Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ chủ động thị trường để đạt mục tiêu 12 tỷ USD

Do dịch bệnh COVID-19 xảy ra bất ngờ đã tác động mạnh lên các phân khúc của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Để duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, các chuyên gia ngành gỗ khuyến cáo toàn ngành cần có chiến lược chủ động hơn để đưa ngành gỗ vượt qua những trở ngại hiện nay, đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra cho cả năm 2020 là 12 tỷ USD.

Chế biến gỗ rừng trồng tại Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ (Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Chế biến gỗ rừng trồng tại Nhà máy viên năng lượng Cam Lộ (Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Khai thác thế mạnh sân nhà

Các chuyên gia ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam nhận xét, hiện tại Việt Nam đã có thể không chế được dịch bệnh COVID -19, nhưng các quốc gia khác ở châu Mỹ và châu Âu vẫn đang nỗ lực phòng chống dịch bệnh này. Do đó, ngành gỗ đã chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, mức tiêu dùng cho các sản phẩm đồ gỗ của người dân Việt Nam tương đương với 5 - 7 nước châu Âu gộp lại. Quy mô thị trường tiêu dùng nội thất trong nước ước tính trị giá khoảng 5 tỷ USD, gần bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng thực tế thời gian qua các doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất nội thất của Việt Nam mới tập trung cho xuất khẩu mà bỏ ngỏ lượng lớn khách hàng ngay tại sân nhà.

Với sự phát triển của thị trường bất động sản hiện nay, đặc biệt là nhu cầu trang trí các căn hộ nhỏ khiến nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ nội thất tăng cao. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất là do đa phần gia đình trẻ tại các đô thị lớn đều chọn ở trong các chung cư. Mỗi gia đình có thể chi tới 300 - 400 triệu đồng cho khâu hoàn thiện nội thất, ngoài ra các sản phẩm nội thất đơn lẻ với nhiều phân khúc giá khác nhau từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/món đều có doanh số bán hàng tốt. Với sự phát triển mạnh của các dự án bất động sản thời gian qua, mức độ tăng trưởng của mặt hàng nội thất đang đạt từ 20 - 30%/năm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Scansia Pacific cho rằng, kinh tế phát triển, thu nhập được cải thiện nên người Việt Nam đang bắt đầu chú trọng hơn đến việc đầu tư cho tổ ấm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho nội thất để có không gian sống tố nhất.

Theo ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam xây dựng khoảng 1 triệu m2 khách sạn, nhà hàng có tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng khối lượng lớn sản phẩm gỗ, nội thất tầm trung và tầm cao. Phân khúc đồ nội thất cao cấp cho các khách sạn cũng là thị phần lớn để các doanh nghiệp chế biến gỗ trong nước khai thác.

Mặt khác, trong thời gian này, các sản phẩm đồ gỗ, mỹ nghệ của châu Âu cũng đang chững lại, mẫu mã không đa dạng để phục vụ thị hiếu người tiêu dùng, do các nhà sản xuất và chế biến gỗ châu Âu đang ứng phó dịch bệnh. Do đó, người tiêu dùng thị trường nội địa sẽ có xu hướng tìm hiểu các sản phẩm trong nước. Như vậy, chỉ bằng hai phân khúc sử dụng đồ gỗ và nội thất, ngành chế biến gỗ Việt có thể chủ động thị trường hơn trong giai đoạn khó khăn, ông Thắng phân tích thêm.

Dùng số hóa để phát triển

Ngoài chiến lược khai thác thị trường nội địa, nhu cầu tiêu dùng trên sân nhà, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đồ gỗ cũng đã chuyển hướng bán hàng và tiếp thị mặt hàng gỗ để khách hàng thuận tiện hơn trong việc mua sắm, tiêu dùng. Đó chính là khai thác thế mạnh của số hóa và hương mại điện tử.

Ông Trần Quý Hiến, đại diện Công ty cổ phần Ecomstone Việt Nam, nhận định, thế giới có nhiều trang thương mại điện tử có doanh số bán hàng vượt trội so với cách bán hàng truyền thống, mang lại doanh số rất lớn như Alibaba, Amazon,… Điển hình như trang Amazon.com của Mỹ.

Theo các số liệu thống kê, hiện doanh thu của Amazon vẫn đứng đầu ngành hàng nội thất tại thị trường Mỹ. Rất nhiều doanh nghiệp ngành hàng nội thất bán hàng trên Amazon đạt doanh số lên tới 6 triệu USD/tháng, còn thấp nhất cũng vài trăm ngàn USD/tháng. Đặc biệt bán trên trang thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể bán trực tiếp bằng thương hiệu của chính mình. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng đồ gồ nội thất ở Mỹ khoảng 8,4%/năm, nên đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử.

Các công nghệ mới có thể giúp khách hàng quan sát được cách bài trí các sản phẩm đồ gỗ trong nhà. Do đó, tiếp thị đa kênh từ offline đến online đang là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn. Điển hình, tại Singapore, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ “Thực tế ảo” để giúp khách hàng trải nghiệm tốt nhất các sản phẩm đồ gỗ tại không gian nhà ở của khách hàng. Từ đó, khách hàng thoải mái lựa chọn sản phẩm và mẫu mã phù hợp cho ngôi nhà của mình, ông Shanw Xu - Phó Chủ tịch Công ty Silver Sea Media Group (Singapore) chia sẻ.

Đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh nhìn nhận, số hóa trong sản xuất và kinh doanh không còn là mới mẻ trong các chiến lược phát triển doanh nghiệp hiện nay. Dù người tiêu dùng luôn muốn cảm nhận sản phẩm thực tế, nhưng hiện nay, với xu thế chung của người tiêu dùng, ngành sản xuất và chế biến gỗ cũng lựa chọn hình thức mới này.

Trước xu thế chung đó, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cũng đã tìm kiếm và phối hợp với nhiều kênh bán hàng điện tử như FPT, Silversea Media Group (Singapore), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để giới thiệu mô hình bán hàng từ offline truyền thống sang bán hàng online, trực tuyến. Theo đó, các hệ thống điện tử này sẽ phối hợp với hệ thống bán hàng truyền thống, hiện hữu để tạo động lực phát triển mới cho doanh nghiệp.

Đây là nỗ lực của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, nhằm đem đến cho doanh nghiệp trong ngành giải pháp mới tăng trưởng thương mại, đồng thời tìm định hướng phát triển mô hình kinh doanh trong tương lai, gia tăng giá trị đồ gỗ và đảm bảo mục tiêu 20 tỷ USD của Chính phủ đề ra đến năm 2025.

Hồng Nhung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/nganh-che-bien-xuat-khau-go-chu-dong-thi-truong-de-dat-muc-tieu-12-ty-usd-20200521093244811.htm