Ngân vang giá trị gia đình Việt
Không khí sôi nổi hòa quyện cảm xúc sâu lắng là những điều đọng mãi trong tâm thức người xem tại Hội thi Tìm hiểu kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tỉnh Hà Tĩnh.
Lắng đọng các giá trị gia đình Việt trong bối cảnh mới
Sau gần 5 tháng phát động, Hội thi "Tìm hiểu kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tỉnh Hà Tĩnh năm 2024" đã khép lại bằng sự thành công của hội thi cấp tỉnh. Diễn ra trong 1 ngày (27/8), Hội thi cấp tỉnh quy tụ 13 đội thi đến từ 13 huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh, với sự tham gia của hơn 90 thành viên chính thức và gần 300 diễn viên quần chúng.
Tại hội thi, các đội đã có 39 phần thi ở 3 nội dung: màn chào hỏi, kiến thức và năng khiếu. Kết quả, BTC đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba và 3 giải khuyến khích, cùng nhiều giải phụ cho các đội thi. Trong đó, với tổng số điểm cao nhất các phần thi, huyện Kỳ Anh đã giành giải nhất chung cuộc.
Dù diễn ra trong thời gian ngắn nhưng với sức lan tỏa trước đó, Hội thi đã thu hút hơn 1.000 lượt khán giả từ nhiều địa phương đến xem trực tiếp tại sân khấu và hàng nghìn khán giả theo dõi qua mạng xã hội. Với sự đầu tư công phu, các phần thể hiện của các đội đã tạo nên không khí sôi nổi, xen lẫn nhiều cảm xúc lắng đọng về các giá trị gia đình Việt.
Bà Lê Thị Nhung (ở tổ dân phố 4, thị trấn Thạch Hà) bày tỏ: "Dù công việc nhà khá bận rộn, lại cách điểm diễn ra hội thi hơn 10 km nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp, rủ thêm các bà trong tổ dân phố cùng đến xem. Tôi rất thích không khí sôi nổi ở các màn chào hỏi của các đội thi. Trên nền các làn điệu dân ca ví, giặm, các đội đã giới thiệu về quê hương, đất nước, về vai trò của việc xây dựng gia đình hạnh phúc và các nội dung ứng xử trong gia đình một cách hấp dẫn".
Bên cạnh các màn chào hỏi sôi nổi, phần trả lời câu hỏi về kiến thức về pháp luật trong xây dựng gia đình, phần thi năng khiếu đã đọng lại nhiều thông điệp nhân văn sâu sắc trong lòng khán giả.
13 tiểu phẩm của các đội thi là 13 câu chuyện, tình huống mà các gia đình ở Hà Tĩnh nói riêng và gia đình Việt nói chung thường gặp phải trong xã hội hiện đại. Đó là tình trạng bạo lực gia đình từ thể chất tới tinh thần ở các tiểu phẩm: Trượt dốc (Nghi Xuân), Hãy cho con tình thương (huyện Kỳ Anh), Tỉnh ngộ (Thạch Hà), Đồng tiền cay đắng (Lộc Hà); tình thân bị chia cắt do lòng tham lam vô độ ở tiểu phẩm: Tình yêu của mẹ (TP Hà Tĩnh); lòng hiếu thảo bị coi nhẹ ở tiểu phẩm: Tiếng lòng (huyện Vũ Quang); ca ngợi tình yêu thương, sự hy sinh chia sẻ là chìa khóa hạnh phúc gia đình ở tiểu phẩm: Bố của con (TX Kỳ Anh), Ngôi nhà hạnh phúc (Can Lộc)...
Các tiểu phẩm phản ánh rõ nét hơi thở đời sống, được các diễn viên không chuyên nhưng giàu tâm huyết vào vai một cách mộc mạc, chân thực, giúp khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều suy ngẫm về các giá trị đạo đức, lối sống trong gia đình. Qua đó, tôn vinh các giá trị tốt đẹp của gia đình, đồng thời đưa ra cách ứng xử đúng đắn, chuẩn mực nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.
Em Nguyễn Nhân Phú (học sinh lớp 8H, Trường THCS Lê Bình, TP Hà Tĩnh) cho biết: "Rất nhiều tiểu phẩm khiến em xúc động, tiêu biểu như "Bố của con" của đội TX Kỳ Anh. Câu chuyện về người bố hy sinh thầm lặng, làm nhiều công việc nặng nhọc để kiếm tiền nuôi sống gia đình, lo cho con cái học hành... khiến em không kìm được nước mắt. Mỗi tiểu phẩm là một tình huống xẩy ra trong cuộc sống, tuy em chưa gặp phải nhưng đã thấy đâu đó ở các gia đình hàng xóm, láng giềng, người quen... Xem hội thi, em cảm thấy yêu quý gia đình mình nhiều hơn và có thêm nhiều hiểu biết về cách ứng xử đúng mực đối với bố mẹ, ông bà, người thân trong gia đình".
Đánh giá kết quả của Hội thi "Tìm hiểu kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình tỉnh Hà Tĩnh năm 2024", bà Lê Thị Loan - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng ban Tổ chức hội thi cho biết: "Thành công của Hội thi lần này là kết quả tổng hợp của sự chỉ đạo sâu sát tích cực và đầy trách nhiệm của lãnh đạo các cấp; sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình của tỉnh tỉnh và các địa phương. Đặc biệt là sự hưởng ứng tham gia tích cực của các đội, các thành viên của các câu lạc bộ gia đình ở 13 huyện, thị xã, thành phố...".
Trước đó, từ tháng 3/2024, sau khi Sở VH-TT&DL phát động, hội thi đã được các cấp, ngành địa phương hưởng ứng sôi bằng nhiều hình thức thiết thực. Trong đó, toàn tỉnh có 4 địa phương tổ chức hội thi cấp xã gồm: Hương Sơn, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân; 3 địa phương tổ chức hội thi cấp huyện gồm: TX Hồng Lĩnh, huyện Lộc Hà (tổ chức theo hình thức sân khấu hóa), huyện Hương Khê (tổ chức theo hình thức trực tuyến). Các địa phương còn lại, tổ chức lồng ghép tuyên truyền về hội thi trong các chương trình, sự kiện của địa bàn. Bằng các hình thức khác nhau, hội thi đã trở thành đợt sinh hoạt học tập văn hóa gia đình sôi nổi và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống Nhân dân ở các địa phương. Qua đó, giúp mỗi người dân nâng cao nhận thức về những giá trị, chuẩn mực văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt; góp phần xây dựng con người Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển thời kỳ mới.
Tiếp tục lan tỏa các thông điệp gia đình
Mặc dù hội thi cấp tỉnh đã khép lại nhưng các nội dung, thông điệp về "giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình" vẫn còn ngân vang trong tâm thức của mỗi người dân. Đối với nhiều địa phương, công tác tuyên truyền về các giá trị gia đình Việt, xây dựng gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng... sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, huyện Nghi Xuân sẽ tiếp tục tổ chức hội thi "Tìm hiểu kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình" ở cấp xã, thị trấn.
Ông Phan Văn Lĩnh - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nghi Xuân cho biết: "Nhằm thực hiện Nghị quyết số 18 -NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới, theo sự chỉ đạo của huyện, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức hội thi ở cơ sở. Trong đó, bên cạnh các kiến thức, tiêu chí chung, chúng tôi bổ sung vào hội thi các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa truyền thống mang bản sắc con người Nghi Xuân".
Đối với TX Kỳ Anh việc xây dựng các tiết mục cũng không dừng lại ở việc tham gia hội thi cấp tỉnh mà còn phục vụ cho việc tuyên truyền trong thời gian tới.
Nghệ nhân Lê Quyết Diễn (cán bộ văn hóa xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) cho biết: "Khi được thị xã giao xây dựng chương trình, nhất là phần thi tiểu phẩm, tôi đã trăn trở rất nhiều. Bởi, nhiệm vụ không dừng lại ở hội thi mà quan trọng tác phẩm sẽ còn phục vụ việc tuyên truyền công tác gia đình ở cơ sở trong thời gian tới. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài vừa có thông điệp sâu sắc, thể hiện rõ ràng các nội dung về giá trị gia đình nhưng cũng phải gần gũi đời sống, nhất là phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương".
Cùng với thành công từ Hội thi "Tìm hiểu kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình toàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024" và sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, tin tưởng các giá trị gia đình Việt sẽ tiếp tục được đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức cho các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần hoàn thiện nhân cách, xây dựng con người Hà Tĩnh trong thời đại mới.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ngan-vang-gia-tri-gia-dinh-viet-post272607.html