Ngành cao su giải bài toán thiếu lao động

Nhiều người chưa biết chữ nhưng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đáp ứng tốt công việc cạo mủ cao su với thu nhập khá

Những năm gần đây, ngành cao su nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung rất khó tuyển dụng lao động dù thu nhập không hề thấp. Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Donaruco, thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) cũng không ngoại lệ khi thường xuyên thiếu đến 500-600 lao động mỗi năm. Nhưng nay bài toán khó đã có lời giải - Donaruco tìm được nguồn nhân lực phù hợp là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Hà Giang.

An cư nơi đất khách

Anh Giàng Mí Chu là người dân tộc H’Mông, một trong những công nhân (CN) Hà Giang đầu tiên đến làm việc tại Nông trường Cẩm Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) vào tháng 9-2019 và sau khi về quê ăn Tết Nguyên đán 2020 thì đưa luôn vợ con vào ở cùng cho đến nay.

"Quê mình ở thôn Chứ Xá, xã Sủng Thài, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Mình là trưởng thôn nên một lần đi họp giao ban biết thông tin nông trường tuyển lao động mà không cần biết chữ hay biết tiếng Kinh nên mình rủ thêm mấy anh em cùng vào. Người các dân tộc H’Mông, Tày, Nùng, Dao… ở quê không nhiều người biết chữ nên rất khó kiếm việc làm, ở quê làm rẫy đủ ăn đã vất vả" - anh Giàng Mí Chu kể.

Vào nông trường, công việc của anh và vợ thường bắt đầu từ 2-3 giờ sáng trên vườn cao su và kết thúc không quá 11 giờ 30 phút hằng ngày. Sau đó, cả nhà nghỉ ngơi cho đến ngày làm việc hôm sau với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Vợ chồng anh có 2 con (3 tuổi và 4 tuổi) đang học tại một trường mầm non gần chỗ ở, mỗi tháng học phí hơn 1 triệu đồng. "Ở đây, CN được chăm lo mọi thứ nên rất yên tâm. Mọi người cũng quen thời tiết, khí hậu và nếp sinh hoạt ở địa phương. Các con của mình đều nói sõi tiếng Kinh" - anh Giàng Mí Chu khoe.

Gia đình công nhân cao su người dân tộc thiểu số an cư tại khu nhà ở công nhân của Nông trường Cẩm Đường

Gia đình công nhân cao su người dân tộc thiểu số an cư tại khu nhà ở công nhân của Nông trường Cẩm Đường

Ghé thăm khu nhà ở CN của Nông trường Cẩm Đường một chiều cuối tháng 5-2022, chúng tôi ngỡ lạc vào một bản vùng cao Tây Bắc. Ngoài sân, nhiều đứa trẻ đi chân đất, lấm lem đất đỏ hồn nhiên vui đùa; nhiều phụ nữ vẫn mặc trang phục truyền thống của đồng bào xen lẫn màu áo xanh đồng phục của nông trường. Họ trao đổi với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Khu nhà ở CN có khoảng 40 phòng, mỗi phòng hơn 30 m2, trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt để một gia đình gồm 2-4 người sống thoải mái.

Anh Ly Seo Sẻng, CN ở đây, cho biết ở quê anh chủ yếu làm rương rẫy và dắt trâu bò thuê qua biên giới. Dịch Covid-19 bùng phát, anh không còn việc làm nên cùng vợ vào đây làm CN cạo mủ cao su. "Mình có một con 3 tháng tuổi ở đây, 2 đứa lớn còn ở quê. Năm rồi, vợ chồng dư được 160 triệu đồng để gửi về quê" - anh Sẻng phấn khởi cho biết.

Chị Giàng Thị Mai cùng chồng mới vào làm CN cạo mủ cao su được 2 tháng nhưng thu nhập cũng được 6 triệu đồng/người/tháng. "Ở quê làm một mùa lúa chỉ đủ gạo ăn 3 tháng. Chúng tôi theo bạn bè vào đây làm cao su cũng vất vả nhưng có dư để nuôi con" - chị Mai nói.

Cải thiện đời sống người lao động

Theo ông Nguyễn Thế Hựu, Chủ tịch Công đoàn Donaruco, tuyển CN cạo mủ cao su rất khó vì lao động trẻ tại địa phương được học hành bài bản thích làm việc tại các KCN và đô thị.

"Năm 2021, thu nhập bình quân của người cạo mủ cao su là 11,4 triệu đồng/tháng trong khi CN ở KCN là 8,5 triệu đồng/tháng nhưng công ty vẫn không hút được lao động do đặc thù của ngành nông nghiệp vất vả, "tay lấm chân bùn". Công ty đã tìm nguồn lao động từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ nhưng không có kết quả. Năm 2019, công ty đã kết nối với Tỉnh Đoàn Hà Giang tuyển dụng lao động, đến nay đã có những thành công bước đầu" - ông Hựu thông tin.

Cũng theo ông Hựu, đồng bào vùng cao thật thà, chất phác và chịu khó. Khi vào công ty chưa biết gì nhưng sau 1 tháng đã cơ bản đáp ứng được công việc. Hiện toàn công ty có gần 1.000 lao động là người Hà Giang, chiếm 23%; riêng Nông trường Cẩm Đường có 307/406 lao động là người Hà Giang. Khi đưa lao động về đây, Donaruco lo chỗ ở miễn phí cho họ gần nông trường. Công ty cũng tạo điều kiện cho con em họ được đến trường. Toàn bộ lao động được ký hợp đồng lao động, trích nộp đầy đủ BHXH, BHYT, được nghỉ mát hằng năm… Đến Tết, công ty thuê xe giường nằm đưa CN về quê ăn Tết 1 tháng, sau đó lại cho xe rước vào.

Vào Nam với 2 bàn tay trắng, Tết vừa rồi nhiều gia đình CN sắm được xe máy. "CN sống rất tiết kiệm, lúc đầu nhiều nhà toàn ăn cơm chan nước trắng, dành dụm toàn bộ tiền lương. Chúng tôi phải giải thích cho họ hiểu phải ăn đủ chất thì mới có sức lao động" - ông Nguyễn Thế Hựu kể.

Mô hình rất đáng học tập

Ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cao su Bà Rịa, cho biết doanh nghiệp (DN) đang thiếu 10%-20% lao động so với kế hoạch, tương đương 300-350 lao động nhưng không tuyển được người tại địa phương và khu vực lân cận. Do thiếu lao động nên DN phải thay đổi quy trình cạo mủ. "Thành công của Donaruco rất đáng để chúng tôi học tập và từ năm 2023 sẽ tuyển lao động là đồng bào các tỉnh phía Bắc để bổ sung nguồn lao động cho DN" - ông Đoan nói.

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/nganh-cao-su-giai-bai-toan-thieu-lao-dong-2022053020281451.htm