Ngành công nghệ lao đao do chính sách thuế quan của Mỹ
Nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế lên chất bán dẫn, giá các sản phẩm điện tử có thể tăng mạnh hơn nữa trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với áp lực lạm phát.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc từ ngày 4/2, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều sản phẩm điện tử, bao gồm máy tính cá nhân (PC) và điện thoại thông minh (smartphone). Ông Trump cũng để ngỏ khả năng áp thuế đối với chất bán dẫn và các sản phẩm liên quan, tạo thêm áp lực lên ngành công nghệ.
Đây là một phần trong loạt biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump nhằm vào Trung Quốc, Canada và Mexico. Tuy nhiên, hôm 3/2, ông Trump cho biết sẽ tạm hoãn áp thuế đối với Mexico trong một tháng sau khi đạt tiến triển trong đàm phán với Tổng thống Claudia Sheinbaum.
Ngành công nghệ Mỹ phụ thuộc nhiều vào các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc để cung cấp thiết bị điện tử. Các công ty sẽ phải tự quyết định cách ứng phó với mức thuế bổ sung này: hoặc tự gánh chi phí, hoặc chuyển phần gánh nặng đó sang người tiêu dùng, đẩy giá sản phẩm lên cao hơn.
Nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế lên chất bán dẫn, giá các sản phẩm điện tử có thể tăng mạnh hơn nữa, trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với áp lực lạm phát.
Ông John Vinh, chuyên gia phân tích tại KeyBanc Capital Markets, nhận định: “Giá tăng sẽ khiến nhu cầu cuối giảm sút và điều này sẽ ảnh hưởng ngược lên toàn bộ chuỗi cung ứng chất bán dẫn”.
Cổ phiếu của các công ty sản xuất chip như Nvidia, AMD và Intel đều giảm giá vào phiên giao dịch chiều 3/2. Apple là một trong những công ty công nghệ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đợt áp thuế lần này của ông Trump. Tập đoàn này có chuỗi sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc, đồng nghĩa với việc các sản phẩm như iPhone, iPad và MacBook Pro sẽ phải chịu mức thuế 10%.
Ví dụ, với một chiếc iPhone 16 Pro có giá khởi điểm 999 USD, mức thuế 10% sẽ khiến giá tăng thêm khoảng 99 USD. Một chiếc MacBook Pro có giá 1.599 USD sẽ tăng thêm 159 USD. Apple có thể lựa chọn chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí thuế quan này, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của họ.
Theo nhà phân tích Wamsi Mohan của BofA Global Research, Apple có thể tìm cách chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác để giảm thiểu tác động của thuế quan. Nếu có thể đưa 80% hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc, Apple chỉ chịu thiệt hại khoảng 0,05 USD trên mỗi cổ phiếu. Nhưng nếu tỷ lệ này chỉ đạt 50%, con số này có thể dao động từ 0,07 USD đến 0,12 USD, tùy thuộc vào việc họ có tăng giá sản phẩm hay không.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nganh-cong-nghe-lao-dao-do-chinh-sach-thue-quan-cua-my/362024.html