Ngắn và gọn
Thế kỷ XXI đã qua được 2 thập niên. Tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, từ công đến tư, từ báo in, báo hình đến báo mạng đều phải tuân thủ nguyên tắc ngắn và gọn thì mới tồn tại được. Nếu làm ngược lại chắc chắn sẽ phá sản, báo in ra không ai mua, các trang mạng không ai còn chú ý đến nữa.
Vậy ngắn và gọn là thế nào mà lợi hại đến thế?
Theo Từ điển tiếng Việt, trang 607 thì: “Ngắn là: 1/Có chiều dài dưới mức bình thường hoặc không bằng so với những vật khác. Thí dụ: Áo may ngắn quá. Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn. 2/Chiếm ít thời gian hơn so với mức bình thường hoặc ít hơn những hiện tượng, sự việc khác. Thí dụ: Nói ngắn nhưng dễ hiểu. “Ngày vui ngắn chẳng tầy gang (Nguyễn Du)”. Ngắn gọn là không nhiều lời mà đủ ý. Thí dụ: Viết ngắn gọn mà đủ ý (ngược lại là Dài dòng)”.
Cũng theo Từ điển tiếng Việt, trang 362 thì: “Gọn là: 1/Không choán nhiều chỗ một cách vô ích và có được một trật tự hợp lý. Thí dụ: Xếp nhà cửa cho gọn. Rơm rạ thu gọn thành đống. Câu văn gọn không dài dòng. 2/Có sự cân đối, gây cảm giác không có gì thừa, không có gì choán chỗ. Thí dụ: Thân hình nó trông rất gọn. 3/Làm việc gì xong mà không mất quá nhiều thì giờ. Thí dụ: Bắt gọn toán cướp. Làm gọn trong một tuần. 4/Không ngắn, không kéo dài. Thí dụ: Tiếng nổ đanh và gọn”.
Như thế, ngắn và gọn là yêu cầu sống còn của các công việc hàng ngày, từ lời ăn tiếng nói đến các bài viết, bài nói chuyện, bài giảng đối với cộng đồng hoặc ở môi trường giáo dục cấp cao hơn.
Tại bàn chủ tọa của các Hội thảo Quốc tế, người ta phải dùng một cái chuông để lắc hoặc có hộp điều khiển để bấm nhằm phát ra tiếng chuông kêu to vừa phải hoặc phát ra một bản nhạc để báo hiệu đã hết giờ báo cáo. Báo cáo viên trình độ càng yếu càng không biết kết thúc ở đâu, nghe thấy tiếng chuông reo càng lúng túng, gây cười cho cả hội trường. Tại sao cười? Vì càng nói dài, nói dai hóa thành nói dại.
Tại tòa soạn của các Tạp chí khoa học bao giờ cũng có các quy định ghi trong Thể lệ nhận bài, thí dụ như: Tổng cộng độ dài của bài viết là 5 trang A4, cỡ chữ 12, mỗi phần của bài báo đều có độ dài nhất định, như: Mở đầu, Đối tượng và phương pháp nghiên cứu, Kết quả, Bàn luận, Kết luận, Tài liệu tham khảo. Có những tác giả viết đến 9, 10 trang dài tràng giang đại hải, rồi không biết làm cách nào để cho đúng theo Thể lệ nhận bài, nên lúng túng cắt chỗ này, bỏ chỗ kia, làm hỏng cả bài viết.
Một phòng trà ca nhạc có tiếng ở thành phố đợt này vắng hẳn khách chỉ vì ông dẫn chương trình nói dài dòng văn tự làm mất rất nhiều thời gian rồi mới giới thiệu ca sĩ và bài hát nên người nghe chán quá bỏ đi. Về sau người chủ phải thay người khác dẫn chương trình, khách mới đông vui trở lại.
Qua vài thí dụ nêu trên mới thấy rõ sự ngắn và gọn quan trọng đến mức độ nào.
Cách đây 400 năm, thiên tài William Shakespeare (1564 – 1616) đã khái quát sự ngắn gọn bằng một danh ngôn đáng kinh ngạc cho toàn thể nhân loại như sau: “Sự ngắn gọn là linh hồn của trí khôn sắc sảo” (Brevity is the soul of wit). Với độ lùi 4 thế kỷ đã trôi qua, con người vô cùng biết ơn Shakespeare vì ông đã nêu ra cái từ khóa (key words) cho mọi việc ở trên đời để con người khỏi lúng túng và mất thì giờ chạy theo lý thuyết này, cơ chế nọ.
Cũng cùng cái ý đã nêu ở trên, nhà triết học cổ điển người Đức, Martin Luther (1483 – 1546) đã chỉ rõ: “Lời cầu nguyện càng ít ngôn từ, càng có hiệu quả” (The fewer the words, the better the prayer). Bởi vì Chúa dẫu có chú ý nghe lời cầu nguyện của các con chiên thì ngài cũng sẽ hài lòng với những lời cầu nguyện ngắn gọn, dễ hiểu.
Vậy thì có cái cách gì, có cơ chế nào, có kỹ năng nào để có thể đạt tới được sự ngắn và gọn? Câu trả lời là: “Rất khó, cực kỳ khó, phải rèn luyện từ lúc còn nhỏ qua lời ăn tiếng nói, qua viết lách, qua ghi chép, qua soạn bài giảng thì may ra mới dần dần tạo được thói quen và kỹ năng ngắn và gọn.
Cụ thể ra sao?
François Fénelon (1651 – 1715) đã hướng dẫn: “Anh càng nói nhiều, người ta càng nhớ ít. Ngôn từ càng ít đi, lợi ích càng tăng lên” (The more you say, the less people remember. The fewer the words, the greater the profit). Chao ôi, cái chân lý đơn giản như thế mà mấy ai đã tiếp thu được. Trong đời sống hàng ngày, nhiều người đua nhau “chém gió”, “nổ”, “tán”, “khua tay múa chân” đến nỗi có người bực mình phải nói khéo: “Nếu bạn không nói nhiều, dễ thường người ta tưởng bạn... à!”.
Mà khi nói nhiều, nói dài, viết nhiều, viết dài đã thành thói quen mà muốn sửa lại là điều không thể, vì đã thành “bệnh mạn tính”, phải chung sống suốt đời.
Tác giả Louise Brooks còn phổ biến một kỹ năng rất cụ thể là: “Chỉ nên viết ra 1% sự suy nghĩ, cần bỏ đi 99%” (Writing is 1 percent ínspiration, and 99 percent elimination). Thận trọng đến như thế, tỷ mỷ đến như thế thì làm gì mà chẳng thành công lớn, nhưng khó quá, vất vả quá, gian truân quá!
Thiên tài Blaise Pascal trong tuyển tập “Những bức thư thành phố” xuất bản năm 1657 đã để lại cho hậu thế một định đề ngắn và gọn cực kỳ sâu sắc sau đây: “Tôi viết bức thư này có dài hơn mọi khi vì tôi không có thì giờ để viết ngắn được” (I have made this letter longer than usual because I have not had time to make it shorter). Thì ra viết ngắn khó quá, vất vả quá. Vì viết dài rất dễ, muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết, còn nhiều giấy nhiều mực mà! Còn viết ngắn mà đủ ý trong một tấm bưu thiếp hoặc trong một khuôn khổ hẹp, có quy định số từ, thì quả là thách đố, quả là gian nan!
Thế kỷ trước, ở nước ta, khi bàn về những tác hại của sự không công bằng trong đời sống xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một cách ngắn gọn: “Chúng ta không sợ khó, chúng ta không sợ khổ, chỉ sợ không công bằng”. Chao ôi, chỉ bằng bấy nhiêu ngôn từ thôi mà đã lay động hàng triệu trái tim con người, hơn cả những bài diễn thuyết dài dòng hàng mấy tiếng đồng hồ, hơn cả hàng trăm trang sách lý luận trên giời dưới bể mà ít người hiểu được.
Tác giả George Burn còn bật mí một bí quyết thành công cho một bài thuyết trình trước công chúng, đó là: “Bí mật của một bài thuyết trình trước công chúng là có phần mở đầu hay và một kết luận rõ ràng, và nhất là hai phần này phải thật gắn kết khăng khít với nhau” (The secret of a good sermon is to have a good beginning and a good ending; and to have the two as close together as possible). Muốn làm được như Burn dạy, thì phải tốn biết bao nhiêu giấy viết ra rồi lại bỏ đi, cạn bao nhiêu mực và bao nếp nhăn đã xuất hiện trên trán, trên má người chuẩn bị.
Để dần khép lại cái chủ đề ngắn và gọn, cần chú ý đến cái mục đích của bài nói hoặc bài viết đó là để làm gì? Nếu nói lên được những gì mà mọi người nghĩ đến thì là thành công. Nếu chỉ nói lên được những gì mà người nói hay người viết nghĩ đến thì sẽ hạn chế thành công. Đúng như Arthur Brisbane (1864 – 1936) đã viết: “Viết được những bài xã luận thành công chính là đã nói lên được những gì mà mọi người nghĩ đến chứ không phải những gì mà ta nghĩ đến” (Writing good editorials is chiefly telling the people what they think, not what you think).
Cũng nên nhớ rằng tất cả mọi tinh hoa của trời đất, của con người, của vạn vật bao giờ cũng nằm trong trong ca dao, tục ngữ, phương ngôn, danh ngôn của cha ông, tổ tiên của con người đã để lại từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay một cách rất ngắn và rất gọn. Đúng như William Penn (1644 – 1718) đã khẳng định: “Cái tinh hoa của mọi quốc gia đều nằm trong những câu ca dao, phương ngôn, tục ngữ của họ, mà những câu này rất vắn tắt và cô đọng” (The Wisdom of nations lies in their proverbs, which are brief and pithy). Có nhà văn lớn đã viết trong hồi ký: “Nhờ có những lời ru của bà tôi, của mẹ tôi bằng các câu ca dao, tục ngữ lúc còn ấu thơ mà tôi đã lớn lên cùng với sự vắn tắt và cô đọng của nền văn chương bình dân và giản dị ấy”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ngan-va-gon-tintuc465065