Ngăn ngừa hiểm họa hạt nhân đe dọa sự tồn vong của nhân loại

Trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên thế giới vẫn đang nóng lên, nhân loại tiếp tục phải đối mặt hiểm họa hạt nhân có thể đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chính mình.

Nhân loại chỉ còn cách sự hủy diệt hạt nhân một sự hiểu nhầm

Cuối tuần trước, hội nghị lần thứ 10 thẩm định việc thực thi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) đã kết thúc mà không thông qua được tuyên bố chung. Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo: “Giờ đây, nhân loại chỉ còn cách sự hủy diệt hạt nhân một sự hiểu nhầm, một tính toán sai lầm. Đến nay, chúng ta đã vô cùng may mắn. Nhưng may mắn không phải là chiến lược hay lá chắn ngăn những căng thẳng địa chính trị leo thang thành xung đột hạt nhân”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân

Kho vũ khí hạt nhân là bí mật quốc gia. Vì vậy, bất kỳ số liệu nào cũng chỉ là ước tính. Hiện nay, Nga được báo cáo là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới với tổng cộng 5.977 đầu đạn, nhiều hơn Mỹ 550 đầu đạn. Hai nước này chiếm hơn 90% đầu đạn của thế giới. Sự sụt giảm tổng số vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ là do hai nước này tháo dỡ các đầu đạn đã ngưng hoạt động, trong khi số vũ khí có thể triển khai vẫn trong tình trạng sẵn sàng. Theo đó, hơn 1.600 đầu đạn của Nga có khả năng hoạt động ngay lập tức, trong khi của Mỹ ở mức 1.750.

Trung Quốc đứng thứ ba với 350 đầu đạn hạt nhân và đang mở rộng đáng kể kho vũ khí khi hình ảnh vệ tinh cho thấy nước này đang xây hơn 300 hầm chứa tên lửa mới. Theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh có thể sở hữu 700 đầu đạn vào năm 2027. Pháp hiện có 290 đầu đạn, Anh có 225 và dự kiến nâng mức trần lên nữa, Pakistan sở hữu 165 đầu đạn và Ấn Độ là 160. Kho dự trữ của Israel ước tính khoảng 90 đầu đạn nhưng nước này không thừa nhận mình có vũ khí hủy diệt.

Nếu tính tổng số, hiện số đầu đạn hạt nhân toàn cầu đã giảm từ 13.080 xuống còn 12.705 trong giai đoạn tháng 1-2021 đến tháng 1-2022. Tuy nhiên, có một thực tế là tất cả những nước có vũ khí hạt nhân đều đang mở rộng hoặc nâng cấp kho vũ khí, đồng thời bóng gió về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt trong chiến lược quân sự. Đây là xu hướng đáng lo ngại và nếu các cường quốc không có hành động trong vấn đề giải trừ quân bị, kho dự trữ đầu đạn toàn cầu được dự đoán sẽ sớm tăng trở lại lần đầu tiên sau 35 năm.

Điều đáng nói nữa là 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc đều khẳng định “không thể thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và cuộc chiến này không được xảy ra”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển), cả 5 nước dù chính thức hoặc không chính thức đều đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ.

Trong khi đó, các công cụ pháp lý để giám sát tiềm lực hạt nhân của hai cường quốc quan trọng nhất là Mỹ và Nga lại đang ngày càng ít đi. Sau khi Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và Hiệp ước bầu trời mở với vai trò giám sát các hoạt động quân sự và kho vũ khí của các nước, hiện chỉ còn Hiệp ước kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) là công cụ cuối cùng kiểm soát kho vũ khí hủy diệt của Nga và Mỹ. Tuy nhiên, hiệp ước này cũng chỉ có giá trị đến năm 2026 và khả năng gia hạn gặp rất nhiều khó khăn do bất đồng giữa Mỹ và Nga.

Việt Nam tích cực ủng hộ các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân

Với việc hội nghị lần thứ 10 thẩm định việc thực thi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) kết thúc mà không thông qua được tuyên bố chung, nguy cơ hạt nhân với thế giới càng tăng thêm. Tại hội nghị lần trước vào năm 2015, các nước thành viên cũng đã không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng, trong khi hội nghị năm 2020 bị hoãn lại tới năm nay do đại dịch Covid-19 .

NPT là hiệp ước quốc tế nền tảng về không phổ biến, giải trừ vũ khí hạt nhân, được mở ký tháng 7-1968, có hiệu lực từ tháng 3-1970 và hiện có 191 nước thành viên. Về nguyên tắc, hội nghị kiểm điểm NPT được tiến hành 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 1970. Hội nghị có các ủy ban, gồm ủy ban không phổ biến vũ khí hạt nhân, ủy ban xử lý giải trừ hạt nhân, ủy ban giải quyết việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Tại 3 ủy ban này, nhiều vấn đề lớn được thảo luận, trong đó có việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh vẫn còn số lượng lớn đầu đạn hạt nhân trên thế giới, giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân trong học thuyết chiến lược của các nước trên thế giới, bảo đảm an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân.

Nhiều chủ đề liên quan chống phổ biến vũ khí hạt nhân cũng được các nước thảo luận, trong đó có việc thúc đẩy các khu vực phi vũ khí hạt nhân, như đã có tại châu Phi, Nam Thái Bình Dương, Trung Á, cũng như khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).

Thúc đẩy khả năng tiếp cận công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, vì các mục tiêu phát triển cũng là chủ đề quan tâm của đông đảo các nước, nhất là các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nước cho rằng việc tiếp cận công nghệ hạt nhân cũng cần bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định về an ninh, an toàn, bảo đảm hạt nhân, nhất là của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Việt Nam tham gia NPT tháng 6-1982 và luôn ủng hộ tất cả các nỗ lực giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của mình, được các nước đánh giá cao. Hiện Việt Nam tham gia tất cả các điều ước quốc tế về vấn đề này, bao gồm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đẩy mạnh cam kết giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân theo Điều 6 của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, khôi phục lòng tin đối với các thể chế đa phương về giải trừ quân bị, phát huy vai trò của các cấu trúc khu vực trong thiết lập và duy trì các khu vực không có vũ khí hạt nhân.

Trong khu vực Đông Nam Á, cùng với các thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục tham gia cùng tất cả các bên nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong quá trình triển khai Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân. Việt Nam cũng kiên trì bảo vệ quyền của các quốc gia được sử dụng năng lượng hạt nhân vì các mục đích hòa bình.

Tại hội nghị lần thứ 10 thẩm định việc thực thi Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), với tư cách Phó Chủ tịch hội nghị, Việt Nam đã cùng các nước tích cực thúc đẩy, điều hành công việc chung của hội nghị. Đoàn Việt Nam đã phát biểu, nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân triệt để chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đề cao quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hết sức nỗ lực để giải quyết những thách thức chung về hạt nhân.

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-ngua-hiem-hoa-hat-nhan-de-doa-su-ton-vong-cua-nhan-loai-post515338.antd