Ngành công nghệ thông tin 'miễn nhiễm' với Covid-19
Nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số đang là động lực quan trọng để thúc đẩy ngành công nghệ thông tin và truyền thông phát triển.
Báo cáo của Navigos về thị trường lao động Việt Nam quý IV năm 2021 chỉ ra rằng, dịch bệnh Covid-19 không tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông. Các doanh nghiệp này vẫn tích cực mở rộng kinh doanh và tìm kiếm nhân lực trên thị trường.
Số liệu từ Savills cũng cho thấy, lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông đang phát triển mạnh tại Việt Nam. Trong năm 2021, doanh thu ngành đạt 136 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính ngành công nghệ thông tin-truyền thông đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15% trong quý I năm 2022.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp cũng duy trì ở mức tốt. Theo biểu đồ phát triển ngành thông tin và truyền thông tháng quý I năm 2022, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đạt 65,700, tăng 1,700 doanh nghiệp so với năm 2021. Chỉ số này được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 12% hàng năm và đạt 100,000 doanh nghiệp đến cuối năm 2025, gần gấp đôi số lượng của năm 2020.
Công nghệ thông tin là ngành tiềm năng trong 3 năm tới
Đơn vị nghiên cứu này cho rằng, nỗ lực của Chính phủ và các doanh nghiệp, đặc biệt ngân hàng, trong công tác “chuyển đổi số” đang và sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin trong tương lai.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin-truyền thông còn thể hiện ở sự gia tăng trong nhu cầu mở rộng quy mô văn phòng. Xu hướng này đang được thể hiện ở cả hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Các doanh nghiệp thuộc khối công nghệ thông tin-truyền thông đang sở hữu nhu cầu lớn trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I năm 2022 của Savills, doanh nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông đang nằm trong nhóm dẫn đầu về số lượng văn phòng được tiêu thụ.
Tại Hà Nội, đây là một trong những nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng thuê dẫn đầu, chiếm 16% thị phần. Thống kê từ thị trường TP.HCM cho thấy 54% diện tích cho thuê mới thuộc về khối công nghệ thông tin-truyền thông, bỏ xa nhóm doanh nghiệp phân phối (17%) và nhóm tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (14%).
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội chia sẻ rằng, một doanh nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông có thể mở rộng văn phòng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong thời gian ngắn.
Tiêu biểu cho xu hướng này là trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung tại tòa nhà PVI. Đơn vị này đã mở rộng diện tích thuê từ 8,500 m2 sàn lên 22,000 m2 sàn trong vòng 5 năm.
Nhu cầu thuê văn phòng của nhóm khách ngành công nghệ thông tin-truyền thông đang năng động nhất ở cả thị trường văn phòng Hà Nội và TP.HCM. Xét riêng về đầu cầu miền Nam, Savills ghi nhận doanh nghiệp đang tìm kiếm diện tích thuê tại cả ba hạng văn phòng.
Tuy nhiên, với nhu cầu mặt sàn lớn trên 1,000 m2 trong khi diện tích văn phòng trống ở khu vực trung tâm ngày càng hạn hẹp, các doanh nghiệp thuốc khối ngành này có xu hướng tìm địa điểm ở khu vực ngoài trung tâm, đặc biệt là ở các khu vực đô thị mới như Quận 2 và Quận 7.
Về thị trường Hà Nội, bà Hoàng Nguyệt Minh cho rằng: “Nguồn cung văn phòng hiện tại vẫn đang rất dồi dào, trải rộng qua các khu vực trong địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đa phần các công ty công nghệ thông tin-truyền thông lớn trong và ngoài nước, đều đang tập trung xung quanh phía Tây Hà Nội.
So với khu vực trung tâm như quận Hoàn Kiếm, văn phòng tại các quận phía Tây như Cầu Giấy sở hữu giá thuê hợp lý cũng như mặt sàn trung bình mỗi tầng lớn. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin-truyền thông dễ dàng trong việc thiết kế và quản lý mặt bằng sử dụng, cũng như tiềm năng mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai".