Ngân hàng VPBank (VPB) kỳ vọng mảng bán lẻ và SME tăng trưởng 30 - 40% trong năm nay

Ngân hàng VPBank (mã cổ phiếu VPB) sẽ tiếp tục tập trung phát triển mảng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với mục tiêu tăng trưởng hai mảng này đạt 30 - 40% trong năm nay.

Vào ngày 31/3 tới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

Đại hội dự kiến diễn ra vào ngày 28/4 tại Hà Nội. Hiện ngân hàng này vẫn chưa công bố các tài liệu phục vụ họp Đại hội cũng như Báo cáo thường niên năm 2024.

Tuy nhiên, tại hội nghị nhà đầu tư diễn ra hồi cuối tháng 2/2025, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng VPBank cho biết, với bối cảnh vĩ mô hiện tại, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay ở mức 20 - 25%, và nếu nền kinh tế phát triển tích cực hơn, kế hoạch kinh doanh sẽ được điều chỉnh tương ứng.

Ngân hàng VPBank xác định bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ tiếp tục là 2 phân khúc chủ chốt trong thời gian tới.

Ngân hàng VPBank xác định bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ tiếp tục là 2 phân khúc chủ chốt trong thời gian tới.

Năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng VPBank đạt 20.013 tỷ đồng, tăng tới 85% so với năm 2023. Riêng trong quý 4/2024, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng 143% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 của Ngân hàng VPBank đạt 19,4%, thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường.

Kết quả ấn tượng này đến từ việc các mảng kinh doanh chính của Ngân hàng VPBank đều tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt mảng tài chính tiêu dùng - FE Credit đã tái cấu trúc thành công, báo lãi liên tiếp trong ba quý gần nhất và đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2024.

Bên cạnh đó, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng cải thiện thêm 19 điểm cơ bản, đạt 4,93% trong quý 4//2024, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn ngày càng được nâng cao.

Cũng tại hội nghị nhà đầu tư, bà Lưu Thị Thảo cho biết Ngân hàng VPBank sẽ tiếp tục mở rộng hệ sinh thái hiện tại. Đầu năm nay, ngân hàng đã nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng GPBank.

Sau chuyển giao, GPBank tiếp tục hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên và do Ngân hàng VPBank sở hữu 100% vốn điều lệ. Đồng thời, ngân hàng này là pháp nhân độc lập, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính vào báo cáo tài chính hợp nhất của Ngân hàng VPBank.

Ngân hàng VPBank đánh giá việc tiếp nhận GPBank sẽ đem lại cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh, tiếp cận cơ sở khách hàng, mạng lưới, duy trì GPBank như một ngân hàng con hoặc bán/chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới sau khi kết thúc phương án chuyển giao bắt buộc.

Đồng thời, Ngân hàng VPBank sẽ góp vốn vào GPBank trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, để GPBank có thêm nguồn lực tài chính, phát triển kinh doanh, cải thiện kết quả hoạt động, tổng mức vốn góp không vượt quá 20% vốn điều lệ của VPBank. Việc góp vốn sẽ được ngân hàng cân nhắc kỹ lưỡng và xin ý kiến đại hội cổ đông, để vừa đảm bảo an toàn vốn hoạt động của ngân hàng vừa đảm bảo lợi ích của cổ đông. Bên cạnh đó, nhà băng sẽ chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc GPBank theo phương án chuyển giao bắt buộc.

Về chiến lược kinh doanh, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng VPBank cho biết, bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ tiếp tục là 2 phân khúc chủ chốt của ngân hàng trong thời gian tới và đặt mục tiêu tăng trưởng 30 - 40% cho 2 phân khúc này trong năm nay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tìm kiếm cơ hội cho vay bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội,…

Bên cạnh đó, Ngân hàng VPBank đặt mục tiêu tiếp tục đa dạng hóa và tăng trưởng huy động trên 30%. Ngân hàng kỳ vọng NIM sẽ được duy trì trong năm 2025.

Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/ngan-hang-vpbank--vpb--ky-vong-mang-ban-le-va-sme-tang-truong-30-40--trong-nam-nay-138860.htm