Ngành bán lẻ toàn cầu phục hồi và phân hóa

Ngành bán lẻ đang chứng kiến quá trình phục hồi phân hóa – khi một số mô hình kinh doanh phát triển mạnh thì một số mô hình khác vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Ảnh: Shutterstock.

Ảnh: Shutterstock.

Bán lẻ - một phân khúc kiên cường

Theo Savills, các nhà bán lẻ toàn cầu đã chứng minh khả năng thích nghi linh hoạt và sức bền bỉ đáng kinh ngạc trong hai thập kỷ qua. Tăng trưởng thương mại điện tử, khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại dịch, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thời tiết cực đoan và bất ổn địa chính trị – tất cả đều từng đe dọa ngành bán lẻ. Tuy nhiên, ngành này vẫn điều chỉnh để thích ứng, thậm chí còn tăng trưởng mạnh ở một số thị trường.

Làn sóng đóng cửa cửa hàng được dự đoán từ lâu đã không trở thành hiện thực. Thay vào đó, khi giá thuê được tái thiết lập, nhiều nhà bán lẻ đang mở rộng mạng lưới cửa hàng. Điều này khiến giá thuê tăng trở lại tại nhiều vị trí đắc địa. Kết quả là các nhà đầu tư bất động sản lớn trên thế giới đang bắt đầu xem lại phân khúc mà họ từng xem là “vùng cấm" trong một thời gian dài.

Bắc Mỹ là ví dụ điển hình cho xu hướng phục hồi này. Theo Placer.ai, lượt khách đến các trung tâm thương mại tại Mỹ trong năm 2024 tăng khoảng 1,5% so với năm 2023 và tăng 7,3% so với năm 2019.

Savills cho biết, các nhà bán lẻ đã thể hiện khả năng chống chịu ấn tượng khi đối mặt với biến động kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ tại Mỹ hiện ở mức thấp kỷ lục, ở mức 4,7%. Tất cả các ngành hàng đều có nhu cầu cao – từ cửa hàng giá rẻ, làm đẹp, thể thao, hàng xa xỉ cho đến thể thao và thời trang – đã thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, một số thương hiệu quốc tế đang tạm dừng hoặc giảm tốc kế hoạch mở rộng tại Mỹ do biến động toàn cầu ngày càng gia tăng và chuyển hướng sang Canada để mở rộng thị trường.

Tại hội nghị Big Show của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) tổ chức ở New York vào tháng 1/2025, lãnh đạo của các thương hiệu như Lululemon, Foot Locker và Sephora đã công bố kế hoạch mở rộng toàn cầu. Một tín hiệu đáng chú ý khác là Unibail-Rodamco-Westfield – tập đoàn bất động sản lớn – đã khai trương trung tâm thương mại tại dự án phức hợp HafenCity với quy mô lớn tại Hamburg, Đức vào tháng 4/2025.

Nhu cầu thuê mặt bằng từ các nhà bán lẻ đang thúc đẩy làn sóng đầu tư và phát triển mới. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể vẫn còn phức tạp. Không phải nhà bán lẻ nào cũng vượt qua được các thách thức đã đối mặt, và không phải loại hình bất động sản bán lẻ nào cũng miễn nhiễm với các xu hướng đang định hình lại thị trường.

Tại Bắc Mỹ, các thương hiệu như Bed Bath & Beyond, Big Lots, Joann, Hudson’s Bay Company và Forever 21 đều đã nộp đơn phá sản, một số sau đó được mua lại, một số thì không. Ông Steve Sadove, cựu CEO của Saks Fifth Avenue nhận định tại Hội nghị NRF Big Show: “Điều rõ ràng là thị trường đang phân hóa giữa người thắng và kẻ thua. Nhưng quan điểm cho rằng cửa hàng bán lẻ vật lý đã chết và hoàn toàn bị thay thế bởi thương mại điện tử là sai lầm".

Cơ hội từ cửa hàng vật lý

Theo Savills, thách thức lớn nhất hiện nay đối với toàn ngành là sự bất định của kinh tế và địa chính trị toàn cầu – những yếu tố ngoài tầm kiểm soát, dù là với các nhà bán lẻ hay nhà đầu tư bất động sản chủ động nhất.

Về tổng thể, bối cảnh vĩ mô vẫn đang hỗ trợ phân khúc bán lẻ: lãi suất giảm, tỷ lệ thất nghiệp thấp tại nhiều quốc gia, niềm tin tiêu dùng dần cải thiện, du lịch toàn cầu phục hồi, giá thuê và định giá tài sản bán lẻ được tái thiết lập mức hợp lý hơn. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2025 tiếp tục chứng kiến thêm nhiều biến động.

Những thách thức chuỗi cung ứng trước đây đã buộc các nhà bán lẻ phải củng cố năng lực logistics, chuyển hướng chuỗi cung ứng về gần hoặc đa dạng hóa nguồn cung, đồng thời ứng dụng công nghệ để tối ưu hiệu quả vận hành. Sự phổ biến của thương mại điện tử đã thúc đẩy mô hình tích hợp đa kênh, trong đó cửa hàng không chỉ là điểm bán, mà còn là nơi trưng bày, xử lý đơn hàng và điểm đổi trả. Nhiều thương hiệu cũng đang tìm kiếm nguồn doanh thu mới, chẳng hạn như bán không gian quảng cáo trên màn hình và hệ thống âm thanh tại cửa hàng. Vì vậy, đầu tư vào cửa hàng vật lý ngày càng được xem là một cơ hội đầu tư tiềm năng.

Không ít nhà bán lẻ đã chứng minh khả năng thích nghi trong môi trường thương mại thay đổi liên tục. Những thương hiệu ít tên tuổi hơn có thể tận dụng sự xáo trộn của thị trường để vượt lên các tên tuổi đã có, trong khi các thương hiệu thuần kỹ thuật số như Gymshark lại nhìn thấy cơ hội thử nghiệm cửa hàng thực. Thương hiệu đồ thể thao đến từ Anh này đã mở nhiều cửa hàng tại Anh, trong đó có một cửa hàng trên phố Regent (London), và đang triển khai mở thêm tại Dubai, Amsterdam và New York.

Bình Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-ban-le-toan-cau-phuc-hoi-va-phan-hoa-post373512.html