Ngăn ngừa bệnh dại do chó thả rông
Tại Hà Nội, 2 năm qua, mỗi năm có khoảng 10 - 20 nghìn người bị chó cắn, trong đó gần 15% là chó nghi dại. Vì được tiêm phòng dại kịp thời nên tất cả các trường hợp bị chó dại cắn đều không bị phát bệnh.
Năm 2023, huyện Mê Linh ghi nhận 2 ổ dịch chó dại ở xã Mễ Linh và xã Tráng Việt. Tháng 1 năm 2024, huyện Sóc Sơn ghi nhận 2 ổ dịch chó dại xã Minh Trí và xã Hồng Kỳ. May mắn là người bị cắn được tiêm phòng dại và điều trị kịp thời nên tính mạng không bị đe dọa.
Ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt, cho biết: "Trước tình hình bệnh dại đó, địa phương đã yêu cầu nhân dân tiêm phòng chó mèo 100% và ký cam kết không thả chó rông ngoài đường".
Tại TP. Hồ Chí Minh, thời gian gần đây, trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật Quận 11 mỗi ngày tiếp nhận từ 20-30 vật nuôi được chủ mang tới tiêm phòng.
TP. Hồ Chí Minh hiện có trên 184 ngàn con chó, mèo, chưa tính các vật nuôi khác. Gần đây, mỗi tháng có từ 9.500-10.000 ca đến chích ngừa do bị động vật cắn. Trong đó 74% do chó tấn công và hơn 20% là do mèo. Nhiều ca bệnh dại được phát hiện ở khu vực phía Nam tạo nên mối nguy cơ cao cho người dân thành phố. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong do bệnh dại là 100%.
Mới đây, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã ra công văn khẩn tăng cường tuyên truyền người dân tự giác trong việc kiểm soát và chích ngừa cho vật nuôi, các cơ sở y tế luôn sẵn sàng vaccine và huyết thanh đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong số những ca tử vong vì bệnh dại, có nhiều ca bị chính chó nhà nuôi cắn. Đây là hệ quả của việc không nuôi nhốt, tiêm phòng và không tiêm vaccine sau khi bị động vật căn.
Các chuyên gia y tế nhận định, một số ổ dịch bệnh dại thời gian gần đây không diễn ra theo quy luật dịch tễ, bệnh không chỉ bùng phát vào mùa nắng nóng mà cả những tháng cuối năm khi thời tiết lạnh. Do vậy, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, bệnh dại có thể sẽ còn diễn biến tệ hơn trong thời gian tới.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ngan-ngua-benh-dai-do-cho-tha-rong-228062.htm