Ngân hàng Xử lý nợ xấu: Hàng loạt tài sản thế chấp rao bán nhưng vẫn 'ế'

Gần đây, hàng loạt tài sản thế chấp của các doanh nghiệp, khách hàng đã được các ngân hàng liên tiếp rao bán, phát mại để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, không dễ để các ngân hàng thanh lý được các tài sản thế chấp, thậm chí giảm giá nhiều lần mà vẫn ế.

Nhiều ngân hàng thông báo bán thanh lý ô tô nhằm thu hồi vốn.

Nhiều ngân hàng thông báo bán thanh lý ô tô nhằm thu hồi vốn.

Ngân hàng ồ ạt rao bán tài sản thế chấp

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng (NH) liên tiếp phát mại tài sản đảm bảo mà các doanh nghiệp (DN), khách hàng thế chấp để thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Theo đó, tài sản rao bán cũng khá đa dạng, bao gồm bất động sản (BĐS), máy móc, thiết bị nhà xưởng, ô tô… Đơn cử, mới đây, NH TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center, với giá khởi điểm 190 tỷ đồng. Hay NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất tại số 543 quốc lộ 62, khu phố 5, phường 2, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An có diện tích sử dụng hơn 143.178 m2, cùng với máy móc thiết bị của Công ty Ngọc Mekong với tổng giá khởi điểm hơn 78 tỷ đồng... Chung tình cảnh tương tự, nhiều NH khác như NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank)…. cũng đang ồ ạt rao bán tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu.

Bình luận về thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc các NH rao bán các khoản nợ xấu hay phát mại tài sản thế chấp của khách hàng là một nghiệp vụ bình thường trong quy trình xử lý nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, sức ép thu hồi nợ để xử lý nợ xấu càng lớn hơn khi năm tài chính 2020 sắp kết thúc, cũng là thời điểm để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tổng kết quá trình thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh từ đầu năm đến nay dưới tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, dẫn đến suy giảm năng lực trả nợ vay NH. Trước thực tế đó, các NH sẽ có động thái đẩy mạnh hoạt động phát mại tài sản thế chấp, rao bán các khoản nợ để giảm nợ xấu. “Hiện tại nền kinh tế vẫn còn rất nhiều bất định, trong khi dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới kết thúc, nên các NH lo ngại DN sẽ vẫn tiếp tục gặp khó khăn hơn nữa nếu dịch bệnh còn kéo dài, vì vậy lúc này nhiều nhà băng ồ ạt rao bán các tài sản thế chấp để sớm thu hồi nợ, trước những dự báo không mấy lạc quan về khả năng phục hồi của nền kinh tế trong ngắn hạn” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ thêm, phần lớn DN Việt đều đã “ngấm đòn” từ dịch Covid-19. Đơn cử, theo kết quả khảo sát lần 3 của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới công bố, có đến gần 80% DN không cân đối được thu chi, cho thấy khó khăn về tài chính đang là gánh nặng rất lớn đối với các DN. “DN đang gặp khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền để duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ NH, trong khi khoản lãi vay NH cứ hàng ngày “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến nhiều DN không thể xoay xở nổi thì buộc phải để NH phát mại các tài sản thế chấp” – ông Nam nói.

Không dễ bán được các khoản nợ

Bình luận sâu hơn về vấn đề trên, ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, thanh lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là nghiệp vụ bắt buộc đối với các TCTD, qua đó nhằm góp phần giúp NH giảm nợ xấu, giảm bớt trích lập dự phòng rủi ro, giải phóng dòng tiền… Tuy nhiên, việc có rất nhiều tài sản đảm bảo phải đấu giá tới chục lần, thậm chí là vài chục lần cho thấy quá trình thực hiện thanh lý tài sản bảo đảm của các NH không hề đơn giản. Theo phân tích của ông Lực, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đầu tiên là do tình hình kinh tế khó khăn chung nên các thị trường tài sản đang chững lại, nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư suy giảm, không nhiều khách hàng có nhu cầu mua, khiến việc thanh lý tài sản bảo đảm rất chật vật.

Bên cạnh đó theo quy định hiện hành, khi đấu giá tài sản đảm bảo, bên bán không được giảm giá nhiều trong một lần đấu giá. “Khi đưa tài sản ra đấu giá, rao bán, nhiều NH định giá tài sản đôi khi chưa sát với giá thị trường, thậm chí là “thổi giá” lên cao, do đó sau vài lần chào bán ban đầu không thành công, các NH buộc phải giảm giá để tăng tính hấp dẫn đối với tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, quy định hiện tại chỉ cho phép giảm không quá 10% sau mỗi lần đấu giá, nên nhiều tài sản, nhất là những tài sản có giá trị rất lớn như BĐS buộc phải đấu giá nhiều lần để tìm khách mua” - ông Lực chia sẻ.

Chưa kể, nhiều trường hợp bên đi vay thiếu thiện chí hợp tác trong việc xử lý tài sản thế chấp, có trường hợp đấu giá xong rồi, bên đi vay không chịu phối hợp để hoàn thiện hồ sơ thủ tục, dẫn tới chuyển giao tài sản khó khăn…

Đồng quan điểm trên, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm, đối với những tài sản đảm bảo là BĐS, việc bán thành công tài sản này phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến, triển vọng của thị trường. Trong khi đó, hiện thanh khoản của toàn thị trường BĐS đang xuống thấp, nên các nhà đầu tư sẽ lo ngại khi mua vào tài sản BĐS phát mại thì rất khó bán, chuyển nhượng khi có nhu cầu thu hồi vốn. Chưa kể các tài sản BĐS thường có giá trị rất lớn, không nhiều nhà đầu tư có đủ tiềm lực “ôm” vào, hơn nữa, nhiều tài sản còn vướng thủ tục pháp lý, sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thị trường… do đó, dù được rao bán nhiều lần và giảm giá nhưng vẫn ế ẩm.

Trước thực trạng trên, đưa ra khuyến nghị với các NH, ông Hiếu cho rằng, nỗ lực xử lý các khoản nợ xấu, cùng với tăng cường kiểm soát nợ xấu mới phát sinh là một trong những yêu cầu quan trọng nhất đối với các nhà băng trong bối cảnh hiện nay. Bởi, điều này không chỉ “ăn mòn” vào lợi nhuận của NH, mà còn đe dọa đến sự an toàn của các NH và toàn hệ thống. Do đó, các NH cần tích cực đẩy mạnh hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu, thậm chí cần chấp nhận lời lãi ít để việc xử lý tài sản đảm bảo được thành công.

Việc có rất nhiều tài sản đảm bảo phải đấu giá tới chục lần, thậm chí là vài chục lần cho thấy quá trình thực hiện thanh lý tài sản bảo đảm của các ngân hàng không hề đơn giản.

Diệu Thiện

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-09-23/ngan-hang-xu-ly-no-xau-hang-loat-tai-san-the-chap-rao-ban-nhung-van-e-92597.aspx