Ngăn trộm đột nhập, chủ nhà bị đẩy ngã tử vong
Vũ Quang T (SN 1987) là thợ sơn được thuê hoàn thiện nhà riêng cho một gia đình. Trong thời gian làm việc T để ý thấy gia đình đối diện không làm lưới bảo vệ ban công, trong khi khoảng cách giữa 2 nhà khá gần.
Một đêm thấy nhà đối diện quên đóng cửa ban công, T đã trèo sang và vào nhà lấy một chiếc túi xách. Trong lúc lục tìm thêm tài sản, T gây ra tiếng động và bị anh Đinh Trọng H (SN 1972) là chủ nhà phát hiện. Khi anh H cố giằng lại chiếc túi đã bị T dùng tay đấm rất mạnh vào mặt làm anh choáng váng, ngã đập đầu xuống sàn nhà. T sau đó tẩu thoát cùng chiếc túi đựng tiền và chiếc điện thoại di động. Tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 20 triệu đồng. Anh H sau đó được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu, nhưng do bị chấn thương sọ não nên đã tử vong.
Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này Vũ Quang T đã phạm tội gì?
Ý kiến bạn đọc
Phạm tội Giết người
Theo tôi, mặc dù mục đích ban đầu của Vũ Quang T khi đột nhập nhà anh Đinh Trọng H là nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên khi bị anh H phát hiện và giằng lại tài sản thì T đã tìm mọi cách để chiếm đoạt bằng được chiếc túi mà mình vừa lấy. Việc cố ý chiếm đoạt tài sản bằng mọi giá thể hiện ở việc T đã dùng tay đấm mạnh vào mặt anh H khiến anh choáng váng ngã xuống sàn nhà và sau đó bị tử vong do chấn thương sọ não. Sinh mạng con người là khách thể cao nhất được luật pháp bảo vệ, việc T dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản của anh H là nguyên nhân khiến anh bị tử vong. Do đó theo tôi, cần phải xử lý Vũ Quang T về hành vi giết người.
Nguyễn Hương Trà (Nga Sơn - Thanh Hóa)
Cướp tài sản
Tôi cho rằng hành vi dùng tay đấm rất mạnh vào mặt anh Đinh Trọng H khiến anh choáng váng, ngã xuống sàn nhà để Vũ Quang T giằng lại chiếc túi vừa lấy được là đặc trưng rõ nhất của tội Cướp tài sản. Pháp luật quy định về hành vi dùng vũ lực trong tội Cướp tài sản, đó là dùng sức mạnh vật chất tấn công người chủ tài sản, người quản lý tài sản hoặc bất kỳ người nào khác ngăn cản việc chiếm đoạt của người phạm tội nhằm đè bẹp sự phản kháng, làm tê liệt ý chí của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. Hành vi của T trong vụ việc này đã thể hiện rõ những điều đó, vì vậy, tôi cho rằng, trong vụ việc này Vũ Quang T đã phạm tội Cướp tài sản rất rõ ràng. Còn việc anh H bị ngã xuống sàn sau đó tử vong do chấn thương sọ não nằm ngoài ý muốn của T bởi T không có ý định giết anh H mà chỉ muốn chống cự để tẩu thoát sau khi lấy được tài sản.
Vũ Hoàng Yến (Sơn Tây - Hà Nội)
Đầu trộm, đuôi cướp
Theo nội dung vụ việc thì Vũ Quang T để ý thấy gia đình đối diện nơi mình làm việc không làm lưới bảo vệ ban công, trong khi khoảng cách giữa 2 nhà khá gần nên khi thấy nhà đối diện quên đóng cửa ban công P đã trèo sang và vào nhà lấy một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động, tiền. Đây là hành vi lén lút đặc trưng của tội Trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, khi việc trộm cắp chưa hoàn thành thì T bị chủ nhà là anh Đinh Trọng H phát hiện. Lúc đó T đã đấm vào mặt anh H với mục đích để cướp tài sản đến cùng. Theo tôi, với việc sử dụng vũ lực, lúc này hành vi của T đã chuyển từ tội Trộm cắp sang Cướp tài sản. Điều này chúng ta vẫn thường được nghe là “đầu trộm, đuôi cướp”.
Phạm Chí Công (Đông Hà - Quảng Trị)
Bình luận của luật sư
Xét tình huống trong vụ việc trên thì khách thể bị Vũ Quang T xâm hại ở đây bao gồm quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân. Theo diễn biến của vụ việc, T đã lấy được một chiếc túi xách có chứa điện thoại di động và tiền với tổng giá trị là 20 triệu đồng, đây là quan hệ tài sản; còn việc T dùng tay đấm rất mạnh vào mặt anh Đinh Trọng H khiến anh choáng váng, ngã xuống sàn nhà và sau đó chết do chấn thương sọ não là quan hệ nhân thân.
Thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà T xâm phạm đến quan hệ tài sản. Vì T đã dùng vũ lực là đấm vào mặt anh H (đang giữ lại chiếc túi) khiến cho anh H choáng váng, ngã xuống sàn nhà thì T sau đó mới tẩu thoát được cùng chiếc túi đựng tiền và chiếc điện thoại di động, nếu không có thể là T đã không lấy được tài sản hoặc là đã bị bắt. Do đó, ta cũng cần lưu ý đến trình tự xâm phạm, ở đây khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản.
Lỗi của T trong tình huống trên có thể thấy rõ đó là lỗi cố ý trực tiếp vì T hoàn toàn nhận thức rõ hành vi lấy tiền, điện thoại và đấm vào mặt anh H làm choáng váng là nguy hiểm, thấy trước được hậu quả của hành vi đó là gây ra tổn thất tài sản và tinh thần, sức khỏe của anh H. Và vì biết rõ là hành vi đấm vào mặt anh H của mình sẽ làm anh H choáng váng, ngã xuống đất thì sẽ đạt được mục đích chiếm đoạt được tài sản - lấy được tiền, điện thoại để tẩu thoát. Do đó, ta có thể thấy T đã mong muốn hậu quả xảy ra, vì vậy lỗi của T là lỗi cố ý trực tiếp.
Theo tình tiết của vụ việc thì T đã có hành vi lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản là gia đình anh H đã không làm lưới bảo vệ ban công, không trông giữ cẩn thận (quên không đóng cửa ban công). Nếu chỉ dừng ở đây, dựa vào hành vi và những dấu hiệu của tội phạm được phân tích phía trên ta có thể kết luận T phạm tội Trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, ở đây ta cần chú ý đến diễn biến của vụ án là khi T lục tìm thêm tài sản khác thì bị anh H phát hiện và giữ lại chiếc túi. T đã dùng tay đấm rất mạnh vào mặt làm anh H choáng váng, ngã xuống sàn nhà.
Như vậy, trong tình huống này T đã có hành vi dùng vũ lực hay hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản, vì lúc đó anh H đang giữ được chiếc túi. Việc làm của T đã thỏa mãn các dấu hiệu của tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản..”.
Theo quan niệm truyền thống và thực tiễn xét xử thì được coi là chuyển hóa từ tội phạm khác sang tội Cướp tài sản nếu người phạm tội đã có tài sản trong tay, bị chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản giằng giật lại tài sản mà người phạm tội cố tình dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để giữ bằng được tài sản đã chiếm đoạt. Điều này đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001:
6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội Cướp tài sản”.
Như đã phân tích ở trên thì T đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội Cướp tài sản và là trường hợp chuyển hóa từ tội Trộm cắp tài sản (Điều 173) thành tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vấn đề đặt ra ở đây là việc T dùng tay đấm rất mạnh vào mặt làm anh H choáng váng, ngã xuống sàn nhà, đập đầu vào nền gạch nên đã bị chấn thương sọ não và tử vong thì tội danh của T có thay đổi không? Theo chúng tôi, trong trường hợp này T đã có lỗi cố ý trực tiếp đối với xâm phạm quan hệ tài sản, tuy nhiên lại có lỗi vô ý đối với hậu quả là gây chết người, trường hợp làm chết người trong tình huống này cần phân biệt với trường hợp giết người để cướp tài sản.
Làm chết người là trước khi thực hiện hành vi cướp tài sản, T đã không có ý thức là giết người, hành vi dùng vũ lực của T chưa gây ra cái chết cho người bị tấn công là anh H, nhưng trong quá trình thực hiện hành vi cướp tài sản hoặc sau khi đã cướp được tài sản, T đã bỏ mặc cho hậu quả xảy ra nên anh H bị chết. Do đó, theo chúng tôi, trong trường hợp này Vũ Quang T không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội Giết người theo Điều 123 mà vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 nhưng bị truy cứu trách nhiệm ở mức nặng hơn theo cấu thành tội phạm tăng nặng quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 168 Bộ luật Hình sự.
Luật sư Đoàn Mạnh Hùng, Văn phòng luật sư Hùng Mạnh
Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/ngan-trom-dot-nhap-chu-nha-bi-day-nga-tu-vong/842135.antd