Ngân hàng trung ương các nước cần làm gì sau khi FED tăng lãi suất?
Rạng sáng 3/11 theo giờ Việt Nam, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tăng lãi suất mạnh lần thứ 4 liên tiếp ở mức 0,75 điểm %.Thị trường Tài chính và giới chuyên gia ngay lập tức đã có phản hồi về quyết định này của FED.
Thư ký báo chí Nhà Trắng - bà Karine Jean-Pierre đánh giá quyết định tăng lãi suất của FED sẽ giúp giảm lạm phát, trong đó, việc tăng lãi suất vay thế chấp sẽ góp phần làm dịu tình trạng giá nhà tăng cao. Nhà Trắng cũng khẳng định tiếng nói độc lập của FED và lưu ý về sự tin tưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng cơ quan này có những “chính sách tiền tệ tốt nhất” để giải quyết vấn đề lạm phát.
Sau tuyên bố của FED, đồng USD đã giảm giá, trong khi các ngoại tệ khác đi lên. Đồng Yen của Nhật Bản đã tăng giá 1,42% trong ngày lên mức 146,21 Yen đổi 1 USD. Đồng Euro tăng 0,73% trong ngày lên mức 1 Euro đổi 0,9946 USD.
Lý giải về tác động sau quyết định của FED đối với thị trường tài chính, giới phân tích nhận định, giá USD tăng do tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền trên thế giới trong tương quan với đồng USD. Về lâu dài tỉ giá cao giữa USD và đồng nội tệ sẽ làm tăng lạm phát ở các quốc gia khác, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của các hộ gia đình, và cuối cùng là làm chậm lại nền kinh tế toàn cầu.
Để đáp ứng với hành động của FED, các nước sẽ phải triển khai nhiều biện pháp hơn để tránh lạm phát. Ông Garynh, Chuyên gia kinh tế cao cấp về Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis, một ngân hàng quản lý đầu tư, bảo hiểm và dịch vụ tài chính thuộc Tổ hợp ngân hàng tập đoàn BPCE của Pháp cho biết: “Quyết định của FED sẽ tạo ra sự phân hóa giữa các thị trường trong thời gian tới. Ví dụ một số thị trường có thể có lợi do giá hàng hóa tăng cao như Indonesia và Thái Lan.
Mặt khác, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) có thể bị tổn thương do sự định giá thấp của thị trường chứng khoán công nghệ. Về lâu dài, các ngân hàng trung ương cần phải nỗ lực để tạo sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, đặc biệt nếu chúng ta thấy những tín hiệu cải thiện từ Mỹ ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, giá cả thực phẩm".
Trước đó, rạng sáng 3/11 theo giờ Việt Nam, FED tiếp tục nâng lãi suất tham chiếu thêm 75 điểm cơ bản, nhằm hạ nhiệt lạm phát cao nhất 40 năm. Theo lý giải của Chủ tịch FED - Jerome Powell, quyết định tiếp tục tăng lãi suất là phù hợp” để đạt được mức độ kiểm soát cần thiết nhằm kiềm chế lạm phát, song cơ quan này sẽ cân nhắc tác động đối với nền kinh tế khi đưa ra các quyết định tiếp theo.
Như vậy, từ đầu năm, FED đã tăng lãi tổng cộng 6 lần. Trong đó, 4 lần gần nhất đều nâng với mức 75 điểm cơ bản, trong các phiên họp tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11./.