Ngân hàng Việt ồ ạt bán vốn cho nhà đầu tư ngoại

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết: 'Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài những năm qua tại các ngân hàng Việt mang lại những hiệu quả tích cực. Các nhà đầu tư nước ngoài giúp kiểm soát ngân hàng chặt chẽ hơn bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra'.

Ồ ạt bán vốn

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB - cho biết ngân hàng đang đàm phán với một số tổ chức tài chính lớn về việc bán vốn, dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ chốt đối tác.

Cụ thể, ông Hiển cho biết kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài đã được đại hội đồng cổ đông đề cập trong nhiều năm, ban lãnh đạo cũng đã làm việc với nhiều đối tác và nhận được nhiều sự quan tâm từ các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới.

Hiện tại, trong hệ thống ngân hàng, SHB là một trong những nhà băng tư nhân quy mô lớn hiếm hoi chưa có cổ đông chiến lược nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại đây mới vào khoảng 7%, cách rất xa mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 30%.

Ngân hàng SHB sẽ bán vốn cho cổ đông ngoại.

Ngân hàng SHB sẽ bán vốn cho cổ đông ngoại.

Nhiều ngân hàng lớn đã nâng tỷ lệ của cổ đông nước ngoài lên trên 15%. Đáng chú ý, nổi lên là cổ đông đến từ Nhật Bản.

Cụ thể, vào cuối tháng 3 vừa qua, VPBank đã bán 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản, thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Con số 1,5 tỷ USD (tương đương khoảng 35.900 tỷ đồng) giá trị thương vụ cũng xác lập kỷ lục mới của ngành ngân hàng.

Trước VPBank, quy mô thỏa thuận đầu tư chiến lược lớn nhất thuộc về thương vụ KEB Hana Bank "rót" hơn 20.000 tỷ đồng để mua 15% cổ phần BIDV vào năm 2019.

Năm 2011, một định chế tài chính Nhật Bản khác là Mizuho Bank cũng công bố khoản đầu tư 567,3 triệu USD để đổi lấy 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam. Đầu năm 2023, Hội đồng quản trị Vietcombank đã thông qua việc chào bán riêng lẻ 307,6 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% tổng số cổ phần lưu hành, cho Mizuho (46,1 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư khác (261,4 triệu cổ phiếu).

Năm 2022, một định chế tài chính Nhật Bản khác là Aozora Bank đã hoàn tất thương vụ đầu tư mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Thương vụ giúp OCB tăng vốn điều lệ từ 7.898 tỷ đồng lên 8.767 tỷ đồng, đồng thời thiết lập mức định giá hơn 1 tỷ USD.

Hiện có khoảng 16 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên 15%. Trong đó, 7 ngân hàng đã kín hoặc gần kín tỷ lệ sở hữu vốn ngoại.

Nới room: Cơ hội tăng vốn và quản trị

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào ngân hàng Việt là điều tốt cho các nhà băng nội. Theo ông Hùng, nhà đầu tư ngoại "bỏ tiền" vào cũng phải xem xét ngân hàng hoạt động ra sao, tương lai thế nào?

"Hàng tỷ USD đổ vào ngân hàng nội nên họ phải cân nhắc để dòng tiền phát huy hiệu quả. Các ngân hàng nước ngoài có kinh nghiệm và đi trước mình bao nhiêu năm nên sẽ nâng cao hiệu quả kinh doanh tốt hơn đối với nhà băng nội", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, trước nay, nhiều vấn đề lo ngại vốn ngoại nên quy định tỷ lệ khống chế 30% cổ phần trong ngân hàng nội.

"Hiện, các ngân hàng Việt muốn mở room ngoại ra để nâng vị thế của mình và uy tín, khả năng năng lực tài chính và cùng quản trị ngân hàng tốt hơn", ông Hùng cho hay.

Theo ông Hùng, các ngân hàng nội có vốn ngoại thay đổi tích cực về tài chính, công nghệ, quản trị và điều hành tại các tổ chức tín dụng theo hướng tiếp cận gần hơn với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Do đó, ông Hùng cho rằng việc tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là cần thiết.

"Nới room sẽ thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, giúp các ngân hàng thương mại tăng quy mô vốn chủ sở hữu, tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội" - ông Hùng nhấn mạnh.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Đáng chú ý nhất tại dự thảo này là việc điều chỉnh quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc (không bao gồm các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) vượt giới hạn quy định khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc".

Ngọc Mai

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngan-hang-viet-o-at-ban-von-cho-nha-dau-tu-ngoai-post1525444.tpo