Ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phát thông báo quan trọng tới người dân cả nước liên quan đến sáp nhập tỉnh, thành
Ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank thông báo tới khách hàng cả nước liên quan đến việc sáp nhập tỉnh đồng thời cũng triển khai mẫu con dấu mới để phù hợp với thay đổi này.
Ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank phát thông báo quan trọng
Ngân hàng Vietcombank mới đây đã thông báo thay đổi địa chỉ trụ sở của 127 chi nhánh và 543 phòng giao dịch do việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Một số chi nhánh của Vietcombank thay đổi địa chỉ kể từ ngày 1/7/2025. Nguồn: Vietcombank
Ngoài ra, BIDV cũng công bố danh sách 187 chi nhánh được cập nhật địa chỉ mới.
Tương tự, Agribank và VietinBank lần lượt đưa ra thông báo điều chỉnh địa chỉ trụ sở của hàng loạt chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện và đơn vị sự nghiệp, đồng thời khẳng định không có sự thay đổi về địa điểm hoạt động thực tế.
Song song với việc cập nhật thông tin hành chính, các ngân hàng cũng triển khai mẫu con dấu mới để phù hợp với thay đổi này.
Cụ thể, Vietcombank đã loại bỏ thông tin “Q. Hoàn Kiếm” trên con dấu. Bên cạnh đó, Agribank cũng không còn sử dụng thông tin “Q. Ba Đình” trên dấu.
Sau khi sáp nhập tỉnh, thành, khách giao dịch ngân hàng có phải thay đổi thông tin?

Nhiều khách hàng ngân hàng bày tỏ băn khoăn về việc liệu có cần thiết phải cập nhật thông tin cá nhân, đặc biệt là địa chỉ, khi giao dịch tại các ngân hàng hay không. (Ảnh minh họa)
Kể từ ngày 1/7, sau khi các tỉnh, thành phố trên cả nước chính thức sáp nhập theo quyết định của Nhà nước, nhiều khách hàng ngân hàng bày tỏ băn khoăn về việc liệu có cần thiết phải cập nhật thông tin cá nhân, đặc biệt là địa chỉ, khi giao dịch tại các ngân hàng hay không.
Trước lo ngại này, đại diện truyền thông của ngân hàng MB khẳng định hiện tại ngân hàng chưa yêu cầu khách hàng phải cập nhật thông tin về địa danh mới và việc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quá trình giao dịch. Khách hàng có thể yên tâm tiếp tục thực hiện các giao dịch ngân hàng bình thường.
"Trên thực tế, thông tin về địa chỉ của khách hàng đã có sự thay đổi nhưng vẫn là địa điểm hiện tại. Ngân hàng chủ yếu phối hợp với dịch vụ bưu chính để xử lý việc vận chuyển giấy tờ thôi", vị đại diện cho biết thêm.
Vị đại diện này cũng nhấn mạnh, khi Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn, yêu cầu cập nhật, thay đổi thông tin về tỉnh, thành cho khách hàng, ngân hàng sẽ chính thức thông báo và cử cán bộ, nhân viên hướng dẫn, hỗ trợ để đảm bảo không ảnh hưởng đến cá nhân khách hàng cũng như các giao dịch của họ.
Tương tự, đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho biết, mặc dù việc sáp nhập tỉnh, thành có dẫn đến sự thay đổi thông tin cá nhân của khách hàng, nhưng hiện tại điều này không ảnh hưởng gì tới các giao dịch. Khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm. Ngân hàng sẽ có thông báo và hướng dẫn cụ thể tới từng khách hàng nếu Ngân hàng Nhà nước và cơ quan chức năng có chỉ đạo cụ thể.
Ngoài vấn đề cập nhật địa danh, từ ngày 1/7, các quy định mới của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, mang đến một số thay đổi quan trọng khác cho khách hàng ngân hàng:
Xác thực sinh trắc học cho người đại diện khách hàng tổ chức: Theo Thông tư số 17/2024/TT-NHNN, người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức cần cung cấp và đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và sinh trắc học để tiếp tục thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử trên tài khoản thanh toán của tổ chức. Nếu chưa hoàn tất cập nhật, các giao dịch chuyển tiền, rút tiền qua dịch vụ ngân hàng điện tử sẽ tạm dừng.
Để tạo thuận tiện, các ngân hàng sẽ chủ động cập nhật kết quả, khớp đúng dữ liệu khách hàng cá nhân đã thu thập sang dữ liệu người đại diện hợp pháp của khách hàng tổ chức. Việc xác thực sinh trắc học có thể thực hiện trực tiếp tại chi nhánh/phòng giao dịch hoặc qua ứng dụng ngân hàng (áp dụng cho công dân Việt Nam).
Dừng giao dịch sử dụng dải từ trên thẻ nội địa: Từ ngày 1/7, các ngân hàng chính thức dừng giao dịch sử dụng dải từ trên thẻ nội địa, bao gồm thẻ công nghệ từ và dải băng từ trên thẻ chip. Thay đổi này nhằm nâng cao mức độ an toàn khi giao dịch và tuân thủ quy định pháp luật. Các ngân hàng đã có thời gian chuẩn bị cho việc này thông qua việc miễn phí chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cho khách hàng. Ngân hàng khuyến cáo khách hàng chưa chuyển đổi thẻ kiểm tra lại thẻ của mình. Nếu thẻ chỉ có dải từ, khách hàng cần mang theo Căn cước/Căn cước công dân đến điểm giao dịch ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ chuyển đổi thẻ chip miễn phí, tránh gián đoạn giao dịch.
Vào sáng 12/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trong năm 2025. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ cùng ngày và xác lập bản đồ hành chính mới gồm 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.
Cụ thể, 19 tỉnh và 4 thành phố được hình thành trên cơ sở sáp nhập các đơn vị cũ, còn 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp, bao gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.
Danh sách 23 tỉnh, thành phố mới bao gồm: Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau và An Giang.