Ngăn ngừa hành vi côn đồ
Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống, song những người liên quan, đa phần là người trẻ lại không tìm cách tháo gỡ vấn đề một cách thiện chí mà dùng bạo lực, hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn, gây ra bao hệ lụy.
Hở chút là động tay động chân
Ngày 6-2, Công an quận Bình Tân (TPHCM) lấy lời khai của Nguyễn Thanh Huy (25 tuổi, quê An Giang) để làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người.
Tối 3-2, Huy điều khiển xe máy trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa A và xảy ra va chạm với xe do anh L.V.N. (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân) điều khiển, chở theo T.N.G.B. (13 tuổi, ngụ TP Hải Phòng). Sau đó, hai bên xảy ra cự cãi.
Khi lưu thông đến hẻm 929 Tân Kỳ Tân Quý, Huy dùng chân đạp ngã xe anh N., khiến cả người và phương tiện va vào cột điện. Vụ tai nạn khiến anh N. tử vong tại chỗ, B. bị thương nặng, được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi. Huy rời khỏi hiện trường, trốn về quê và bị bắt giữ sau đó.
Cơ quan CSĐT Công an quận 1 (TPHCM) vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú với Liêu Phát Hùng (33 tuổi, ngụ phường Cầu Ông Lãnh) về hành vi chống người thi hành công vụ.
Tối mùng 1 Tết Nhâm Dần, ông Trần Văn Phồn, Công an phường Cầu Ông Lãnh, đi tuần tra địa bàn đến trước nhà 170 Đề Thám thì phát hiện một nhóm người chơi đánh bài ăn tiền nên nhắc nhở và yêu cầu giải tán.
Trong nhóm có bà Trần Ngọc Ngân (58 tuổi) không chấp hành, sử dụng điện thoại ghi hình lại công an đang làm nhiệm vụ. Thấy vậy, Liêu Phát Hùng (con trai bà Ngân) dùng lời lẽ chửi bới, kích động và có hành vi hành hung cán bộ công an phường. Tại cơ quan công an, Liêu Phát Hùng khai nhận hành vi của mình.
Một vụ việc có tính chất côn đồ cũng xảy ra tại quán nhậu 2 Đô ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) đêm 31-12-2021.
Nhóm thanh niên gồm: Huỳnh Ngọc Ánh Tuyết (27 tuổi, ngụ Bình Dương), Nguyễn Xuân Mai (19 tuổi, quê Cà Mau), Nguyễn Khánh Linh (23 tuổi), Tống Hoàng Hải (25 tuổi, cùng ngụ TP Thủ Đức) và 3 người khác đã hành hung chị N.V.A. (23 tuổi). Theo đó, chị N.V.A. cùng H.T.L. (26 tuổi) và 2 người bạn đến quán 2 Đô ăn uống. Lúc này, bàn bên cạnh có khoảng 20 nam, nữ đang tổ chức sinh nhật.
Lúc sau, nhóm thanh niên bàn bên cạnh sang mời nhóm chị A. uống bia, trêu ghẹo và xin số điện thoại nhưng bị các cô gái từ chối. Không xin được số điện thoại, nhóm thanh niên chửi bới và hắt bia qua bàn 4 cô gái. Trong đó, Tuyết, Mai, Linh dùng ly bia ném và lao vào đánh nhóm chị A., Hải là người có vai trò giúp sức. Vụ việc khiến chị A., chị L. và một số người khác bị thương phải cấp cứu.
Thực tế, người dân vẫn lo lắng, bức xúc và cả sợ hãi khi đang phải chung sống với nhiều loại đối tượng như thế. Có trường hợp cả hội, nhóm mang hung khí, tiềm ẩn nguy cơ gây ra xô xát, ẩu đả. Nhẹ hơn, không ít trường hợp bất hảo, sẵn sàng nặng lời, hành động gây gổ, thách thức với những người chung quanh.
Cần nhiều biện pháp ngăn ngừa
Theo luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TPHCM) theo Điều 134 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác” không đưa thêm yếu tố người vi phạm đã bị xử phạt hành chính vẫn tiếp tục thực hiện hành vi thì sẽ bị xử lý hình sự. Điều này dẫn đến việc người vi phạm có tính chất thường xuyên, nhiều lần nhưng chưa dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì khó xử lý hình sự. Do đó, cần sửa đổi Điều 134 Bộ luật Hình sự theo hướng phù hợp thực tế, để việc đấu tranh và xử lý các hành vi côn đồ hiệu quả hơn, hạn chế tội phạm trong đời sống xã hội.
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, cho biết, có nhiều vụ án giữa nạn nhân và tội phạm không hề quen biết, không có mâu thuẫn để phải động tay động chân. Nhiều bạn trẻ vì hiếu thắng, muốn chứng tỏ mình trước bạn bè mà gây thương tích cho người khác. Cơ chế xử phạt của ta vẫn chưa đủ tính răn đe, đặc biệt là việc xác định thiệt hại của nạn nhân để yêu cầu bồi thường. Hiện nay, xác định thiệt hại chỉ dừng lại ở việc xác định thiệt hại đã mất, không mở rộng cho việc xác định thiệt hại sẽ mất trong tương lai, mức bồi thường tối đa về tổn thất tinh thần vẫn bị giới hạn không quá 50 lần mức lương cơ sở. Đa phần việc bồi thường tổn thất cho nạn nhân trong các vụ việc này vẫn bất cập.
Luật sư Lê Trung Phát cho rằng, cần thay đổi quy định, điều chỉnh khung hình phạt bị truy tố để tăng tính răn đe. Đối với nhóm tội danh cố ý gây thương tích, cơ quan chức năng cần ban hành quy định về thời hạn tiếp nhận xử lý, đưa nạn nhân đi giám định tỷ lệ tổn thương, khởi tố vụ án nhanh nhất. Khi tiến hành xét xử, tòa án cần áp dụng hình phạt một cách thích đáng, mang tính răn đe với các đối tượng này.
Theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong giới trẻ, vận động người dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm, phản ánh, tố cáo các hành vi côn đồ và sự quyết liệt, minh bạch của cơ quan chức năng khi xử lý vụ việc. Cần tuyên truyền vận động người dân, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng ở khu phố, thôn, ấp... làm nền tảng trong việc bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ngan-ngua-hanh-vi-con-do-793134.html