Ngành bảo hiểm kỳ vọng vào năm mới

Ngành bảo hiểm Việt Nam vừa trải qua năm 2024 đầy sóng gió, khi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng truyền thông còn chưa qua đi thì lại hứng chịu thêm 'cú bồi' bão lũ. Tuy vậy, những thách thức đó cũng là cơ hội để ngành thay đổi toàn diện và vững vàng hơn trong năm 2025 cũng như các năm tới.

Nhận thức về bảo hiểm của người dân ngày càng được nâng cao.

Nhận thức về bảo hiểm của người dân ngày càng được nâng cao.

Cuộc khủng hoảng niềm tin về việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) hồi giữa năm 2022 khiến người dân vốn chưa quan tâm nhiều đến bảo hiểm lại càng trở nên e dè hơn. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chịu ảnh hưởng rất nặng nề, trong khi kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng của khối phi nhân thọ cũng bị vạ lây.

Năm 2024 là năm nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ kỳ vọng vào một sự phục hồi mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn trước đó, thế nhưng “siêu bão” Yagi (cơn bão số 3) bất ngờ ập đến khiến kỳ vọng này nhanh chóng tan biến. Bước sang quý III/2024, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận kết quả kinh doanh đảo chiều so với dự đoán lạc quan từ đầu năm.

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, lần đầu tiên doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng dương trở lại trong quý III/2024 sau 5 quý đi lùi liên tục cho thấy triển vọng của thị trường về cuối năm 2024, dù cho mức tăng còn rất khiêm tốn.

Thống kê sơ bộ của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính cho thấy, 11 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 204.109 tỷ đồng, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 71.905 tỷ đồng, tăng 13,02%; doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ ước đạt 132.204 tỷ đồng, giảm 5,5%. Trong 11 tháng qua, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.368 tỷ đồng, tăng 17,13%; trong đó khối phi nhân thọ ước đạt 20.931 tỷ đồng và khối nhân thọ ước đạt 65.437 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm 11 tháng qua phản ánh thực tế thị trường vẫn đang bị bủa vây bởi cả khó khăn cũ và mới. Tuy nhiên, trong bức tranh còn nhiều gam màu xám thì vẫn có những điểm sáng.

Với khối nhân thọ, dù chưa tăng trưởng trở lại nhưng mức giảm đã hạn chế rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2023 (doanh thu phí bảo hiểm giảm hơn 40% - theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính). Các doanh nghiệp khối này kỳ vọng bước vào giai đoạn phục hồi toàn diện bắt đầu từ năm 2025 và sẽ tập trung vào việc mở rộng kinh doanh một cách hiệu quả.

Đối với khối phi nhân thọ, vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế cũng như sự tác động của cơn bão số 3 - cơn bão lớn nhất trong 60 năm trở lại đây, các doanh nghiệp khối này vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Theo ông Trần Hoài An - Tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC), bão Yagi mặc dù gây ra những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, nhưng cũng góp phần khẳng định vai trò của bảo hiểm trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả cộng đồng trước rủi ro thiên tai và các rủi ro khác trong cuộc sống.

Với việc nhận thức của khách hàng về lợi ích của bảo hiểm ngày càng được nâng cao, ngành bảo hiểm có thể kỳ vọng vào sự đột phá trong năm 2025 và những năm tới.

“Để tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm, kỳ vọng khung pháp lý và các cơ chế, chính sách cần tiếp tục có sự đồng bộ hơn nữa, quy định rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ và vận dụng để phát triển hoạt động kinh doanh. Theo đó, lĩnh vực phi nhân thọ sẽ tiếp tục tiến bước mạnh mẽ, tối thiểu duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung”, ông An nói.

Ngọc Lan

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nganh-bao-hiem-ky-vong-vao-nam-moi-post360876.html