đều hoàn tất nhanh chóng và không phát sinh các lỗi.
“Trong quá trình cài đặt, khách hàng cần thay đổi thông tin giấy tờ tùy thân chỉ cần gọi điện thoại bằng hình ảnh (video call) đến bộ phận hỗ trợ 24/7 sẽ được nhân viên hỗ trợ chuyển đổi thông tin và để bắt đầu cài đặt sinh trắc học mà không cần phải đến ngân hàng. Đối với việc khách hàng không quét được NFC thì đến các điểm giao dịch để được hỗ trợ"- ông Hải thông tin.
Ông Hải cũng cho biết, ngoài việc khách hàng đến ngân hàng được hỗ trợ thu thập sinh trắc học, hiện BVBank đang có chiến dịch hỗ trợ khách hàng tận nơi. Các nhân viên ngân hàng đi địa bàn sẽ hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng khi khách hàng có nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối bán lẻ OCB cho biết, đa số khách hàng tự thực hiện xác thực sinh trắc học trên phần mềm OMNI thế hệ mới khá thuận lợi. Do đó, đa số các khách hàng đến ngân hàng nhờ nhân viên hỗ trợ xác thực sinh trắc học khuôn mặt chủ yếu là khách hàng lớn tuổi. Riêng nhóm khách hàng là người chuyển giới, phẫu thuật thẩm mỹ và không thể xác thực sinh trắc học trên ứng dụng OCB OMNI, sẽ phải đến các điểm giao dịch của OCB để được hỗ trợ trực tiếp cho việc đăng ký sinh trắc học khuôn mặt theo quy định từ NHNN.
NHNN cho biết, tỷ lệ giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng chiếm 8,8% tổng giá trị giao dịch trong ngày, cao hơn bình quân tháng 6 ở mức 8%. Sau khi triển khai QĐ 2345/2023 từ ngày 1-7, những giao dịch trên 10 triệu đồng gặp khó khăn hoặc trục trặc là không nhiều so với tổng giá trị giao dịch trong ngày của hệ thống.
Theo NHNN, có khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng. Các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, số người có giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày cũng chưa đến 1%. Vì vậy, việc xác thực sinh trắc học không ảnh hưởng quá lớn đến các giao dịch, thanh toán của người dùng.
Mặc dù vậy, hiện không ít người dân phản ảnh việc chuyển khoản dưới 10 triệu đồng nhưng chưa thực hiện xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt khớp với cơ sở dữ liệu tập trung vẫn không thể thực hiện việc chuyển tiền.
Sáng 2-7, chị P. Thái (quận 3) cho biết, khi chuyển khoản 3 triệu đồng để mua hàng từ ứng dụng BIDV nhưng chị không thể chuyển khoản được vì ngân hàng yêu cầu phải xác thực sinh trắc học. Chị Thái phải vào ứng dụng thực hiện xác thực sinh trắc học nhưng ứng dụng bị “đơ” nên chị phải đến ngân hàng BIDV trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng cũng cho biết do hệ thống đang quá tải nên không thể hỗ trợ chị cập nhật sinh trắc học được.
"Được biết các giao dịch trên 10 triệu đồng/lần mới phải xác thực nhưng tôi chuyển dưới 10 triệu đồng cũng yêu cầu xác thực gây bất tiện cho khách hàng”- chị Thái bức xúc.
Trước đó, nhiều người chuyển khoản vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng từ tài khoản của ACB, VPB... cũng được yêu cầu xác thực sinh trắc học tuy nhiên đến nay, các ngân hàng này đã khắc phục việc này.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngan-hang-tiep-tuc-thu-thap-sinh-trac-hoc-post747363.html