Tác động từ việc thay thế Cố vấn An ninh Quốc gia tới chính sách đối ngoại của Mỹ

Các nhà ngoại giao nói việc cải tổ Nhà Trắng 'sẽ không ảnh hưởng đến Ukraine', khi ông Trump thay thế Cố vấn An ninh Nhà Trắng Mike Waltz vướng bê bối bằng Ngoại trưởng Marco Rubio.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (bên trái) và ông Mike Waltz. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (bên trái) và ông Mike Waltz. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine nói với báo Kyiv Post rằng việc Cố vấn An ninh Quốc gia từ chức và Ngoại trưởng Marco Rubio tạm thời đảm nhiệm chức vụ này không cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm (1/5) đã thông báo một cuộc cải tổ lớn trong đội ngũ an ninh quốc gia của mình, với việc bổ nhiệm ông Mike Waltz làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, đồng thời giao Ngoại trưởng Marco Rubio tạm thời đảm nhận vai trò Cố vấn An ninh Quốc gia thay cho ông Waltz.

Động thái này được đưa ra giữa lúc có thông tin rằng ông Waltz và cấp phó của ông tại Hội đồng An ninh Quốc gia, Alex Wong, sẽ rời nhiệm sở sau khi mất tín nhiệm từ các quan chức khác trong chính quyền.

“Với thời gian phục vụ trong quân ngũ, trong Quốc hội và là Cố vấn An ninh Quốc gia của tôi, ông Mike Waltz đã làm việc chăm chỉ để đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu”, ông Trump viết trên mạng Truth Social khi nói về cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa 51 tuổi đến từ Florida.

Hiện chưa rõ ông Rubio sẽ kiêm nhiệm chức Cố vấn An ninh Quốc gia trong bao lâu. “Rõ ràng tôi vừa nghe tin này từ các anh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce nói với phóng viên trong cuộc họp báo hàng ngày, khi được hỏi về việc cải tổ mà bà dường như mới biết.

Việc ông Waltz rời nhiệm sở đánh dấu kết thúc một nhiệm kỳ đầy sóng gió, khi ông bị điều tra trong nhiều tháng do vụ bê bối “Signalgate”, khi ông vô tình để lộ kế hoạch chiến tranh ở Yemen cho một nhà báo trong nhóm chat riêng tư.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu không ngừng nghỉ để Làm cho nước Mỹ và Thế giới An toàn trở lại. Cảm ơn sự quan tâm của quý vị!”, ông Trump kết luận trong thông báo.

Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu phê chuẩn ông Waltz làm Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, vị trí vốn vừa trống sau khi ứng viên trước đó của ông Trump, Hạ nghị sĩ Elise Stefanik, bị rút khỏi đề cử.

Nhiều hãng tin Mỹ hôm 1/5 đưa tin rằng Tổng thống Trump đã tức giận từ lâu về vụ rò rỉ an ninh của ông Waltz nhưng chần chừ sa thải quan chức này vì không muốn “trao cho truyền thông tự do một cái cớ công kích”.

Hiện nay, tổng thống Trump chưa chỉ định ai sẽ là người thay thế chính thức cho ông Waltz. Về phần ông Rubio, việc bổ nhiệm tạm thời khiến ông hiện đang đảm nhận tổng cộng bốn vị trí trong chính quyền: Ngoại trưởng, Quyền Cố vấn An ninh Quốc gia, Quyền Giám đốc Lưu trữ Quốc gia và Quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).

“Điều này cho thấy ông Trump rất tin tưởng vào lòng trung thành của ông Rubio”, nhà ngoại giao kỳ cựu Richard Kauzlarich, người từng là Phó Thứ trưởng Ngoại giao và Đại diện Đặc biệt của Tổng thống với các quốc gia hậu Xô Viết dưới thời Tổng thống Clinton, nói với phóng viên Kyiv Post tại Washington.

Ông Kauzlarich nói thêm, từ góc độ quản trị, sẽ là “một thách thức” để ông Rubio có thể lãnh đạo cải cách Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia, “nơi đang đối mặt với nhiều thách thức nội bộ và bên ngoài (ví dụ: Ukraine, Iran)”.

“Người sẽ giữ chức Phó Cố vấn An ninh Quốc gia sẽ đóng vai trò quan trọng”, ông Kauzlarich nói.

Cựu Đại sứ Mỹ John Herbst tại Kiev dưới thời Tổng thống George W. Bush, tin rằng việc ông Waltz rời chức và ông Rubio tạm thời thay thế “không cho thấy thay đổi lớn trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ”, bao gồm cả đối với vấn đề xung đột Nga -Ukraine.

Herbst hiện là Giám đốc cao cấp tại Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, tiếp tục phân tích: “Cả ông Rubio và ông Waltz đều nhận thức rõ rằng Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran đang hợp tác chặt chẽ chống lại các lợi ích cốt lõi của Mỹ, và rằng một chính sách thực sự dựa trên ‘hòa bình thông qua sức mạnh’ là cần thiết để bảo vệ những lợi ích đó. Điều đó bao gồm việc giúp ông Trump thiết lập một nền hòa bình bền vững ở Ukraine, tức là gây áp lực lên phía Nga, bên đã bác bỏ nhiều đề xuất ngừng bắn từ Trump”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce nói với phóng viên Kyiv Post tại Washington trong buổi họp báo hôm 1/5 rằng, trong thời gian tới, chính quyền Trump sẽ theo dõi “hành động” của ông Putin trong vấn đề ngừng bắn tại Ukraine.

“Bộ trưởng [Rubio] đã nói rất rõ rằng chúng tôi theo dõi hành động của ông Putin, đúng không, chứ không phải lời nói của ông ta. Và trong quá trình đó, ông ấy đã xác định một mốc thời gian rất cụ thể. Vài tuần trước thì nói là vài tuần; vài ngày trước thì nói là vài ngày, và tuần này là thời điểm then chốt,” Bruce nói.

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tac-dong-tu-viec-thay-the-co-van-an-ninh-quoc-gia-toi-chinh-sach-doi-ngoai-cua-my-20250502115529174.htm