Ngăn những vụ thảm sát như Hà My, Phong Nhất-Phong Nhị...
Từ năm 1964 đến 1973, hơn 320.000 binh sĩ Hàn Quốc tham chiến tại Việt Nam, trở thành lực lượng quân sự nước ngoài lớn thứ hai sau Mỹ. Họ có tính kỷ luật và đạt hiệu quả trên chiến trường, nhưng để lại một di sản đầy tranh cãi - những cáo buộc về sự tàn bạo với nhiều vụ thảm sát dân thường.
Hành động lạnh lùng
Được triển khai dưới danh nghĩa các lữ đoàn, sư đoàn mang tên động vật như Bạch Mã (ngựa trắng), Thanh Long (rồng xanh) và Mãnh Hổ (hổ dữ), quân nhân Hàn Quốc nhanh chóng có tiếng tại miền Trung Việt Nam. Báo Mỹ The New York Times năm 1970 đưa tin, các chỉ huy Mỹ “thường xuyên ca ngợi lực lượng Hàn Quốc vì khả năng đánh chiếm và giữ vững lãnh thổ mà hầu như không cần hỗ trợ từ phía Mỹ”.
“Chúng tôi nể họ vì họ không khoan nhượng”, đại tá Mỹ Charles Knight (đã nghỉ hưu) nói trong loạt phim tài liệu “Vietnam: A Television History” của PBS. “Họ hành động một cách lạnh lùng và thi hành mệnh lệnh không chút do dự”, ông Knight kể.

Lính Hàn Quốc thuộc Sư đoàn Bạch Mã ở miền Nam Việt Nam. Ảnh: US Navy
Lực lượng Hàn Quốc tập trung thực hiện chiến tranh chống du kích, thường xuyên tổ chức chiến dịch càn quét quy mô lớn tại các khu vực nghi ngờ có Việt Cộng hoạt động. Họ thiết lập vành đai an ninh nghiêm ngặt, xây dựng ấp chiến lược và chủ động đột kích dựa trên tin tình báo. Một báo cáo tác chiến của Lầu Năm Góc năm 1967 mô tả quân Hàn Quốc là “đơn vị đồng minh tự lực nhất đang hoạt động tại Việt Nam”.
“Họ có khả năng đáng kinh ngạc trong việc phát hiện dấu hiệu của Việt Cộng. Nhưng họ cứng nhắc, thậm chí tàn bạo, trong cách họ đối xử với dân thường bị nghi ngờ”, sử gia James Gibson, tác giả cuốn “Warriors in the Mist: South Korea’s Role in Vietnam”, nhận định.
Thảm sát dân thường
Nhiều báo cáo, một số được giải mật trong những thập niên gần đây, mô tả các hành vi bị nghi là tội ác chiến tranh của binh sĩ Hàn Quốc tại Việt Nam. Nhân chứng cho biết có những vụ thảm sát cả làng để trả đũa cho cái chết của một lính Hàn Quốc. Có một câu nói từng lan truyền rộng rãi: “Một lính Hàn chết, cả làng chết theo”.
Dù hiệu quả chiến thuật của quân nhân Hàn Quốc hiếm khi gây tranh cãi trong giới quân sự, nhưng phương pháp họ sử dụng lại làm dấy lên nhiều mối quan ngại về đạo đức.
Một trong những vụ việc nghiêm trọng nhất là thảm sát Phong Nhất-Phong Nhị (tỉnh Quảng Nam) hồi tháng 2/1968. Nhân chứng, trong đó có cả cố vấn quân sự Mỹ, khai rằng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đã giết 74 dân thường, phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Theo tài liệu của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ, một cuộc điều tra của quân đội Mỹ năm 1969 thừa nhận “có bằng chứng đáng tin cậy về việc giết người bừa bãi”, nhưng không ai bị truy tố.
Một người sống sót sau vụ thảm sát Hà My (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) ngày 25/2/1968 kể lại trong một phỏng vấn với báo Hàn Quốc Hankyoreh năm 2020: “Họ đến vào sáng sớm và gom hết dân lại. Họ nói là kiểm tra bình thường. Rồi họ nổ súng. Mẹ tôi đang bế em trai tôi. Cả hai bị bắn chết ngay trước mắt tôi”. Tổng cộng 135 dân làng Hà My bị sát hại.
Đòi công lý cho nạn nhân
Tại Hàn Quốc, di sản chiến tranh Việt Nam là một đề tài nhạy cảm, theo Yonhap. Không ít cựu binh xem cho rằng cuộc chiến đã giúp Hàn Quốc nhận được viện trợ kinh tế và quân sự Mỹ, từ đó thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa trong hai thập niên 60-70.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức xã hội dân sự, như Minbyun (Luật sư vì một xã hội dân chủ) vẫn tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân. “Hàn Quốc đã thu được rất nhiều lợi ích từ Chiến tranh Việt Nam. Chúng ta có nghĩa vụ đạo đức phải đối diện, chứ không phải chôn vùi quá khứ”, luật sư Kim Hye-jin nói.
Ngày 5/9/2023, báo Hàn Quốc Hankyoreh đăng bài “Bản án lịch sử về trách nhiệm của Hàn Quốc trong các vụ thảm sát thời chiến tranh Việt Nam đã có bản dịch tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Nhật”. Quỹ Hòa bình Hàn-Việt thông báo, họ đã hoàn tất bản dịch sang tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật nội dung phán quyết mà tòa án cấp quận ở Hàn Quốc đưa ra ngày 7/2/2023, trong đó công nhận trách nhiệm của nhà nước Hàn Quốc trong vụ thảm sát dân thường thời Chiến tranh Việt Nam.
“Người đầu tiên nhận được bản dịch là bà Nguyễn Thị Thanh, nguyên đơn trong vụ kiện, đến từ Phong Nhị”, Quỹ Hòa bình Hàn-Việt cho biết.
Ngày 12/2/1968, khi bà Thanh mới 8 tuổi, bốn người thân trong gia đình bà, bao gồm mẹ và chị gái, đã bị lính Hàn Quốc thuộc Lữ đoàn Rồng Xanh (Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 2) bắn chết trong một cuộc càn quét tại làng Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam. Bà Thanh bị bắn vào mạng sườn, để lại vết thương hành hạ bà suốt cả cuộc đời.
Tháng 4/2020, với sự hỗ trợ của Minbyun, bà Thanh đệ đơn kiện lên Tòa án quận trung tâm Seoul yêu cầu nhà nước Hàn Quốc bồi thường thiệt hại. Ba năm sau, vào ngày 7/2/2023, bà nhận được phán quyết từ thẩm phán Park Jin-su, người chủ tọa phiên tòa dân sự số 68 của tòa án.
Tòa công nhận phần lớn nội dung đơn kiện của nguyên đơn và ra lệnh cho Chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho bà Thanh 30.000.100 won (khoảng 545 triệu đồng), cùng với khoản lãi chậm trả.
Giới hoạt động xã hội Hàn Quốc xem phán quyết của tòa là một minh chứng cho sự tiến bộ nhân quyền của Hàn Quốc, bao gồm việc đối mặt những sai lầm trong quá khứ.
Các tổ chức phi lợi nhuận quyết định dịch bản án nhằm thúc đẩy thảo luận quốc tế về tội ác chiến tranh và bạo lực do nhà nước gây ra, đặc biệt trong bối cảnh tư pháp Hàn Quốc lần đầu tiên chính thức thừa nhận sự thật về các vụ thảm sát dân thường trong Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ Hàn Quốc nộp lên tòa án một tài liệu dài 126 trang trình bày lý do kháng cáo.
Không được phép tái diễn thảm sát
Ngày 25/5/2023, Hankyoreh đăng bài viết “Hàn Quốc phải đối diện những tội ác ở Hà My”.

Bà Shin Yeong-ok, người dẫn đầu “chuyến đi vì hòa bình” đến các khu vực ở Việt Nam nơi quân nhân Hàn Quốc từng tham chiến trong Chiến tranh Việt Nam, trao cho bà Nguyễn Thị Thanh (phải) bản sao tiếng Việt của phán quyết tòa án Hàn Quốc. Ảnh: Quỹ Hòa bình Hàn-Việt cung cấp
“Vào một ngày tháng 2/1968, cô bé Nguyễn Thị Bốn, 6 tuổi, đang ăn sáng cùng mẹ, anh trai và hai chị gái em tại làng Hà My, tỉnh Quảng Nam, thì những người lính mặc quân phục ngụy trang xuất hiện và bắt đầu lùa dân làng tập trung lại. Rồi đột ngột, họ nổ súng.
Trong khoảnh khắc ấy, mẹ của Bốn ôm chặt cô trong khi người chị lớn bế lấy đứa em út. Mẹ và chị gái của cô đều trúng đạn và tử vong. Đứa bé 3 tuổi òa khóc vì hoảng loạn, nhưng một quả lựu đạn đã bay qua giữa tiếng khóc. Bốn tỉnh lại trong bệnh viện với vết thương toác đầu. Cha mẹ, anh trai và chị em của cô đều đã chết.
Cô bé Đặng Thị Ka, mới 3 tuổi vào ngày hôm đó, không còn nhớ gì. Cô được bà ngoại ôm chặt vào lòng, và bà đã chết vì trúng đạn khi đang bảo vệ cô. Ka mất bà ngoại, mẹ và bốn chị em gái trong ngày hôm ấy. Còn Nguyễn Thị Thanh, 11 tuổi, bị lính ra lệnh đi theo người lớn vào hầm trú ẩn. Sau đó, một quả lựu đạn bay vào cửa hầm và phát nổ. Khói và máu tràn ngập. Thanh bị điếc tai trái và mảnh đạn găm vào eo. Mẹ và em trai 8 tuổi của cô đã thiệt mạng.
Tổng cộng, 135 người dân đã bị thảm sát ở làng Hà My ngày hôm đó, trong đó có 59 em bé dưới 10 tuổi. Xác 135 người thuộc 30 gia đình vương vãi khắp nơi, làng nhuộm máu đỏ, tất cả đều dính đầy đạn. Người dân địa phương nói rằng thủ phạm là lính Hàn Quốc. Có thể do họ nghi ngờ dân làng có liên hệ với lực lượng Việt Cộng sau khi quân đội Hàn Quốc bị tổn thất.
Những đứa trẻ sống sót, từng mất bố mẹ, anh chị em chỉ trong chớp mắt, nay đã bước qua tuổi 60. Tháng 4/2022, họ gửi đơn kiến nghị tới Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc (TRCK) yêu cầu điều tra vụ thảm sát.
Tuy nhiên, sau một năm im lặng, vào ngày 24/5/2023, TRCK quyết định bác bỏ đơn. Trước đó, tia hy vọng le lói đã xuất hiện khi các làng Phong Nhị và Phong Nhất thắng kiện Chính phủ Hàn Quốc vào tháng 2/2023. Tuy nhiên, TRCK cuối cùng đã né tránh vụ Hà My.
Hàn Quốc từng phải chịu nhiều cuộc thảm sát và đau thương, từ khởi nghĩa Jeju, thảm sát Gwangju, đến nạn nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động. Nhưng giờ đây, đã đến lúc chúng ta đối mặt với chính lỗi lầm của mình. Điều này không có nghĩa là vô cớ khơi dậy quá khứ. Cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn, và chiến sự sẽ tiếp tục nổ ra ở nơi khác. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, những gì từng diễn ra ở Hà My không được phép tái diễn. Nỗ lực của chúng ta hôm nay cho Hà My chính là để ngăn chặn một Hà My khác trong tương lai”...