Ngân hàng Việt Nam đang ở đâu trong tiến trình số hóa?

Theo cách phân đoạn của chuyên gia IT về quy trình số hóa, các ngân hàng thương mại Việt Nam hầu hết đang ở giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật số trong tiến trình số hóa.

Ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng nhà nước Việt Nam) cho biết, theo cách định nghĩa về ngân hàng số của chuyên gia ngân hàng, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp. Trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam khá tích cực trong việc số hóa các hoạt động với 2 cách tiếp cận điển hình. Ngân hàng thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) tập trung tăng cường trải nghiệm khách hàng, thu hút khách hàng bằng cách mở rộng tương tác với khách hàng thông qua các minigame. Còn Ngân hàng thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) chia sẻ quan điểm chuyển đổi số của ngân hàng, cũng đã tập trung vào việc số hóa quy trình vận hành và quy trình xử lý nội bộ trong ngân hàng.

Theo ông Hòe, hiện quá trình số hóa ngân hàng còn nhiều thách thức. Điển hình như khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ, còn khuyết thiếu hoặc chồng chéo nên chưa đáp ứng được yêu cầu để hệ thống ngân hàng thích ứng với bối cảnh số hóa.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã có những gói đầu tư lớn về dữ liệu nhưng dường như vẫn chưa có được hệ thống dữ liệu sạch, đồng nhất, chưa tạo được sự kết nối liên thông đầy đủ.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay, mặc dù các ngân hàng đã có những gói đầu tư lớn về dữ liệu nhưng dường như vẫn chưa có được hệ thống dữ liệu sạch, đồng nhất, chưa tạo được sự kết nối liên thông đầy đủ.

Các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, đây là thách thức lớn và đáng quan tâm nhất ở Việt Nam. Cần phải có sự chia sẻ giữa các đơn vị kinh doanh và các nhà quản lý trong quá trình thẩm tra và quyết định cho phép một mô hình kinh doanh mới được triển khai.T

Tuy nhiên, đây là điều tất yếu bởi các cơ quan quản lý không chỉ đóng vai trò là đơn vị xúc tác, hỗ trợ cho quá trình số hóa diễn ra thuận lợi mà quan trọng hơn còn là đơn vị đảm bảo môi trường pháp lý lành mạnh để quá trình số hóa diễn ra được an toàn.

Để giải quyết vấn đề này, ông Hòe cũng chia sẻ bí quyết của các quốc gia đi trước, đó là việc cần phải có: Cách tiếp cận phát triển nhanh nhạy; Quy trình tư duy chuẩn mực; Khuôn khổ khổ pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho việc giám sát Fintech; và Diễn đàn trao đổi giám sát Fintech.

Một thách thức nữa đó là xuất hiện nhiều đối thủ mới cạnh tranh trong kinh doanh. Số hóa với hệ sinh thái dịch vụ tài chính và nền tảng API mở tạo cơ hội tận dụng và tạo ra sức mạnh tổng hợp, tạo ra tính kinh tế về quy mô cho hoạt động cung ứng dịch vụ.

Đồng thời là cơ hội để các ngân hàng vươn ra hoạt động ngoài ngân hàng (Banks beyond Banking) nhưng cũng đặt ra nguy cơ là sự xuất hiện của các đối thủ mới (các ngân hàng ảo), các công ty công nghệ tài chính lớn, và các hoạt động ngân hàng nằm ngoài phạm vi các ngân hàng (banking beyond banks). IPO cty Ant’s Group của Alibaba lách sang dạng công ty công nghệ là một ví dụ.

Thay đổi rất lớn về nhân lực với khả năng giảm số lượng lớn lao động và đòi hỏi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là không thể tránh khỏi. Các xu thế lớn trong bức tranh dịch vụ tài chính ngân hàng cũng tạo ra nhữngthay đổi to lớn về lực lượng lao động trong lĩnh vực này.

Cũng theo ông Hòe, qua phân tích của Oliver Wyman, về phía cầu lao động, 45% công việc hiện tại trong khu vực tài chính có thể được tự động hóa, 30% công việc còn lại sẽ thay đổi với những nhiệm vụ chính rất khác biệt so với hiện nay, tuy nhiên đến 2025, chỉ có 10% những công việc này là thực sự bị đe dọa.

Về nguồn cung lao động, tính đến năm 2020, 50% lực lượng lao động là từ thế hệ cuối 1990 đầu 2000, lực lượng lao động cũng bị già đi – 44 tuổi là độ tuổi trung vị ở các nước phát triển vào năm 2030, và đến năm 2020, 40% sinh viên toàn cầu là đến từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Điều này tạo ra cuộc cạnh tranh toàn cầu để thu hút và tuyển dụng được những nhân lực tốt nhất tiến trình số hóa. Vì vậy đào tạo sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng sẽ thách thức hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Các cuộc tấn công mạng lớn là một quan ngại hàng đầu trong ngắn hạn và các tổ chức phải đối mặt với những lựa chọn đánh đổi quan trọng trong việc cải thiện sức bền và khả năng chống đỡ trong môi trường mạng.

Theo đánh giá từ kết quả khảo sát của Oliver Wyman, các cuộc tấn công mạng được các lãnh đạo của các doanh nghiệp tại các nền kinh tế phát triển đánh giá là rủi ro toàn cầu số 1 trong việc triển khai các hoạt động kinh doanh.

Những kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, quá trình số hóa là một cuộc chơi dài và các ngân hàng cần phải có các hành động chuẩn bị. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, tham gia vào cuộc chơi này, các tổ chức hàng đầu đã và đang: Xây dựng lại hình dung về trải nghiệm khách hàng, xây dựng các mô hình kinh doanh số; Tận dụng dữ liệu như một tài sản chiến lược; Đo lường “lợi nhuận số” một cách chi tiết để ra quyết định tốt hơn; Xây dựng sức bền, khả năng chống đỡ trong môi trường mạng; Chuẩn bị cho những thay đổi căn bản về lực lượng lao động trong tương lai; Tạo lập khả năng thích nghi theo quy mô; Phát triển nhưng đều phải xuất phát từ nghiệp vụ truyền thống.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù các ngân hàng đã có những gói đầu tư lớn về dữ liệu nhưng dường như vẫn chưa có được hệ thống dữ liệu sạch, đồng nhất, chưa tạo được sự kết nối liên thông đầy đủ. Về phía cơ quan quản lý, cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ và thông tin, trong đó cần nâng cao hiệu quả và khả năng tiếp cận các thông tin từ trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC).

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ngan-hang-viet-nam-dang-o-dau-trong-tien-trinh-so-hoa-120782.html