Ngành Bảo hiểm: Xã hội rất cần nhưng người học lại chưa mấy 'mặn mà'

Sự khác biệt trong CTĐT ngành Bảo hiểm của Trường ĐH Mở TPHCM là người học được bổ sung thêm kiến thức về hoạch định cá nhân, ...

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11/2023, thị trường bảo hiểm có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Không những vậy, tổng số doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế cũng có xu hướng tăng, ước đạt 762.580 tỷ đồng (tăng 12,78% so với cùng kỳ năm trước). [1]

Đứng trước sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm như vậy, có thể thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng đội ngũ nhân lực làm về lĩnh vực Bảo hiểm tất yếu cũng đang tăng cao. Do đó, nhận thức được nhu cầu của thị trường lao động và xã hội, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyển sinh ngành Bảo hiểm từ năm 2024.

Xã hội rất cần đội ngũ nhân lực Bảo hiểm được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp

Chia sẻ về tầm quan trọng của ngành Bảo hiểm trong bối cảnh hiện nay với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hoàng Thạch, Phó trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, Bảo hiểm là ngành đang có sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng ở nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng, công ty bảo hiểm và doanh nghiệp có sử dụng nhân lực có liên quan.

Có thể thấy rằng, khi cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện, tất yếu nhu cầu hoạch định cho tương lai (bao gồm những hoạt động phòng ngừa rủi ro trong tương lai đối với cá nhân, gia đình, hoạt động phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong tương lai) cũng gia tăng.

Thực tế này đã và đang đòi hỏi những doanh nghiệp cung cấp hoạt động, dịch vụ về bảo hiểm, quỹ hưu trí, ngân hàng, … cần thiết phải có đội ngũ nhân sự có kiến thức tài chính, bảo hiểm và hoạch định tài chính cá nhân chuyên sâu. Bởi, khi có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp về lĩnh vực bảo hiểm như vậy, họ có thể phát triển sản phẩm, thực hiện hoạt động quản lý, nghiệp vụ có liên quan như quản lý hợp đồng, hoạt động phòng vệ hoặc nghiệp vụ liên quan đến bồi thường, …

 Sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học (Ảnh: NTCC).

Sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học (Ảnh: NTCC).

Không những vậy, đối với khách hàng doanh nghiệp, các hoạt động giao thương thường có xu hướng gia tăng hoạt động phòng chống rủi ro cho sản phẩm/dịch vụ của mình.

Do đó, những doanh nghiệp cung cấp các nghiệp vụ bảo hiểm cũng rất cần một đội ngũ nhân lực có kiến thức và nắm rõ quy trình liên quan. Đây sẽ là bộ phận làm việc trực tiếp với đại lý bảo hiểm, chuyên viên tư vấn tài chính và khách hàng. Vậy nên, kiến thức và kỹ năng đối với đội ngũ này cần được đào tạo chuyên sâu, phù hợp với quy định hiện hành của Việt Nam và thông lệ trên thế giới.

Hơn nữa, theo thầy Thạch, Bảo hiểm vốn là một ngành truyền thống, đã xuất hiện từ khá lâu trên thế giới. Ở nước ta, ngành Bảo hiểm đã được đào tạo nhiều năm nay tại một số cơ sở giáo dục đại học như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lao động xã hội và Học viện tài chính.

Đáng nói, số lượng cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành Bảo hiểm còn ít như vậy nhưng nhu cầu về nhân lực của ngành hiện nay lại rất cao.

Thầy Thạch cho hay, theo khảo sát của TopCV - Công ty công nghệ nhân sự hàng đầu Việt Nam, trong năm 2023, nhu cầu tuyển mới từ những công ty bảo hiểm đang chiếm tỷ lệ cao nhất, có doanh nghiệp lên tới 36%. Trong khi đó, theo đánh giá của Bộ Tài chính, nguồn nhân lực hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm có tới 83% là được đào tạo tại doanh nghiệp (đào tạo ngắn hạn) để đáp ứng kịp thời nhu cầu doanh nghiệp.

Đứng trước nhu cầu tuyển dụng của các công ty bảo hiểm có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây như vậy, Khoa Tài chính - Ngân hàng thuộc Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình này. Năm 2024 là năm đầu tiên Nhà trường tuyển sinh và đào tạo ngành học Bảo hiểm.

Và để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, chương trình đào tạo ngành Bảo hiểm bậc cử nhân của Nhà trường được xây dựng theo hướng chú trọng đến phát triển kiến thức và kỹ năng chuyên sâu. Qua đó, giúp cho người học nắm rõ những vị trí công việc và quy trình làm việc sau khi ra trường.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo bậc cử nhân ngành Bảo hiểm của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng với một khung kiến thức gói gọn liên quan đến hoạt động nghiệp vụ. Đơn cử như quản lý bồi thường và một số nghiệp vụ, từ đó nhằm giúp cho người học có thể tiếp cận nhanh chóng với công việc sau khi ra trường bên cạnh kiến thức về các loại hình bảo hiểm và hoạt động quản trị rủi ro.

Thầy Thạch cho hay, sự khác biệt trong chương trình đào tạo ngành Bảo hiểm của Nhà trường so với các đơn vị khác là người học được bổ sung thêm kiến thức về hoạch định cá nhân. Việc làm này nhằm cung cấp một kiến thức toàn diện cho sinh viên.

Như vậy, ngoài kiến thức về các loại hình bảo hiểm, nghiệp vụ liên quan, kiến thức về hoạch định tài chính cá nhân, người học sẽ hiểu rõ hơn về vai trò tư vấn tài chính ở góc độ chuyên nghiệp gắn liền với nhu cầu phát triển hiện nay của những doanh nghiệp bảo hiểm.

Với định hướng đào tạo như vậy, thầy Thạch thông tin, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm chuyên viên tư vấn đầu tư, chuyên viên quản lý tài sản cá nhân, chuyên viên quản lý bồi thường, giám định hay làm việc tại đại lý bảo hiểm, ...

Mức thu nhập sau khi ra trường của người học cũng phụ thuộc vào 2 nhóm công việc. Đối với nhóm văn phòng, mức thu nhập khởi điểm hiện nay nếu làm việc tại doanh nghiệp bảo hiểm dao động từ khoảng 10-25 triệu đồng/tháng (đối với chuyên viên định phí thì mức thu nhập này còn cao hơn nữa do tính đặc thù và yêu cầu cao về khả năng tính toán).

Đối với đội ngũ giảng viên, đến thời điểm hiện tại, Khoa đã đào tạo và tuyển dụng những người có chuyên môn liên quan đến Bảo hiểm, Quản trị rủi ro và Hoạch định tài chính cá nhân được đào tạo tại nước ngoài nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy cũng như yêu cầu mở ngành và duy trì ngành.

Còn tồn tại những nhận định sai lệch về ngành học Bảo hiểm

Cũng theo thầy Thạch, khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo ngành Bảo hiểm hiện nay là xã hội đang có những nhận định sai lệch về việc học tập ngành này là chỉ liên quan đến công việc bán bảo hiểm.

Trên thực tế, nhiều đại lý bảo hiểm hiện nay được huấn luyện ngắn hạn các thông tin/sản phẩm để thực hiện hoạt động tư vấn, bán bảo hiểm. Chính việc này đã dẫn đến thực trạng nhiều người có cái nhìn sai lệch về ngành học Bảo hiểm và khiến số lượng thí sinh nộp đơn đăng ký ngành còn ít. Trong khi đó, người học ngành này được đào tạo chuyên sâu để ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào những quy trình, nghiệp vụ của lĩnh vực Bảo hiểm.

 Sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học (Ảnh: NTCC).

Sinh viên Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ học (Ảnh: NTCC).

Do vậy, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cũng như cơ hội nghề nghiệp từ các doanh nghiệp bảo hiểm về nhân lực được đào tạo chuyên sâu, Khoa Tài chính- Ngân hàng đã tổ chức những buổi chia sẻ, thảo luận trực tuyến đến thí sinh quan tâm.

“Hiện nay, hoạch định tài chính trong tương lai đối với từng cá nhân hoặc hộ gia đình đang được xem là một mục tiêu chính, trong đó có những hoạt động tham gia bảo hiểm nhằm hạn chế áp lực về tài chính trong tương lai nếu như có vấn đề nào xảy ra.

Vì vậy, việc xã hội nhận diện đúng các hoạt động của ngành cũng như định hướng tốt cho con em mình sẽ giúp cho chương trình đào tạo ngành Bảo hiểm có thể mở rộng và phát triển hơn. Từ đó cung cấp được nguồn nhân lực có chất lượng cao, có kiến thức cập nhật phù hợp với sự phát triển ngành nghề có liên quan”, thầy Thạch nhấn mạnh.

Để đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, Khoa đã khảo sát ý kiến từ phía doanh nghiệp khi xây dựng chương trình đào tạo ngành Bảo hiểm.

Qua đó, thầy Thạch đưa ra lời khuyên rằng, người học nên hoạch định kế hoạch học tập của mình và hiểu rõ quy trình, sản phẩm để có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Hơn nữa, cần xác định rõ công việc tại công ty bảo hiểm và đại lý bảo hiểm là khác biệt.

Tại đại lý, người lao động chỉ cần nắm rõ các sản phẩm bảo hiểm và họ có thể tuyển nhiều đối tượng khác nhau, thực hiện huấn luyện trong ngắn hạn. Thế nhưng, tại công ty bảo hiểm sẽ có hai đối tượng là bộ phận văn phòng thực hiện nghiệp vụ liên quan đến xây dựng sản phẩm, thẩm định và công việc quản lý hợp đồng, quản lý bồi thường.

Ngoài ra, theo thầy Thạch, các bạn trẻ cũng cần phải xác định rõ tính cách và năng lực của cá nhân để lựa chọn ngành nghề cho phù hợp, giúp bản thân xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp trong tương lai phù hợp với xu thế phát triển.

Đơn cử, đối với ngành Bảo hiểm, người học cần có yêu cầu cao về chuẩn mực nghề nghiệp cũng như khả năng giao tiếp tốt. Vì vậy, các em phải tìm hiểu kỹ những nội dung đào tạo, có đánh giá khách quan hơn liên quan đến ngành mình sẽ học; hiểu rõ hơn về ý nghĩa, cơ hội việc làm và khả năng phát triển trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai-chinh?dDocName=MOFUCM295402

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nganh-bao-hiem-xa-hoi-rat-can-nhung-nguoi-hoc-lai-chua-may-man-ma-post244654.gd