Ngăn ngừa cán bộ, đảng viên sa vào tệ nạn xã hội
1. Tệ nạn xã hội là hiện tượng có tính tiêu cực, biểu hiện thông qua các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật hiện hành, phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh, tiến bộ trong xã hội, có thể gây những hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, gia đình và xã hội… Song, đáng tiếc là thời gian gần đây lại có không ít những cán bộ, đảng viên ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương sa vào tệ nạn xã hội, như: Đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá, ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, quan hệ ngoài hôn nhân... Trong số đó có cả cán bộ, đảng viên của Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Điển hình như vào tháng 5-2020, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) Vũ Hồng Toàn bị tố cáo hành vi đánh bạc. Sau khi xác minh, Công an huyện Quốc Oai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và ông Toàn đã không được tham gia tái cử Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đồng Quang nhiệm kỳ 2020-2025. Tháng 12-2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã đưa các bị cáo Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Sơn Thành, đều là nguyên cán bộ Công an phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cùng các đồng phạm ra xét xử vì phạm tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc và cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Mới nhất là ngày 9-4 vừa qua, Công an quận Hà Đông đã tạm giữ ông Phạm Minh Công (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ) về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Trước đó không lâu, ông Phạm Minh Công đã bị bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Phong do tự ý bỏ nhiệm sở…
Đối với một công dân bình thường, việc vướng vào tệ nạn xã hội đã bị pháp luật xử lý và dư luận lên án mạnh mẽ thì việc cán bộ, đảng viên vi phạm càng là điều không thể chấp nhận được. Bởi vì, cán bộ, đảng viên là những người có năng lực hành vi, ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn mặt bằng chung trong xã hội. Đặc biệt, với vai trò là “gốc của mọi công việc”, cán bộ, đảng viên cần phải gương mẫu trong thực thi pháp luật thì đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mới được triển khai đầy đủ, đúng mục đích, mang ý nghĩa, hiệu ứng xã hội tích cực.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” chỉ rõ, một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống là: “Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”.
2. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, khi nói về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài”.
Để khắc phục suy thoái về đạo đức, lối sống, ngăn ngừa cán bộ, đảng viên sa vào tệ nạn xã hội, trước hết, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả 4 nhiệm vụ, giải pháp (về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội), như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ.
Trong đó, cần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Thực tế cho thấy, do công tác quản lý chính trị nội bộ có lúc, có nơi còn lơ là nên chưa kịp thời phát hiện, ngăn ngừa suy thoái đạo đức, lối sống, sa vào các tệ nạn xã hội của cán bộ, đảng viên. Nếu làm tốt công tác này sẽ nắm được những mối quan hệ và việc làm mờ ám, vi phạm pháp luật của cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, qua đó có căn cứ giáo dục, xử lý từ khi chưa phát sinh những sai phạm lớn. Đây cũng là giải pháp quan trọng để giữ được uy tín của Đảng, chính quyền các cấp, củng cố, xây dựng niềm tin với nhân dân hiệu quả hơn. Với những cá nhân vi phạm thì xử lý nghiêm theo hướng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng cần thực hiện và làm tốt nguyên tắc tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng theo hướng nghiêm túc, không “dĩ hòa vi quý”, để nhận xét, đánh giá, phân tích, vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm trên cơ sở có lý, có tình, mềm dẻo, khéo léo về cách thức để người có khuyết điểm nhận thấy sai lầm của mình, có thái độ đúng đắn trong tiếp thu phê bình, sửa chữa khuyết điểm. Làm tốt những điều này sẽ góp phần cảnh tỉnh đồng chí, đồng đội không sa vào tệ nạn xã hội.
Ngoài sự chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh, đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng viên, tạo sức đề kháng, tăng khả năng “miễn dịch” trước những cám dỗ của các tệ nạn xã hội, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đạo đức, thanh liêm, trong sạch và trí tuệ, có tinh thần trách nhiệm cao cùng ý thức nêu gương chính là góp phần củng cố vững chắc nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội, giúp cho “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như lời Bác Hồ căn dặn, ngày càng được nhân dân tin yêu, ủng hộ.