Ngân hàng trung ương Trung Quốc 'rót' khoản hỗ trợ cao kỷ lục cho nền kinh tế
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hồi cuối tuần trước thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 2,5% đối với các khoản cho vay trung hạn trị giá 1.450 tỷ NDT (203,97 tỷ USD) đối với một số tổ chức tài chính.
Trung Quốc đã mở rộng hỗ trợ nền kinh tế bằng đợt bơm các khoản vay chính sách trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, giữa lúc đà phục hồi tăng trưởng của quốc gia này vẫn còn mong manh.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) hồi cuối tuần trước thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 2,5% đối với các khoản cho vay trung hạn (MLF) trị giá 1.450 tỷ NDT (203,97 tỷ USD) đối với một số tổ chức tài chính.
Với khoản vay MLF trị giá 650 tỷ NDT sắp hết hạn trong tháng này, động thái trên đồng nghĩa PBoC “bơm” ròng 800 tỷ NDT vào hệ thống ngân hàng trong tháng 12, đánh dấu mức tăng hàng tháng lớn nhất trong lịch sử. Số tiền trên cũng nhiều hơn gấp đôi mức dự báo do các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg đưa ra.
Cùng ngày 8/12, Chính phủ Trung Quốc cũng nới lỏng các biện pháp hạn chế mua nhà ở Bắc Kinh và Thượng Hải nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái chưa từng có của thị trường nhà ở. Thủ đô Bắc Kinh cũng đã hạ tỷ lệ yêu cầu trả trước cho căn nhà thứ hai xuống 40% hoặc 50%, tùy thuộc vào vị trí của bất động sản. Thượng Hải cũng có động thái tương tự.
Việc tiếp tục hỗ trợ nhấn mạnh ưu tiên của Bắc Kinh trong việc duy trì thanh khoản dồi dào. Hồi tháng 10/2023, nước này đã đưa ra một động thái hiếm thấy là nâng tỷ lệ thâm hụt tài chính lên mức cao nhất trong ba thập kỷ và cho phép chính phủ bán thêm 1.000 tỷ NDT trái phiếu chính phủ trong năm.
Tình trạng dòng tiền mặt đột ngột thắt chặt do yếu tố mùa vụ và việc phát hành nợ đã khiến nhà đầu tư lo ngại trong những tháng gần đây.
Bà Michelle Lam, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Societe Generale SA cho biết quy mô MLF tăng vọt cho thấy PBoC ít khả năng cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong thời gian tới. Có vẻ PBoC vẫn ưu tiên ổn định tỷ giá hối đoái và kiềm chế theo đuổi các biện pháp kích thích mạnh mẽ.
Song giữa lúc nhu cầu trong nước vẫn chưa ổn định, bà cho rằng PBoC vẫn còn khả năng đưa ra nhiều đợt cắt giảm RRR và lãi suất trong năm tới.
Các nhà giao dịch từ lâu đã tranh luận về việc PBoC nên nới lỏng chính sách như thế nào để hỗ trợ tăng trưởng. Trong khi một số người cho rằng Bắc Kinh nên sử dụng nhiều công cụ có mục tiêu hơn như MLF để bơm thanh khoản vào thị trường, những người khác lại cho rằng ngân hàng trung ương nên giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ để giải phóng nguồn tài trợ dài hạn có chi phí rẻ hơn.
Bà Serena Chu, chuyên gia kinh tế tại công ty môi giới tài chính Mizuho Securities cho hay yếu tố chính cản trở tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là vấn đề niềm tin. Nhưng lãi suất thấp hơn sẽ giúp ích cho nền kinh tế. Bà vẫn kỳ vọng Trung Quốc cắt giảm 20 điểm cơ bản đối với lãi suất và 50 điểm cơ bản đối với RRR vào năm tới. Đồng thời, chuyên gia này lưu ý không gian để Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa là tương đối hạn chế.