Ngành bia, sữa gặp khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao
Bộ Công thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp tháng 9 và chín tháng năm 2023 của Bộ Công thương thể hiện, trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước.
Theo S&P Global, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 9 đạt 49,7 điểm, giảm trở lại dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng trước.
Qua đó cho thấy điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm mặc dù mức suy giảm là nhỏ.
Trong chín tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), tăng 0,3% và kể từ đầu năm đây là lần đầu tiên IIP đạt mức tăng trưởng dương.
Đáng chú ý, một số ngành sản xuất công nghiệp trọng điểm có IIP tăng. Cụ thể, ngành bia rượu nước giải khát trong chín tháng đầu năm, sản xuất bia các loại đạt 3.405 triệu lít, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ngành bia vẫn đang đối mặt với những khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào như malt, đường vẫn ở mức cao.
Ở chiều ngược lại, IIP của một số ngành giảm.
Ngành sữa, trong chín tháng đầu năm nay sản xuất sữa bột đạt 96,8 ngàn tấn, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, giá sữa nguyên liệu, đường nhập khẩu phục vụ cho sản xuất vẫn ở mức cao trong khi sữa tươi nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 42% nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất, chế biến.
Cùng với đó, thức ăn chăn nuôi, giá cước vận chuyển tăng phi mã đã góp phần đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ngành điện tử, IIP của sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này có xu hướng ngày càng thu hẹp cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu của ngành.
Trong chín tháng đầu năm nay, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có sáu mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 62,2%).
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang nỗ lực hồi phục. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 41,19 tỉ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu lớn của nhóm hàng này là chủ yếu vẫn là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc.
Thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp.
Phối hợp với các bộ, ngành trong điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm việc cung ứng trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.
Giá gạo xuất khẩu tăng kỷ lục, đạt bình quân 553 USD/tấn
Chín tháng đầu năm 2023, thị trường trong nước tương đối ổn định.
Riêng thóc, gạo do ảnh hưởng của thị trường thế giới nên giá trong nước từ nửa cuối tháng 7 đến nay tăng cao nhưng nguồn cung vẫn được bảo đảm.
Giá hàng hóa xuất khẩu có xu hướng giảm trong đó một số hàng nông sản giá giảm ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái như hạt tiêu -25,1%, cao su -18,7%...
Một số ít mặt hàng đạt mức giá cao kỷ lục do nhu cầu tăng cao như cà phê tăng 9,9% bình quân 2.499 USD/tấn, gạo tăng 14% bình quân 553 USD/tấn.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-bia-sua-gap-kho-khan-do-chi-phi-san-xuat-tang-cao-post755192.html