Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Thấy vậy nhưng không phải vậy

Nhìn vào tỷ trọng đóng góp về giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nhiều nghiên cứu đã vội vã kết luận 'công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực cho phát triển của nền kinh tế', nhưng sự thật có phải như thế?

Khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng phần lợi nhuận đó chuyển về nước họ gần hết. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở TPHCM. Ảnh: HÙNG LÊ

Khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng phần lợi nhuận đó chuyển về nước họ gần hết. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở TPHCM. Ảnh: HÙNG LÊ

Trong nhóm ngành cấp I của Việt Nam, ngành công nghiệp gồm bốn nhóm ngành chính là khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện – khí và cấp thoát nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2010 giá trị tăng thêm (GVA) của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trong GDP là 17,13%, trong tổng giá trị tăng thêm là 19,2% và trong toàn ngành công nghiệp là 64,04%. Đến năm 2021 tỷ trọng này tăng lên tương ứng là 24,6%; 27% và 78,1%.

Nhìn vào tỷ trọng đóng góp về giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, nhiều nghiên cứu đã vội vã kết luận “như vậy có thể thấy, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực cho phát triển của nền kinh tế trong thời gian vừa qua…”.

Lưu ý rằng, giá trị tăng thêm theo giá cơ bản bao gồm thu nhập của người lao động và lợi nhuận trước thuế. Trong đó lợi nhuận trước thuế của khu vực FDI chiếm hơn 90% trong tổng lợi nhuận trước thuế của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Số liệu trong Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam 2022 cho thấy, năm 2020 lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp FDI là 463.100 tỉ đồng (khoảng 21 tỉ đô la Mỹ) thì chi trả sở hữu thuần ra nước ngoài khoảng 423.000 tỉ đồng. Như vậy, khu vực FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng phần lợi nhuận đó chuyển về nước họ gần hết.

Theo ý niệm của Hệ thống các Tài khoản quốc gia và Bảng cân đối liên ngành thì tỷ lệ đóng góp của một ngành vào GDP không phản ánh mức độ chẳng hạn như công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa hoặc số hóa là mức độ các ngành khác trong nền kinh tế sử dụng sản phẩm của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hoặc kinh tế số làm đầu vào trong quá trình sản xuất, hoặc sản phẩm cuối cùng của ngành đó lan tỏa đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Kết quả tính toán từ mô hình cân đối liên ngành (input-output analysis) cho thấy, sản phẩm cuối cùng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lan tỏa rất cao đến sản lượng nhưng lại lan tỏa thấp đến giá trị tăng thêm ở cả hai giai đoạn mà bảng I.O 2012 và 2016 là đại diện; là tỷ lệ lan tỏa đến giá trị tăng thêm so với sản lượng thấp nhất trong các ngành khảo sát trong mô hình.

Tuy nhiên, cùng với nhóm ngành kinh tế số, nhóm này lại lan tỏa lớn nhất đến nhập khẩu. Điều này phần nào cho thấy hàm lượng trí tuệ trong hai nhóm ngành này không cao nếu không muốn nói là thấp và cơ bản làm gia công. Theo ý niệm này, khi sản xuất cơ bản là làm gia công thì mức độ công nghiệp hóa hoặc số hóa là rất thấp kém.

Tính toán cho thấy hầu hết những ngành thuộc công nghiệp chế biến, chế tạo, tuy có chỉ số lan tỏa và độ nhạy cao, nhưng lại kích thích mạnh đến nhập khẩu và lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp hơn mức bình quân chung khá nhiều. Đây là bằng chứng rõ nét của việc công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam chủ yếu là gia công và càng ngày mức độ gia công càng cao hơn.

Một điều thú vị là hầu hết các ngành dịch vụ có chỉ số lan tỏa nhập khẩu thấp và lan tỏa đến giá trị tăng thêm cao hơn mức bình quân, nhưng những ngành này có chỉ số lan tỏa và độ nhạy tương đối thấp. Để cải thiện vấn đề này, Việt Nam cần tăng cường các sản phẩm phụ trợ để đáp ứng đầu vào cho các nhóm ngành dịch vụ và các ngành dịch vụ cũng phải phát triển để đáp ứng nhu cầu của các ngành khác trong nền kinh tế. Từ đó sẽ khiến mối liên kết ngành nâng lên thông qua độ lan tỏa và độ nhạy tăng cao, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của đất nước.

Hơn nữa, một nghiên cứu dựa trên phương pháp cân đối liên ngành(1) đã chỉ ra lượng phát thải khí nhà kính (GHG) của Việt Nam thực sự đáng báo động, đặc biệt ở hai lĩnh vực mũi nhọn ở phía cung và phía cầu là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thải ra lượng GHG lớn nhất, gấp 3 lần mức bình quân của thế giới. Xét về phía cầu cuối cùng, qua tính toán, sản xuất hàng xuất khẩu gây nên phát thải GHG lớn nhất, chiếm trên 50% tổng lượng phát thải GHG.

Như vậy, nếu không có những đột phá về khoa học thì không phát triển được kinh tế – xã hội. Chỉ dựa vào nhập khẩu công nghệ nước ngoài thì cũng sẽ chạm ngưỡng phát triển vì luôn đi sau, luôn tụt hậu. Cái gọi là “bẫy thu nhập trung bình” thực chất là phản ánh tình trạng một nền kinh tế/quốc gia không có năng lực khoa học công nghệ để phát triển; việc có nhiều giáo sư hay tiến sĩ không phản ánh trình độ khoa học công nghệ. Trung Quốc sẽ không còn bẫy thu nhập trung bình vì họ đã tự chủ được công nghệ.

Trong một nghiên cứu khác(2) từ phân tích I.O liên quốc gia giữa Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ và EU cho thấy một đơn vị sản phẩm cuối cùng của Trung Quốc lan tỏa tốt nhất đến sản lượng của chính nó (65,3%), EU (58%), Mỹ (56%) trong khi Việt Nam lan tỏa của sản phẩm cuối cùng đến sản xuất trong nước chỉ là 25% nhưng lan tỏa cho sản xuất của Trung Quốc đến 68% và khoảng 7% lan tỏa đến sản xuất đối với phần còn lại của thế giới. Có thể thấy nhiều chính sách và khẩu hiệu của Việt Nam không qua nghiên cứu kỹ lưỡng.

(1) Bui Trinh & Bui Quoc, 2017. “Some Problems on the Sectoral Structure, GDP Growth and Sustainability of Vietnam,” Journal of Reviews on Global Economics, Lifescience Global, vol. 6, pages 143-153.
(2) Thai Nguyen Quang1 & Trinh Bui (2021) Analysis of Inter-Country Trade Flows Based on Input – Output ModelBetween Vietnam – EU – China and the United States, Research in World Economy, Vol. 12, No. 3; 2 Pg 88-96

Bùi Trinh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-thay-vay-nhung-khong-phai-vay/