Ngân hàng tìm giải pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Trước tình trạng dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, các ngân hàng thương mại, nơi thường xuyên phải tiếp xúc với khách hàng đang tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Cụ thể là khuyến khích khách hàng sử dụng ngân hàng số, tăng cường các biện pháp phòng dịch bằng việc yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc, liên tục khử khuẩn khu vực giao dịch…

Khách hàng giao dịch tại một điểm của Vietcombank ở Hà Nội.

Ngân hàng tăng cường phòng dịch

Là một trong những nơi bị coi là có nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19, các điểm giao dịch là mối lo của các ngân hàng. Trên thực tế, các ngân hàng đều nhận thức tầm quan trọng của việc phòng, chống Covid-19, nên tại hàng chục nghìn điểm giao dịch trên cả nước, khách hàng đều được nhân viên, bảo vệ hỗ trợ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ thông điệp "5K" của Bộ Y tế.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, ngân hàng đã chuyển từ trạng thái “phòng ngự” sang “tấn công”; tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch giai đoạn vừa qua; bám sát và thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa bảo vệ tốt sức khỏe cán bộ, người lao động, đối tác, khách hàng, vừa bảo đảm tính liên tục, ổn định trong hoạt động của VietinBank. Ban lãnh đạo VietinBank đã yêu cầu trang bị phương tiện làm việc để các đơn vị, cá nhân chủ động trong các phương án làm việc giãn cách; chủ động các phương án bảo đảm hoạt động của các đơn vị, kể cả làm việc từ xa, làm việc tại nhà....

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng cho biết, Hội sở chính cũng như các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng liên tục được khử khuẩn, 100% nhân viên ngân hàng được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm việc. Mỗi ngày ở các điểm giao dịch đều có nhân viên sử dụng nước sát khuẩn thường xuyên giữ gìn vệ sinh khu vực giao dịch, nơi có nguy cơ cao vì tiếp xúc với khách hàng. Nhân viên được yêu cầu không tụ tập đông người.

Ông Trịnh Công Kỳ, Giám đốc Phòng giao dịch Hồ Gươm, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) cũng chia sẻ, tất cả các nhân viên, kể cả những nhân viên không giao dịch trực tiếp với khách hàng được yêu cầu phải đeo khẩu trang khi làm việc. Riêng ở khu vực tiếp xúc thường xuyên với tiền mặt như: Khâu đếm, kiểm tiền, nhập kho..., ngân hàng cũng trang bị găng tay, khẩu trang y tế, đồ bảo hộ lao động cho nhân viên nhằm ngăn ngừa lây nhiễm vi rút trên tiền mặt (nếu có).

Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ cho cán bộ nhân viên và người thân tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo đó, BIDV sẽ chủ động liên hệ với Bộ Y tế và các cơ quan chức năng để đăng ký mua vắc xin Covid-19 hỗ trợ cán bộ nhân viên và người thân phòng dịch Covid-19. Mỗi nhân viên của BIDV cùng với 4 người thân sẽ được hỗ trợ trong đợt tiêm phòng lần này. Kinh phí được trích từ nguồn quỹ phúc lợi của ngân hàng.

Khuyến khích sử dụng ngân hàng số

Tuy nhiên, để các biện pháp phòng dịch thực sự phát huy hiệu quả còn cần sự hỗ trợ của khách hàng.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt vừa hỗ trợ thiết thực tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán số, góp phần hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Trên thực tế, chưa có thời điểm nào dịch vụ ngân hàng số lại phát triển bùng nổ như hiện nay. Không chỉ có những giao dịch đơn giản như chuyển tiền, khách hàng đã có thể thanh toán hóa đơn dịch vụ, đăng ký mở tài khoản trực tuyến bằng công nghệ định danh điện tử eKYC… Chỉ cần ngồi ở bất cứ đâu với máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, người dùng có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng mà không cần phải trực tiếp đến phòng giao dịch. Ngoài ra, người dùng dịch vụ ngân hàng số còn có thể mua bán online thanh toán bằng tài khoản ngân hàng… Với việc sử dụng dịch vụ ngân hàng số, nguy cơ lây nhiễm ở các điểm giao dịch ngân hàng cũng hạn chế hơn nhiều.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) Nguyễn Văn Lê nhận định, việc triển khai ứng dụng eKYC khiến việc sở hữu tài khoản ngân hàng dễ dàng hơn đối với khách hàng là bước tiến mới trong công cuộc số hóa các hoạt động ngân hàng, thúc đẩy khách hàng thay đổi thói quen chuyển đổi từ giao dịch trực tiếp sang giao dịch trực tuyến, tiết kiệm thời gian, công sức và đặc biệt đảm bảo an toàn sức khỏe trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1000454/ngan-hang-tim-giai-phap-han-che-nguy-co-lay-nhiem-covid-19