Ngân hàng ưu tiên dành vốn ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp
Hiện, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng đã dành nguồn tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp cùng những giải pháp đơn giản hóa thủ tục cho vay với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội.
Hiện, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đại diện lãnh đạo của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: Thực tế việc tiếp cận vốn của khách hàng doanh nghiệp không phụ thuộc hoàn toàn vào lãi suất, mà phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có năng lực kinh doanh, có tình hình tài chính ổn định, có phương án kinh doanh khả thi thì sẽ có nhiều lợi thế trong tiếp cận vốn.
Thực tế hiện nay, nhóm khách hàng này luôn được các ngân hàng thương mại chào với mức lãi suất cho vay rất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hiệu quả. Ngược lại, các doanh nghiệp chưa có kế hoạch kinh doanh rõ ràng, hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả sẽ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Thời gian qua, Vietin Bank đã triển khai mạnh các gói hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Hiện, Vietin Bank có dư nợ hỗ trợ lãi suất cao nhất toàn hệ thống trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với dư nợ đạt hơn 11.784 tỷ đồng, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất lũy kế đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, VietinBank cũng dành 30.000 tỷ đồng để triển khai Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững với lãi suất cho vay hấp dẫn. Bên cạnh đó, VietinBank đẩy mạnh cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ như: cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, lĩnh vực xuất khẩu với lãi suất niêm yết 4%/năm. Cùng đó, VietinBank đã kịp thời triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng. Lãnh đạo VietinBank cho biết thêm, ngân hàng ưu tiên dành nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đồng thời, liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Trong năm 2023, sau 10 lần điều chỉnh, tổng mức lãi suất được giảm tới 4%/năm, từ đó hỗ trợ hơn 220 nghìn khách hàng tiếp cận tín dụng với lãi suất chỉ từ 5,2%/năm và tổng doanh số giải ngân đạt gần 2 triệu tỷ đồng. Năm nay, VietinBank tiếp tục dành ngân sách tới 300 nghìn tỷ đồng cho vay bổ sung vốn lưu động và 130 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi doanh nghiệp trung, dài hạn. Từ đó, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời nắm bắt cơ hội, mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh với lãi suất đặc biệt ưu đãi. Ngoài các chính sách ưu đãi về lãi suất, VietinBank tập trung rà soát chuẩn hóa quy trình cấp tín dụng theo từng phân khúc/tiểu phân khúc khách hàng, tinh gọn quy trình, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục từ đó rút ngắn thời gian xử lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng hơn. Riêng với phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, VietinBank đã thiết kế quy trình cấp tín dụng và quy trình giải ngân rút gọn, rút ngắn tới 30% so với quy trình cấp tín dụng thông thường. Chỉ tính riêng trong tháng 3, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội thực hiện nghiêm quy định về lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 8,1 - 10,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên bình quân khoảng 3,8%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội ước đạt trên 5.400 nghìn tỷ đồng, trong đó tiền gửi đạt 4.671 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.646 nghìn tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.509 nghìn tỷ đồng; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 2.137 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,85% trong tổng dư nợ. Dư nợ cho vay theo chương trình tín dụng cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 15,79% trong tổng dư nợ cho vay; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19,05%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,99%... Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức tín dụng đã giúp nhiều doanh nghiệp tư tin trong bố trí phương án sản xuất kinh doanh, cũng như vực dậy lúc gặp nhiều khó khăn. Theo điều tra, khảo sát đánh giá về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, sự khả quan của nền kinh tế đang bắt đầu phục hồi.
Kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong những tháng đầu năm 2024 cho thấy, có 16,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý IV/2023; 48,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Nhờ các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định nên thành phố giải quyết việc làm cho hơn 45,6 nghìn lao động, đạt 27,6% kế hoạch năm.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/ngan-hang-uu-tien-danh-von-uu-dai-ho-tro-doanh-nghiep/330643.html