Người TP.HCM chi gần 54.000 tỷ đồng mua sắm tháng Tết
Doanh thu bán lẻ tại TP.HCM trong tháng 1 ước đạt 53.717 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ ăn uống thậm chí ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Chị Phương Anh (sống tại quận 8) cho biết dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình chị đã chi hàng chục triệu đồng để sắm bánh kẹo, mứt Tết và hoa dùng để trang trí nhà cửa.
"Năm nay, siêu thị và các chợ truyền thống có nhiều mặt hàng đa dạng với mức giá bình ổn nên tôi cũng chi tiền mạnh hơn để mua sắm. Ngoài việc mua cho gia đình, tôi cũng tranh thủ sắm thêm bánh kẹo làm quà tặng cho họ hàng", chị nói.
Tính chung toàn thị trường TP.HCM, Cục Thống kê TP ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng đầu năm đã đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2024. Thực tế, đây chính là cao điểm mua sắm trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ chiếm gần 50%, ước đạt 53.717 tỷ đồng, tăng 11,5% so với tháng 1/2024. Dịch vụ lưu trú, ăn uống thậm chí tăng 21,6% lên 12.832 tỷ đồng. Trong khi đó, ngành du lịch lữ hành cũng ghi nhận tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu so sánh với dịp Tết Giáp Thìn vào tháng 2/2024, ngành bán lẻ - dịch vụ Tết này tăng hơn 28%.
Song song đó, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính và chuyển phát đạt doanh thu 29.954 tỷ đồng, tăng mạnh 25,5% so với tháng 1/2024, phần nào phản ánh sức mua trên thị trường thương mại điện tử cũng như nhu cầu biếu tặng dịp Tết này.
Cùng với sự tăng trưởng lần lượt đạt 11,2% và 16,2% của vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, tổng doanh thu lĩnh vực vận tải trong tháng đầu năm đạt 41.217 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ.
Cơ quan thống kê đánh giá bước vào tháng 1, chương trình bình ổn thị trường của TP đã tiếp tục phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng hàng hóa xuyên suốt phục vụ người dân trước, trong và sau Tết, thị trường giá cả hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn duy trì ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 nhìn chung tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 4,29% so với cùng kỳ.
Dù vậy, do chu kỳ Tết Nguyên đán, sản xuất công nghiệp nhìn chung có phần chậm lại với chỉ số IIP giảm 21,1% so với tháng 12/2024 và giảm 9% so với cùng kỳ.
Mặt khác, Cục Thống kê cho biết môi trường kinh doanh trên địa bàn TP cũng chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 7,5% nhưng số doanh nghiệp rút lui tăng 14,6% so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 20 ngày đầu năm, TP đã cấp phép thành lập 1.802 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 10.393 tỷ đồng, giảm 45,4% về giấy phép và giảm 73,4% về vốn so với cùng kỳ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-tphcm-chi-gan-54000-ty-dong-mua-sam-thang-tet-post1529243.html