Ngân Sơn: Người dân mong muốn trồng cây sau sau ở rừng sản xuất
Cây sau sau sinh trưởng và phát triển nhanh, ít bị sâu bệnh và có giá trị kinh tế cao nên người dân ở huyện Ngân Sơn muốn được trồng trên những diện tích rừng trồng sản xuất. Tuy nhiên, do đây là cây rừng tự nhiên chưa có trong cơ cấu giống cây trồng nên việc trồng nhân rộng đang bị vướng theo các quy định của pháp luật.
Theo quan sát thực tế, hầu hết ở các xã trên địa bàn huyện Ngân Sơn những diện tích đất rừng tự nhiên hiện nay có rất nhiều cây sau sau đang được người dân bảo vệ và sinh trưởng tốt, cây to cao và có tán lá rộng. Hiện nay có nhiều cây tuổi đời mới khoảng 6 - 7 năm nhưng đã có đường kính bình quân chừng 30cm, chiều cao hơn 10m. Cây sau sau có sinh khối lớn và phát triển nhanh, ít công chăm sóc nên người dân mong muốn được trồng thay thế trên những diện tích rừng sản xuất đã trồng cây mỡ, keo sau khi đã khai thác. Nhưng do không nằm trong cơ cấu giống cây trồng nên nếu người dân trồng cây sẽ trở thành rừng tự nhiên sản xuất và sẽ không được khai thác trắng mà chỉ khai thác tỉa thưa hoặc không được khai thác nên người dân chưa dám trồng mà mong muốn Nhà nước có cơ chế tạo điều kiện để được trồng loại cây này.
Những cây sau sau mọc ở rừng tự nhiên thường có chiều cao vượt trội và sinh khối lớn hơn so với một số loại cây khác
Ông Nông Công Đơ, thôn Nà Ngần, xã Thượng Quan cho biết: Cây sau sau mọc rất tốt, chỉ cần phát đồi rồi đốt dọn thực bì là cây đã tự mọc, do phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng nơi đây nên cây sinh trưởng và phát triển nhanh hơn so với keo, mỡ và thông. Loại cây này ít bị sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc, chịu được gió bão rất tốt, nếu được Nhà nước cho trồng trên những diện tích rừng sản xuất thì chắc chắn sẽ đem lại giá kinh tế cao cho người dân, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đồng chí Nguyễn Trọng Lăng- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhiều năm trở lại đây, người dân ở các xã đã bày tỏ ý kiến mong muốn được trồng cây sau sau, vì so với cây keo, mỡ thì giá trị kinh tế của cây sau sau cao hơn nhiều và loại cây này có thể sử dụng để làm được rất nhiều việc như: Dùng để cấy trồng nấm hương (nấm hương rừng chủ yếu mọc từ loại cây này); dùng làm gỗ bóc, đồ mộc; làm chất đốt để sấy cây nguyên liệu thuốc lá… Do là cây rừng mọc tự nhiên và không nằm trong bộ giống cây trồng rừng sản xuất nên huyện cũng chưa có cơ sở để triển khai cho người dân trồng. Năm 2021 huyện đã có ý kiến đề nghị tỉnh xem xét đưa giống cây này vào cơ cấu giống cây trồng để người dân trồng thay thế cây keo, mỡ, thông…
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Hà Sỹ Huân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Qua tiếp xúc cử tri cũng như lãnh đạo UBND huyện Ngân Sơn đã có ý kiến đề nghị đưa cây sau sau vào cơ cấu giống cây trồng rừng, tuy nhiên do đây là loại cây rừng tự nhiên chưa có trong danh mục cơ cấu giống cây trồng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vấn đề này Sở đã tiếp thu ghi nhận, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn xem xét, cân nhắc và xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bổ sung loại cây này vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Mặt khác, để bảo đảm các quy định, quy trình của pháp luật, huyện Ngân Sơn cũng cần có đề án xác định đây là giống cây trồng có tiềm năng, thế mạnh ở địa phương và chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện trình tự các bước thủ tục để lựa chọn cây làm giống, chủ động nguồn ngân sách để thực hiện (nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt).
Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Ngân Sơn, toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên trên 64.500ha. Hiện nay, diện tích có rừng hơn 43.000ha; diện tích đất chưa thành rừng hơn 14.400ha. Phần lớn người dân trên địa bàn huyện sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, đời sống kinh tế của phần lớn các hộ dân nhất là ở khu vực vùng cao còn gặp nhiều khó khăn nên mong muốn của người dân về việc trồng cây sau sau để thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế là chính đáng. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập từ trồng rừng, góp phần sớm đưa huyện Ngân Sơn thoát khỏi diện khó khăn của tỉnh./.