Ngành 'công nghiệp bói toán' tại Thái Lan nở rộ sau dịch bệnh

Sau đại dịch, các yếu tố thị trường và kinh tế đã khiến ngày càng nhiều người trẻ tuổi tìm đến hình thức bói toán để lấy cảm giác an toàn, qua đó tạo ra cả một thị trường ngoại cảm sôi động tại Thái Lan với doanh thu đầy tiềm năng.

Một buổi livestream bói bài tại Thái Lan. Ảnh: Reuters

Một buổi livestream bói bài tại Thái Lan. Ảnh: Reuters

Cũng giống như một số nền văn hóa khác tại châu Á, văn hóa Thái Lan từ lâu đã phổ biến chiêm tinh học và các hình thức bói toán khác như đọc chỉ tay, bói bài hay thần số học. Theo một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Quản lý Mahidol (CMMU), có tới 78% dân số nước này tin vào các hiện tượng siêu nhiên.

Theo Reuters, trong bối cảnh các truyền thống của Thái Lan thấm đượm ảnh hưởng của Phật giáo cùng các tôn giáo phương Đông khác như Đạo giáo, việc tham khảo ý kiến của các thầy phong thủy hay đeo bùa hộ mệnh của các nhà sư đều rất phổ biến trong xã hội và đem lại cảm giác an toàn cho nhiều người.

Người trẻ tuổi tại Thái Lan tìm tới bói toán nhờ Internet

Vì đại dịch, nhiều quầy bói toán vốn xuất hiện trên đường phố và các cửa hàng giờ đã chuyển sang hình thức online, trong khi các nền tảng mạng xã hội vốn rất được giới trẻ ưa chuộng. Từ đó, các thầy bói có thể tiếp cận được nhiều đối tượng dân số trẻ hơn.

Theo A Duang, một công ty startup sở hữu ứng dụng xem bói với gần nửa triệu người dùng trong độ tuổi 18-30, ngành công nghiệp bói toán của Thái Lan ước tính thu hút khoảng 150 triệu USD lượng chi tiêu mỗi năm kể từ khi đại dịch bắt đầu. So với những năm trước, thị trường không chính thức này thu hút nhiều hơn 29,7 triệu USD.

Sinh viên học thạc sĩ người Thái Lan Dhidhaj Sumedhsvast vẫn luôn là một người không tin vào bói toán hay sức mạnh siêu nhiên, cho đến khi đại dịch coronavirus bắt đầu cách đây 2 năm. Giờ đây, anh là một khách hàng thường xuyên của các thầy bói. Thậm chí, anh còn đeo bùa may mắn và lấy hình những lá bài tarot làm hình nền điện thoại.

Ở trong độ tuổi 30, anh Dhidhaj bắt đầu với việc cầu nguyện thần Kubera - vị thần của sự giàu có trong thần thoại Hindu và một vị thần Phật giáo – để bảo vệ anh và gia đình khỏi những ảnh hưởng kinh tế tiêu cực của đại dịch. Anh chia sẻ nguyên nhân là do Covid-19 đã mang đến quá nhiều bất ổn khiến mọi người cảm thấy lo lắng.

Từ khi bắt đầu đi xem bói, anh cảm thấy an toàn hơn và trên hết là anh lại không bị mất việc làm hay thu nhập trong khi những người khác đều bị như vậy. Đây là cơ sở như một lẽ tự nhiên, anh càng ngày càng tin tưởng vào nó. Tuy nhiên anh Dhidhaj không phải số ít trong xã hội Thái Lan. Có nhiều người trong nhóm dân số trẻ có tâm lý lo lắng tại đất nước này đang bắt đầu theo đuổi việc xem bói và các hình thức bói toán khác.

Bà Pimchat Viboonthaninkul, một thầy bói 26 tuổi làm việc trực tuyến, đồng thời là người đồng sáng lập Mootae World – nơi khởi đầu xu hướng đặt hình nền điện thoại là bài tarot – nhận định tại một thế giới với nhiều sự không chắc chắn xảy ra, con người cần một điểm neo tinh thần.

Pimchat Viboonthaninkul (trái) và Picha Kulwaraekdumrong, hai nhà đồng sáng lập Mootae World

Pimchat Viboonthaninkul (trái) và Picha Kulwaraekdumrong, hai nhà đồng sáng lập Mootae World

Thị trường kết hợp truyền thống và điện tử

Cùng với việc nhiều người sử dụng Internet hơn trong mùa dịch, các sản phẩm số khác liên quan tới bói toán cũng chứng kiến sự bùng nổ. Nhà sản xuất hình nền điện thoại di động Mootae World đã tạo ra hàng chục nghìn hình ảnh làm từ các lá bài tarot và biểu tượng khác nhau cho màn hình điện thoại của khách hàng.

Với giá 7,44 USD, mỗi chiếc đều được đặt làm riêng theo vị trí ngôi sao duy nhất của khách hàng khi mới sinh, cùng với mong muốn sâu sắc nhất của họ dù là tài chính hay lãng mạn.

Đồng thời khi sử dụng ứng dụng coi bói A Duang, người dùng có thể xem các buổi phát sóng trực tiếp hàng ngày của 1 trong số 7.000 thầy bói hoạt động trên đây. Người dùng có thể chi từ 0,3 USD tới 3 USD cho những thông tin chi tiết mà mình muốn có. Ngoài ra, các phiên đọc bài riêng 1-1 với thầy bói cũng được tổ chức với mức phí cao hơn.

Giám đốc điều hành của A Duang ông Kittikhun Yodrak cho biết, chi tiêu trung bình cho mỗi người dùng đã tăng gấp 5 lần lên 14,48 USD hàng tháng kể từ khi ứng dụng ra mắt trước đại dịch năm 2019. Ông Jomkhwan Luenglue, một thành viên hội đồng của Hiệp hội Tâm lý Thái Lan, nhận định xu hướng xem bói này phản ánh một "điểm đột phá" trong mức độ căng thẳng khiến nhiều người buộc phải tìm kiếm câu trả lời nhanh chóng từ người khác hơn là từ bên trong bản thân mình.

Trong khi đó, bùa hộ mệnh truyền thống của Phật giáo hay được người Thái Lan đeo - thường là hình ảnh của các nhà sư, đạo sư hoặc Đức Phật được làm từ đồng, thau hoặc vàng - cũng có sẵn dưới dạng NFT trên blockchain. Kể từ khi ra mắt năm 2021, dự án Crypto Amulets của Thái Lan đã bán được khoảng 3.000 NFT tương tự như thế này. Trên blockchain Ethereum hay Solana, mỗi NFT có giá khoảng 60 USD.

Quy trình tạo nên các NFT này được bắt đầu bằng việc các lá bùa hộ mệnh kỹ thuật số được in ra trên giấy trước, sau đó sẽ được các nhà sư ở tỉnh Surin - một thị trường buôn bán bùa hộ mệnh Phật giáo khổng lồ của Thái Lan - ban phước. Theo lời ông Ekkaphong Khemthong, người sở hữu Crypto Amulets, trước đây mọi người từng đeo bùa hộ mệnh truyền thống quanh cổ, nhưng bây giờ họ có thể mang theo trên điện thoại của mình dưới dạng NFT.

Các thương hiệu kinh doanh chính thống khác tại Thái Lan cũng đang dần nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường ngoại cảm được thúc đẩy bởi các tín đồ trẻ với mức thu nhập tốt. Do đó vào tháng 3 trước đó, Mootae World đã quảng cáo gói bảo hiểm Cigna Corp cho những người theo dõi của mình. Bằng cách khai thác niềm tin "năm xui xẻo" trong chiêm tinh học Trung Quốc về việc phạm sao Thái Tuế, doanh nghiệp này có thể đạt được nhiều thành công.

Ông Muratha Junyaworalug, trưởng nhóm nghiên cứu của CMMU, nhận định xu hướng tiếp thị mới đã xuất hiện. Trong bối cảnh các xu hướng xã hội hay kinh doanh thay đổi nhanh chóng, chỉ có niềm tin vào những điều siêu nhiên là điều không đổi trong xã hội Thái Lan. Do đó, tất cả các thương hiệu đều muốn thâm nhập vào thị trường này.

Một buổi xem bói bài trực tuyến tại Thái Lan. Ảnh: Reuters

Một buổi xem bói bài trực tuyến tại Thái Lan. Ảnh: Reuters

Thái Lan không phải ngoại lệ của xu hướng bói toán

Thái Lan không phải thị trường duy nhất chứng kiến sự gia tăng của việc xem bói bài và các hình thức bói toán khác. Tại các nước châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam, các hình thức này đều vô cùng phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là gen Z kể từ khi đại dịch bùng nổ.

Phần lớn những người trẻ tuổi sẽ tìm đến bói toán cho các mục đích khác nhau trải rộng từ chuyện tình cảm, rắc rối gia đình, cãi vã với bạn bè hay dự đoán các vấn đề tình cảm, sự nghiệp hay tiền tài trong tương lai. Trên hết, cũng có những người tìm đến bói bài để hiểu hơn về bản thân hoặc thậm chí để cầu nguyện cho chuyện tình cảm và sức khỏe của thần tượng mình.

Tại Trung Quốc, các video của các thầy bói xem bài tarot, bài oracle hay bài tea leaf theo yêu cầu của khách hàng xuất hiện với tần suất cao trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến của nước này như Weibo, Douyin và trên nền tảng video Bilibili với lượng tương tác cao. Tại các quốc gia khác nơi các mạng xã hội gồm Twitter phổ biến hơn như tại Nhật Bản, Thái Lan hay Hàn Quốc, hình thức bói bài còn xuất hiện dưới dạng chuỗi hội thoại trên nền tảng này.

Trong khi đó tại Việt Nam, việc bói bài thông qua Facebook, Instagram hay Tik Tok đã không còn lạ lẫm với những người trẻ tuổi. Có nhiều trang web bán hàng được lập nên trên Facebook nhằm cung cấp các dịch vụ đọc các loại bài khác nhau với mức phí trải dài từ 50.000 VND tới hàng trăm nghìn VND cho mỗi câu hỏi khác nhau.

Tại thị trường Việt Nam còn xuất hiện nhiều các khóa học dạy học viên đọc bản đồ sao hay hướng dẫn bắt đầu xem các loại bài dành cho các mục đích khác nhau. Các khóa học này cùng với các tài liệu đi kèm đều thu hút sự quan tâm lớn từ người học với mức phí trải rộng từ vài trăm nghìn tới hàng triệu VND. Ngoài ra, các loại hình buôn bán đi kèm cũng nở rộ dưới hình thức bán các “đạo cụ” phục vụ cho quá trình xem bói như thảm trải bài, cầu thủy tinh hay đá năng lượng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee và Lazada.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongsean.vn/nganh-cong-nghiep-boi-toan-tai-thai-lan-no-ro-sau-dich-benh-post5442.html