Ngân hàng Trung ương Nga bất ngờ tăng lãi suất lên 12%
Ngày 15/8, Ngân hàng Trung ương Nga bất ngờ tăng lãi suất thêm 350 điểm cơ bản lên ngưỡng 12% sau một cuộc họp khẩn trong bối cảnh Moscow tìm cách ngăn chặn đà mất giá nhanh chóng của đồng ruble trước các đồng tiền khác.
Theo hãng thông tấn TASS, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022, tỷ giá hối đoái của đồng USD và đồng euro lần lượt vượt quá 101 và 111 ruble trong phiên giao dịch ngày 14/8. Cùng ngày hôm đó, cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin là ông Maxim Oreshkin cũng đăng một bài xã luận trên hãng thông tấn này. Ông đổ lỗi “sự nới lỏng chính sách tiền tệ” của ngân hàng trung ương là nguyên nhân khiến đồng ruble trượt giá và lạm phát gia tăng.
Trong bối cảnh tỷ giá hối đoái đồng ruble biến động, Ngân hàng Trung ương Nga ngày 15/8 đã triệu tập một cuộc họp bất thường để đánh giá lại mức lãi suất cơ bản 8,5%.
Hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương Nga thông tin: “Tăng trưởng nhu cầu trong nước vượt quá khả năng mở rộng sản xuất sẽ khuếch đại áp lực lạm phát cơ bản và ảnh hưởng đến động lực tỷ giá hối đoái của đồng ruble thông qua nhu cầu nhập khẩu tăng cao”. Sự mất giá của đồng ruble vì vậy đang được chuyển sang giá cả và kỳ vọng lạm phát đang gia tăng.
Do đó, TASS trích dẫn tuyên bố cho biết: “Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương Nga đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 350 điểm cơ bản lên 12% mỗi năm kể từ ngày 15/8/2023. Quyết định này nhằm hạn chế rủi ro gây bất ổn giá cả".
Cơ quan này cũng bổ sung thêm: “Trong tương lai, khi đưa ra quyết định về lãi suất cơ bản, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ tính toán đến các động lực lạm phát thực tế và dự kiến liên quan đến mục tiêu và quá trình chuyển đổi kinh tế, cũng như các rủi ro do điều kiện trong nước và bên ngoài gây ra và phản ứng của thị trường tài chính”.
Với lập trường chính sách tiền tệ hiện tại, lạm phát hàng năm được dự báo sẽ trở lại mức 4% vào năm 2024, tuy nhiên, tốc độ tăng giá hiện tại gây ra nguy cơ lạm phát đi chệch hướng so với mục tiêu trên. Vì vậy, quyết định của Ngân hàng Trung ương Nga nhằm mục đích định hình các điều kiện tiền tệ và động lực tổng thể của nhu cầu trong nước để đưa lạm phát trở lại mức 4% vào năm 2024 và ổn định nó ở mức gần 4% trong tương lai.
Sau cuộc họp, đồng USD giảm xuống dưới 99 ruble, trong khi đồng euro giảm xuống dưới 108 ruble. Theo CNBC dẫn lời ông Anatoly Aksakov, Chủ tịch Ủy ban Duma về Thị trường Tài chính, công bố Telegram hôm 14/8, Ngân hàng Trung ương sẽ bắt đầu cắt giảm dần dần lãi suất sau khi tình hình đồng ruble ổn định và “tỷ giá hối đoái của đồng ruble nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước”.