Ngành BHXH 'bắt tay' với địa phương đưa hàng chục nghìn người vào hệ thống an sinh
Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương trong việc kết hợp tuyên truyền, vận động với ngành bảo hiểm xã hội đã giúp thêm hàng chục nghìn người tham gia và hưởng lợi từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.
Chị Trần Thị Ngọc Quyên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đức Lĩnh (Vũ Quang, Hà Tĩnh) làm nhân viên thu bảo hiểm xã hội (BHXH) được gần 10 năm. Chị cho hay, trải qua nhiều thăng trầm trong công việc, đến nay, chị đã giúp hàng nghìn người tiếp cận, hưởng lợi từ các chính sách an sinh xã hội. Bình quân mỗi năm, chị vận động được 300 người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, chị đã vận động được 235 người tham gia BHXH tự nguyện.
Không thể thiếu vai trò của địa phương
Bí quyết của chị Quyên trong vận động phát triển BHXH là kết hợp với cán bộ chính quyền địa phương. Vừa qua, chị đến thôn Cừa Lĩnh để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.
Chị chia sẻ: “Vật bất ly thân của tôi trong mỗi lần đi tuyên truyền là tờ rơi về các loại hình BHXH. Tờ rơi sẽ giúp người dân dễ hình dung hơn về những nội dung mà tôi cung cấp. Đồng thời, tôi đã có cuộc trao đổi với Giám đốc BHXH huyện Vũ Quang, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh và chuyên quản BHXH tại địa bàn. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của xã Đức Lĩnh là 95%; tỷ lệ bao phủ BHXH (gồm BHXH tự nguyện và bắt buộc) là 35%. Dù đã cao hơn nhiều so với toàn huyện (20,5%) nhưng dư địa còn rất lớn”.
Trong suốt quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT, chị Quyên luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, sâu sát của lãnh đạo xã. “Bên cạnh việc không ngừng tìm hiểu cách làm hay, sáng tạo thì chính từ những cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh Nguyễn Xuân Thê, tôi cũng tìm thêm được những cách làm phù hợp với địa phương”, chị nói.
Cuộc sống của người dân miền núi Vũ Quang còn nhiều khó khăn, không phải ai cũng có thể dễ dàng tham gia BHXH tự nguyện. Vì thế, sau khi tuyên truyền, chị Quyên còn phối hợp với các hội, đoàn thể, tổ liên gia, tùy tình hình thực tế mỗi nơi, có thể xây dựng mô hình để người dân chia sẻ, hỗ trợ nhau tạo nguồn để tham gia.
“Làm thế nào để người dân thực sự tự nguyện tham gia BHXH, BHYT là điều tôi luôn tâm đắc trong quá trình tuyên truyền, vận động. Chỉ khi họ chủ động, tự nguyện thì việc tham gia mới bền vững. Dĩ nhiên, không phải buổi tuyên truyền nào cũng thu được kết quả ngay mà có thể sau đó, người dân tiếp tục tìm hiểu và tìm đến tôi để làm thủ tục tham gia”, chị Quyên cho biết.
Hiện nay, chị Quyên có hệ thống cộng tác viên khá hùng hậu với 30 người là cán bộ các hội, đoàn thể ở các thôn, tổ liên gia. Đây là lực lượng giúp chị cập nhật nhanh nhất thông tin của người tham gia cũng như kịp thời chia sẻ những khó khăn với họ.
Có thêm nguồn lực hỗ trợ từ địa phương
Qua câu chuyện của chị Quyên có thể thấy vai trò của lãnh đạo địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển BHXH. Ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu - sổ thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết, bản thân ngành BHXH sẽ không thể làm được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền các địa phương.
Ông cho biết, BHXH Việt Nam đã tích cực tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển người tham gia bảo hiểm, bởi đây là một trong những nhiệm vụ đã được nêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW, không phải chỉ là trách nhiệm của ngành BHXH.
Hiện, có 57/63 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH theo Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ, 62/63 tỉnh đưa chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định số 546/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương tại nghị quyết của tỉnh. 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó ban chỉ đạo đã xây dựng quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo lĩnh vực phụ trách.
“Ở cấp tỉnh đã có 40 chủ tịch UBND trực tiếp làm trưởng ban, nên hiệu lực và hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, bao gồm cả các nội dung về thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền, vận động rất hiệu quả”, ông Hào thông tin.
Cũng theo ông Hào, các địa phương đã tích cực hỗ trợ thêm kinh phí đóng cho người tham gia BHXH, BHYT từ nguồn ngân sách địa phương. Theo thống kê, hiện nay có 14 tỉnh có hỗ trợ thêm kinh phí đóng BHXH tự nguyện.
Có địa phương còn áp dụng mức hỗ trợ 1/1, nghĩa là ngân sách trung ương hỗ trợ bao nhiêu thì ngân sách địa phương cũng hỗ trợ tương ứng. Chẳng hạn như tại Hà Nội, mức hỗ trợ của địa phương cho người thuộc hộ nghèo là 30% mức đóng, cận nghèo là 25%, đối tượng khác là 10% nên với mức hỗ trợ thêm này, người dân chỉ phải đóng với một mức rất thấp.
Về hỗ trợ cho đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, ông Hào cho biết, theo quy định, người cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí đóng BHYT, nhưng đã có tới 57/63 địa phương hỗ trợ thêm, có những địa phương hỗ trợ thêm 30% kinh phí đóng nên người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT do được ngân sách trung ương và ngân sách địa phương hỗ trợ.
Trong việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình, ngoài mức ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, có 26 địa phương hỗ trợ thêm nhiều địa phương hỗ trợ thêm 20%, có địa phương hỗ trợ thêm 30% mức đóng…
Phấn đấu 45% dân số tham gia BHXH vào năm 2025
Mới đây, BHXH Việt Nam đã có công văn gửi ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị tiếp tục phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo thống kê, đến hết ngày 31/7/2023, số người tham gia BHXH, BHTN lần lượt đạt khoảng 36,8%, 30,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT đạt khoảng 92,3% dân số.
Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, số người tham gia BHXH, BHTN lần lượt đạt khoảng 45%, 35% lực lượng lao động trong độ tuổi, trên 95% dân số tham gia BHYT, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đề nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố tiếp tục đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT vào Nghị quyết của từng cấp ủy các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Coi việc hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là tiêu chí để xem xét khen thưởng, đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, cần kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, do Chủ tịch UBND làm trưởng ban chỉ đạo. Quy định rõ trách nhiệm, mối quan hệ công tác của từng thành viên trong việc chỉ đạo, triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT, ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi chính sách BHXH, BHYT…
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường chức năng giám sát, tuyên truyền vận động các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.
Có thể khẳng định, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHXH, BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Thời gian tới, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT vẫn tiếp tục cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.