Ngành cà phê nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU

Không chỉ nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu về chống mất rừng từ EU, ngành cà phê Việt Nam còn nghiêm túc đầu tư nâng cao chất lượng để tận dụng Hiệp định EVFTA.

EU là thị trường quan trọng của cà phê Việt

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 4,05 tỷ USD. Trong đó, EU là thị trường tiêu thụ lớn, chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước.

Xét về thị trường đơn lẻ, Đức, Italia và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là: 11,6%; 7,8% và 7,2%. Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,266 triệu tấn, trị giá 3,16 tỷ USD, giảm 7,3% về lượng, nhưng tăng 1,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

EU vẫn đang là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới. Niên vụ 2022-2023 (tính từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023), EU nhập khẩu 47,5 triệu bao cà phê (mỗi bao 60 kg), tăng 3 triệu bao so với năm 2022; chiếm 40% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU gồm: Brazil chiếm 35%; Việt Nam chiếm 22%; Uganda chiếm 7%; Honduras chiếm 6%.

EU ưa chuộng cà phê Việt Nam

EU ưa chuộng cà phê Việt Nam

Ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, Nguyên Chủ tịch Vicofa cho biết, phía EU đã hợp tác với Việt Nam từ rất lâu. Tất cả những tập đoàn lớn của EU liên quan đến cà phê đều có mặt ở Việt Nam. Trước đây, họ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề trồng, chế biến theo cách chủ yếu là mua cà phê nhân chưa qua chế biến. Lúc đó thuế suất bằng 0 và họ bảo hộ phần chế biến.

Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê xuống đến 0% đã, đang và sẽ tạo điều kiện cho chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao được kim ngạch xuất khẩu” – ông Lương Văn Tự chỉ rõ. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất cà phê hiện nay hiện đại nhất là của EU. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, tất cả những nhà máy đầu tư vào cà phê hòa tan của Việt Nam đều phải nhập công nghệ của Đức và công nghệ của Đan Mạch mới đáp ứng được nhu cầu.

Hiện nay, để tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA nhằm xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp cà phê cũng phải đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Theo Vicofa, đối với Quy định của Nghị viện châu Âu về chống phá rừng và gây suy thoái rừng (EUDR), diện tích phá rừng và gây suy thoái rừng lấy thời điểm từ ngày 31/12/2020 trở lại đây, và thời gian cho doanh nghiệp lớn chuẩn bị là 18 tháng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 24 tháng. Đến ngày 01/01/2025, EU sẽ thực hiện giám sát các nước sản xuất đưa cà phê sang châu Âu, các sản phẩm cà phê trồng trên những diện tích phá rừng sẽ bị trả về.

Tại hội nghị “Tổng kết niên vụ cà phê 2022/2023 và phương hướng nhiệm vụ 2023/2024” diễn ra mới đây, PGS.TS. Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chủ rừng Việt Nam (VIFORA), cho rằng quy định EUDR mà châu Âu đưa ra không phải vì mục đích ngăn cản sản phẩm hàng hóa vào thị trường EU, mà họ mong muốn có được các sản phẩm sạch, đảm bảo hợp pháp, hướng tới sản xuất và thương mại bền vững. Do vậy, doanh nghiệp không nên xem đây là vấn đề thách thức mà cần xem đây là các vấn đề phải vượt qua.

Để đáp ứng việc này doanh nghiệp sẽ mất nhiều công sức và chi phí nhưng buộc phải làm thì mới có thể hòa nhập được vào thị trường quốc tế, khi đó, hàng hóa của Việt Nam mới có thể thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường EU.

Vicofa cho biết, đối với quy định của Nghị viện châu Âu về EUDR, Việt Nam là một trong những nước tham gia tích cực nhất trong việc thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường và bảo vệ thiên nhiên. Ngay từ tháng 4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức rất nhiều cuộc họp liên quan đến các địa phương, các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ bàn bạc tìm ra lộ trình để thực hiện theo EUDR.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vicofa, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp đã tổ chức triển khai khẩn trương để đến ngày 01/01/2025, kịp đi vào thực hiện EUDR, đặc biệt là Bộ chủ quản đã làm việc với EU về chống phá rừng, qua đó cho thấy thể hiện sự quyết tâm của Việt Nam trong việc làm tốt vấn đề này. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây không phải ở diện tích nhỏ hay lớn mà là Giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc như thế nào để được châu Âu chấp thuận vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Thực tế, ảnh hưởng của EUDR đối với vấn đề chống phá rừng lên cà phê Việt Nam là rất nhỏ. Nếu tính sau năm 2000, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam chỉ có khoảng 220 ha bị ảnh hưởng và chủ yếu tập trung ở tỉnh Đắk Nông.

Doanh nghiệp tích cực vào cuộc

Nhằm đóng góp tích cực vào sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR, tháng 11/2023, tại TP Pleiku (Gia Lai), Vĩnh Hiệp và Công ty JDE (Jacobs Douwe Egberts) tổ chức lễ khởi động dự án “Nâng cao năng lực, cơ hội tiếp cận nguồn lực hỗ trợ sản xuất cà phê cho cộng đồng người dân tộc bản địa; thúc đẩy sản xuất cà phê giảm phát thải khí nhà kính và tuân thủ EUDR trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Kon Tum” (Dự án).

Dự án có kinh phí 581.888 EUR (tương đương 16 tỷ đồng) được thực hiện trong thời gian 5 năm, tại các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Păh thuộc tỉnh Gia Lai và các huyện Đak Hà, Ngọc Hồi thuộc tỉnh Kon Tum.

Dự án hướng dẫn hỗ trợ cho khoảng 10.000 nông hộ sản xuất cà phê, nâng cao khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo hướng nông nghiệp tái sinh; thúc đẩy liên kết sản xuất và chuyển giao mô hình kỹ thuật tốt vào sản xuất; nâng cao nhận thức về quản lý tài chính nông hộ, tự chủ tài chính và bình đẳng giới, quyền của người lao động trong các nhóm liên kết sản xuất. Đồng thời, thực hiện giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất - kinh doanh cà phê và thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ cho đáp ứng quy định của châu Âu về sản xuất không phá rừng EUDR.

Phúc Sinh đầu tư công nghệ nâng cao năng lực chế biến cà phê

Phúc Sinh đầu tư công nghệ nâng cao năng lực chế biến cà phê

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group chia sẻ, EU là thị trường lớn nhất của Phúc Sinh, chiếm từ 45% đến 55% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Tuy vậy, ông cho rằng, khi EVFTA được thực thi, không chỉ doanh nghiệp Việt mà nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam cũng tận dụng việc giảm thuế từ Việt Nam sang châu Âu để xuất khẩu, do đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất nhiều trong cùng một mặt hàng xuất khẩu.

Nhằm tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, đã có nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư thiết bị để tăng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu sang EU. Ông Phan Minh Thông cho hay, Phúc Sinh đã đầu tư khá nhiều về chế biến sâu. Hiện tại, Phúc Sinh đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu gia vị hạt tiêu để có thể làm các sản phẩm trước đây bị đánh thuế bây giờ bằng 0 khi nhập vào châu Âu. Đó là các sản phẩm nghiền, các sản phẩm rang xay cũng như hòa tan để xuất khẩu vào châu Âu. Tỉ lệ hàng thành phẩm, hàng chế biến sâu của Phúc Sinh sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8% lên 22% trong vòng 3 năm qua.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, ví dụ như Phúc Sinh, Intimex, Trung Nguyên cũng tăng cường đầu tư vào khâu chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 để xuất khẩu không phải đi mỗi EU, Trung Quốc và đi tất cả các thị trường mà chúng ta ký các hiệp định thương mại tự do.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-ca-phe-nang-cao-nang-luc-de-dap-ung-yeu-cau-cua-thi-truong-eu-291476.html