Ngăn quảng cáo 'rác' trên mạng xã hội

Sau hơn 10 năm triển khai, Luật Quảng cáo đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam.

PV: Luật Quảng cáo được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21/6/2012, thay thế cho Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001. Tính đến nay Luật đã đi vào thực tiễn được hơn 10 năm và hiện không còn phù hợp, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Trường Sơn.

Ông Nguyễn Trường Sơn.

Ông Nguyễn Trường Sơn: Với tốc độ phát triển của công nghệ số, quảng cáo đã phát triển rất đa dạng và phong phú. Chính vì vậy Luật Quảng cáo hiện nay đòi hỏi phải mặc một cái áo rộng hơn, đa ngành hơn, bám sát thực tế để quản lý.

Nếu như trước đây, chỉ có những công ty chuyên nghiệp mới làm quảng cáo thì hiện nay người dân nào cũng có thể làm quảng cáo. Với nền tảng mạng xã hội, người ta có thể tự phát, làm bất kể điều gì miễn là đạt được kết quả kinh doanh. Chính vì vậy dẫn đến quảng cáo quá, quảng cáo sai sự thật xuất hiện nhiều. Đặc biệt trên nền tảng mạng xã hội.

Ngoài ra, đối với bảng biển quảng cáo ở ngoài trời, một số bất cập trong vấn đề quy định các kích thước, vị trí đặt biển quảng cáo nhiều khi chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính của ngành quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời còn rất phức tạp, đòi hỏi nhiều giấy tờ, giấy phép liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau.

Biển bảng quảng cáo lộn xộn ở ngã tư Xã Đàn - Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Ảnh: P.Sỹ.

Biển bảng quảng cáo lộn xộn ở ngã tư Xã Đàn - Ô Chợ Dừa (Hà Nội). Ảnh: P.Sỹ.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng quảng cáo trên mạng xã hội hiện nay?

- Việc quảng cáo tràn lan là xu hướng không tránh được bởi tốc độ phát triển của mạng xã hội. Trên nền tảng mạng xã hội, ai cũng có quyền nói điều mà người ta muốn, ai cũng có quyền nói điều người ta thích. Không ít người tiêu dùng bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Rồi vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... được phóng đại dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm.

Để khắc phục tình trạng này cần tạo ra hành lang pháp lý để có căn cứ xử phạt. Bên cạnh đó, nếu quảng cáo sai sự thật hoặc không bảo vệ được người tiêu dùng thì các cơ quan báo chí truyền thông cần phải phản ánh, tuyên truyền cho người dân biết để tẩy chay. Khi một cộng đồng xã hội tẩy chay con người đó, mặt hàng đó thì đấy chính là sức mạnh lớn nhất để triệt tiêu.

Hiện nay, trên nền tảng mạng xã hội, chúng ta phụ thuộc vào nền tảng xuyên biên giới. Nguồn tiền các doanh nghiệp Việt Nam bỏ ra phần lớn chạy vào túi các doanh nghiệp nước ngoài như trên nền tảng Facebook, Youtube, Tiktok…Vì vậy đòi hỏi Luật cần có sự thay đổi, làm sao để tạo điều kiện cho cơ quan truyền thông, mạng xã hội Việt Nam phát triển hơn, từ đó thu hút được quảng cáo.

Theo ông, Luật Quảng cáo (sửa đổi) có khắc phục được những bất cập hiện nay không?

- Trong sửa đổi Luật Quảng cáo lần này sẽ có mức xử phạt rất nghiêm đối với những quảng cáo sai sự thật để bảo vệ được người tiêu dùng, bảo vệ được các nhãn hàng làm ăn chính thống. Đây là điều rất là quan trọng. Để thu thuế quảng cáo đối với những người bán hàng online, Luật sắp tới cũng sẽ đưa vào định danh các tài khoản cá nhân để quản lý; đồng thời tạo ra hành lang pháp lý chuẩn để giúp cho hoạt động quảng cáo ngày càng tốt hơn.

Trong dự thảo sửa đổi, cũng có lưu ý đến những luật khác để tránh chồng chéo. Hiện nay, các văn bản pháp luật cũ về cơ bản đã đưa ra những định hướng nhưng cần chi tiết hơn nữa. Luật Quảng cáo năm 2013 đã quá bất cập, vì vậy, đã có nhiều nghị định, văn bản dưới luật để quy định. Trong lần soạn thảo này sẽ có những điều chỉnh. Tuy nhiên khi đưa vào luật cần xem xét sự lâu dài, nếu đưa vào chi tiết quá mà sau thời gian ngắn không phù hợp với thực tế thì rất khó cho đối tượng thực hiện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Sỹ (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngan-quang-cao-rac-tren-mang-xa-hoi-10287588.html