Ngân hàng xoay xở tăng huy động cho nhu cầu vốn sản xuất cuối năm
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn năm trước và Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chính sách hạ nhiệt lãi suất, để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cũng đang nỗ lực để huy động nguồn vốn đầu vào, đảm bảo thanh khoản.
Trong nửa đầu năm nay, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 8,3% so với cuối năm ngoái, là mức tăng trưởng cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Dư nợ tín dụng lên tới 16,9 triệu tỷ đồng. Dự báo tăng trưởng tín dụng vào cuối năm nay có thể vượt 16%.
Dư nợ tín dụng tăng cao hơn huy động
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết tính đến thời điểm 26/6/2025, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,09% so với cuối năm 2024 (cùng thời điểm năm trước tăng 2,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 6,11% (cùng thời điểm năm trước tăng 1,82%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,3% (cùng thời điểm năm trước tăng 4,85%).
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết huy động vốn của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 12/2024 đã tăng hơn 9% so với năm 2023, đạt 14,732 triệu tỷ đồng.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, người dân, doanh nghiệp đã tiếp tục gửi vào các ngân hàng khoảng 900.400 tỷ đồng.
Mặc dù lượng tiền gửi vào ngân hàng liên tục tăng trong nửa đầu năm nhưng tăng trưởng huy động vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đáng chú ý, theo lãnh đạo các ngân hàng, tiền gửi dân cư chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, hoặc trên dưới một năm, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn kỳ hạn dài. Điều này tạo ra áp lực thanh khoản cho các nhà băng.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn 2,19% so với tăng trưởng huy động.
Trong Báo cáo Triển vọng nửa cuối năm 2025 mới công bố, CTCP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) giữ quan điểm lạc quan về tăng trưởng tín dụng với dự báo toàn ngành có thể hoàn thành mục tiêu tăng 16% vào cuối năm. Động lực chính đến từ mặt bằng lãi suất thấp, nhiều gói ưu đãi được tung ra cho các lĩnh vực công nghệ, bất động sản, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME),...
Việc đẩy mạnh đầu tư công cùng pháp lý bất động sản được tháo gỡ, cũng được kỳ vọng tạo ra tăng trưởng tín dụng phân khúc vay mua nhà và vật liệu xây dựng. Đồng thời, kết quả đàm phán thuế quan tích cực giữa Việt Nam và Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại.
VCBS cho rằng chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và thanh khoản hệ thống dồi dào. Đồng thời, cầu tín dụng phục hồi, đặc biệt phân khúc SME và bán lẻ. Trong đó, một số nhà băng được VCBS dự báo có tín dụng tăng trưởng trong top cao như MB ước đạt 28% trong năm 2025 nhờ lực đẩy từ cả tín dụng bán buôn và bán lẻ. Còn Techcombank được kỳ vọng sẽ đạt tín dụng tăng trưởng tốt đến từ sự phục hồi thị trường bất động sản và xây dựng. MSB được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 21,2% cho năm 2025 nhờ nhu cầu tín dụng ở mức tốt. VietinBank được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tương đương trung bình ngành (16,9%) trong năm 2025. BIDV duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng 16%.
Hóa giải áp lực thanh khoản
Dự báo, trong nửa cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh do kinh tế đang có sự khởi sắc. Kết quả điều tra các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vừa được Cục Thống kê công bố cho thấy gần 81% doanh nghiệp nhận định xu hướng kinh doanh trong quý III sẽ tốt lên hoặc ổn định và sẽ tăng cao hơn quý trước.
Còn theo kết quả khảo sát của NHNN, các tổ chức tín dụng dự báo huy động vốn toàn hệ thống trong quý III sẽ tăng bình quân khoảng 4%. Thanh khoản hệ thống tiếp tục ổn định nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt.
Tại phiên họp Quốc hội ngày 19/6, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vốn trong nước, kể cả vốn trung và dài hạn vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, và tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã đạt mức 134% - cao so với nhiều nước.
“Nếu tiếp tục dựa quá nhiều vào tín dụng ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro hệ thống cho nền kinh tế, khó đạt được mục tiêu vừa tăng trưởng cao vừa đảm bảo bền vững”, tư lệnh ngành ngân hàng nhấn mạnh.
Để kiểm soát rủi ro, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp thực tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Theo Thống đốc, để tăng trưởng cao, phát triển bền vững, các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính cần lưu ý cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm; dự phòng vốn cho các dự án để không bị động và không tạo áp lực thu xếp vốn...
Để “hóa giải” áp lực thanh khoản cho thời gian tới, thay vì tăng lãi suất, nhiều ngân hàng chọn giải pháp tăng tiện ích cho người dùng, thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn, để sẵn trong tài khoản thanh toán. Tỷ lệ này của nhiều ngân hàng lên tới trên 35% tổng huy động vốn.
Ông Nguyễn Thế Dân, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cho biết: "Đẩy mạnh số hóa các loại hình thanh toán, với các lợi ích mang lại như vậy nguồn tiền gửi không kỳ hạn cải thiện đáng kể, từ đó bình quân giá vốn huy động của khách hàng và chúng tôi cân đối lại, đưa ra mức lãi suất cho vay cạnh tranh để hỗ trợ người dân cũng như doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn hợp lý".
Bên cạnh đó, để huy động nguồn vốn trung, dài hạn, các ngân hàng đã tăng lượng phát hành trái phiếu. Trong 6 tháng đầu năm, có hơn 187.000 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Lại Tất Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) chia sẻ: "Với việc huy động được nguồn vốn trung, dài hạn giúp cho ngân hàng cân đối và tăng cường được nguồn vốn ổn định, đa dạng hóa được các kênh huy động ngoài các kênh huy động truyền thống như huy động dân cư, huy động doanh nghiệp hay huy động ngắn hạn trên thị trường tài chính ngân hàng, ngân hàng sẽ có điều kiện, nguồn lực tốt nhất để triển khai các kế hoạch dài hạn thông qua các hoạt động tài trợ tín dụng, đầu tư hay phát triển sản phẩm mới".