Ngành chăn nuôi gia cầm đang về tay doanh nghiệp FDI

Việc sản xuất gia cầm trong nước đang có sự chuyển dịch rất lớn từ chăn nuôi nông hộ, doanh nghiệp (DN) nhỏ chuyển sang các DN lớn, đặc biệt DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện nay, DN FDI chiếm 90% thị trường gà lông trắng, 40% gà lông màu và tỷ lệ này đang tăng dần.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), giá thu mua sản phẩm gia cầm từ trại đến tay người tiêu dùng (NTD) có mức chênh lệch khá lớn từ 30-35%. Tỷ suất lợi nhuận sản xuất gia cầm hiện đang có xu hướng giảm dần do 2 năm gần đây ảnh hưởng dịch COVID-19 và khủng hoảng của thị trường thế giới, đã khiến thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá cả trong nước thất thường.

Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, có những thời điểm giá bán ra thấp hơn giá thành sản xuất, khiến người chăn nuôi thua lỗ liên tục. Bên cạnh khó khăn về thị trường tiêu thụ, thì việc sản xuất gia cầm trong nước cũng đang xảy ra cạnh tranh gay gắt giữa các hộ chăn nuôi, DN nội và DN FDI. Việc cạnh tranh này đang có sự dịch chuyển lớn sang các DN FDI bởi các DN nội, hộ chăn nuôi bị yếu thế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị DN so với DN FDI.

Trong 5 năm qua, số hộ chăn nuôi mỗi năm bị giảm 20%, đây là con số rất lớn và dự báo sự dịch chuyển này vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới vì đây là xu thế tất yếu trong phát triển chăn nuôi hiện đại. Tuy nhiên, đây là "bài toán" khó đối với sinh kế của nông dân, bởi một mặt Nhà nước khuyến khích DN FDI, DN trong nước, đầu tư sản xuất chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi khép kín để nâng cao khả năng cạnh tranh. Mặt khác, vẫn phải duy trì sinh kế cho hàng triệu nông dân gắn với nghề chăn nuôi truyền thống.

So với tất cả các sản phẩm chăn nuôi thì ngành chăn nuôi gia cầm đang tăng trưởng mạnh nhất. Với 99% sản phẩm gia cầm sản xuất trong nước được tiêu thụ nội địa, ngoài ra mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu (NK) từ 250-270 ngàn tấn thịt gia cầm đông lạnh mới đủ cung ứng cho thị trường, điều đó cho thấy thị trường nội địa rất béo bở để các DN trong và ngoài nước đầu tư khai thác. Tuy nhiên, các DN nội vừa phải áp lực cạnh tranh với DN FDI, vừa phải vất vả đối đầu với tình trạng sản phẩm gia cầm nhập lậu chưa được kiểm soát, sản phẩm gia cầm nhập chính ngạch với giá rẻ để cạnh tranh với DN sản xuất trong nước.

Thực tế, trong thời gian qua, đã có nhiều DN trong nước NK những sản phẩm gia cầm mà nước ngoài không sử dụng như: da, cổ, cánh, chân gà, gà đẻ thải loại nguyên con chặt đầu, chặt cánh... từ Hàn Quốc về với giá rất rẻ, bán đầy rẫy ở các chợ truyền thống, cửa hàng, thậm chí ở lề đường, được NTD có thu nhập thấp tiêu thụ khá mạnh.

Bên cạnh đó, theo lộ trình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, thuế NK các sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm xuống 0, trong đó có sản phẩm gia cầm. Vì vậy, đây là cơ hội cho các sản phẩm gia cầm từ nước ngoài NK vào Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh với sản phẩm trong nước, nếu DN sản xuất trong nước không giảm giá thành.

Với thực trạng trên, để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định trong thời gian tới, đại diện VIPA - TS. Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị, cần có chính sách để hỗ trợ ngành chăn nuôi, đặc biệt là chính sách đặc thù để hỗ trợ sản xuất trong nước, nhất là các DN nội, hộ nông dân chăn nuôi gia cầm. Ngoài ra, để kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài vào thị trường nội địa, không chỉ kiểm soát hàng nhập lậu mà kiểm soát ngay cả hàng đông lạnh NK chính ngạch.

Các Bộ, ngành liên quan phối hợp với các hiệp hội ngành hàng xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm chăn nuôi NK, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm sản xuất trong nước. Song song đó, chiến lược phát triển ngành chăn nuôi cần phải được rà soát lại: đổi mới chủ thể sản xuất và quy mô sản xuất, đổi mới mục tiêu phát triển, đổi mới sản phẩm, đặc biệt là đổi mới thị trường (từ cung ứng cho thị trường nội địa là chính trở thành cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu).

Theo "kịch bản" của Bộ NN&PTNT, dự báo đến 2030, tổng đàn gia cầm trong nước sẽ tăng lên 650-670 triệu con. Gia cầm giết mổ tập trung chiếm 50%, chế biến 40% và đặc biệt xuất khẩu chiếm 20 - 25% tổng sản lượng. Đến năm 2045, ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các công đoạn sản xuất; 100% gia cầm được giết mổ tập trung, công nghiệp, trong đó 70% được sơ chế và chế biến công nghiệp, 30% chế biến sâu.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/nganh-chan-nuoi-gia-cam-dang-ve-tay-doanh-nghiep-fdi-i710415/