Ngang qua trường cũ

Trong bao nhiêu ký ức về làng, tôi vẫn còn giữ nguyên cảm giác xuyến xao khi nghĩ về trường cũ. Với tôi, những năm tháng miệt mài trường làng, ngoài chữ nghĩa, còn ghi dấu những yêu thương đến tận sau này.

Đó là một điểm trường lẻ được tận dụng từ trụ sở HTX cũ. Bên cạnh trường là khoảng vườn đầy cây tạp của ông lão bị tật ở chân. Chen chúc phía dưới là loài rau bọng giếng và cây bông giề đua nhau xâm lấn. Còn lại là những cây ổi sẻ ruột đỏ và cây gòn cao lớn.

Chỉ cần đến giờ ra chơi, chúng tôi háo hức chạy về phía khu vườn với những hân hoan khó tả. Sau cơn mưa đêm, khu vườn đầy hơi sương ẩm lạnh, tôi nhặt những quả ổi vỏ chín vàng ươm ngọt lịm mà lũ dơi vội vã làm rơi lại đêm qua. Những cây ổi trong vườn quanh năm cho quả nhỏchỉ bằng ngón chân cái song căng bóng và thơm cả một khoảng trời. Có lẽ chúng đã quá cỗi già và phải chắt chiu cật lực mới cho ra được mùa quả con con như thế.

Ông lão thường ngồi nhóm bếp từ những thanh củi mục ẩm trong vườn nên lúc nào cũng um um khói. Có hôm ông lão dậy từ tinh mơ sáng, nhặt hết những quả ổi vàng bỏ trong chiếc rá đan bằng cật tre để trên thềm bếp sẵn cho chúng tôi.

Tôi nhớ năm ấy mùa mưa đến sớm. Mới tháng mười lũ đã về. Buổi sáng đến lớp trời còn mưa nhỏ nhưng non nửa buổi mưa như thác đổ. Nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt, tràn cả qua cánh đồng trũng thấp. Những đứa nhà gần, lũ lượt đội áo tơi ra về, còn nhà tôi bên kia cánh đồng trũng, nước đã lên cao qua gối của người lớn, phải chờ nước rút mới qua, cô giáo dẫn tôi sang khu đất cao hơn bên nhaồng lão cho an toàn.

Tôi ngồi co ro trong gian bếp, hơ đôi bàn tay sưởi ấm trong không gian đầy khói ám và dù bụng đói tôi vẫn nhất quyết không chịu ăn món canh nấm cối trắng vì chúng có mùi lá mục. Ông lão đội mưa đi khắp khu vườn nhặt những quả ổi cuối cùng còn sót lại mà không bị hư thối sau những ngày mưa kéo dài và đào những củ bông giề trong đất nhão để nấu chín cho tôi.

Năm cuối cùng của bậc tiểu học trong ngôi trường mái ngói rêu phong ấy, tôi đã không còn hứng thú với việc tan giờ chạy loanh quanh trong khu vườn hái quả nữa mà cẩn thận rút từng búp bông giề vừa đâm lên sau tiết trời thu vừa chuyển, để dành nơi gian bếp cho ông lão. Ông lão lúc này bỗng trở nên lẩn thẩn, dù nắng hay mưa vẫn cầm một mảnh áo tơi cũ, phe phẩy rong ruổi khắp làng. Có bận mấy hôm liền ông đi lang thang chẳng nhớ đường về khu vườn. Có khi ghé về lại đứng ngẩn ngơ trước cửa lớp, nhìn đám học trò chạy nhảy quanh cái sân đất nhỏ nối liền với mảnh vườn rồi lại đi. Tan học, tôi ngồi chán chê một mình bên hiên nhà đắp bằng đất trộn bùn rơm xiêu vẹo, nhìn rổ bông giề héo rũ bỏ qua mấy ngày cùng gian bếp lạnh tăm rồi cắp cặp ra về vừa đi vừa khóc.

Rồi cũng đến lúc tôi rời ngôi trường mái ngói đầy rêu xanh ấy đến phân trường mới ngay trung tâm xã khi vừa chuyển cấp. Những ngày đầu nhận lớp, tôi ngơ ngẩn nhớ khung cửa sổ trông ra khu vườn cây tạp và luôn nung nấu ý định sẽ có lúc chạy về thăm ông lão. Nhưng rồi lớp mới bạn mới cùng bao điều mới hơn đã cuốn tôi theo và quên đi dự định ban đầu.

Năm tháng đổi dời rồi bao nỗi áo cơm càng đẩy đưa tôi đi xa làng tít tắp. Thi thoảng trên đường phố đông đúc, gặp được một người làng mà lòng thảng thốt như gặp lại cố hương. Rồi chỉ kịp nắm chặt tay, hỏi han vài điều về nơi xưa chốn cũ để rồi càng rưng rưng nhớ. Quê hương thay đổi từng ngày. Học trò bây giờ được học ở những điểm tập trung theo từng cấp với trường lớp khang trang hơn xưa gấp bội. Ngôi trường rêu phong phía bên kia cánh đồng trũng từ lâu đã không còn nữa.

Chiều nay về ngang qua chốn cũ, nhớ trường xưa cùng đám bạn chỉ chờ giờ ra chơi quẩn quanh trong khu vườn tìm quả ngọt. Chợt lòng ngổn ngang ký ức về mái trường xưa rêu phong loang lổ, nhớ khung cửa lớp trông ngang là chái bếp um um khói của ông lão năm nào. Và giá như tôi từng ăn với ông lão bát canh nấm cối có mùi lá mục, vì đó cũng chính là vị của khu vườn mưa ẩm năm nào.

NGUYÊN HẬU

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/320236/ngang-qua-truong-cu.html