Ngành công nghiệp Đức trong vòng xoáy cạnh tranh – Bài 1: Sản lượng công nghiệp sụt giảm liên tiếp
Đức từng là quốc gia dẫn đầu về sản xuất cao cấp. Nhưng trong 5 năm gần đây, quốc gia này đã chứng kiến sản lượng công nghiệp suy giảm liên tục, đe dọa tới 5,5 triệu việc làm và 20% GDP.

Dây chuyền lắp ráp ô tô Volkswagen (Đức). Ảnh: THX/TTXVN
Nền công nghiệp xương sống của Đức đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có. Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Cải cách châu Âu (CER) có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), Đức từng là quốc gia dẫn đầu về sản xuất cao cấp. Nhưng trong 5 năm gần đây, quốc gia này đã chứng kiến sản lượng công nghiệp suy giảm liên tục, đe dọa tới 5,5 triệu việc làm và 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong khi đó, các ngành công nghiệp Trung Quốc dần trở nên mạnh mẽ hơn, trở thành đối thủ cạnh tranh lớn đối với các hãng xe hơi VW, Mercedes và cả những ngành hóa chất và kỹ thuật của Đức.
Xung đột Nga-Ukraine đã buộc Đức phải giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Giá năng lượng tại châu Âu tăng vọt, làm tăng chi phí sản xuất và gây suy yếu khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp như hóa chất và thép. Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19 cũng góp phần làm giảm nhu cầu xuất khẩu của Đức.
Một yếu tố quan trọng khác là sự chuyển dịch nhanh chóng của Trung Quốc từ sản xuất giá trị thấp sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và đổi mới, được thúc đẩy bởi chiến lược “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025), hướng tới mục tiêu đạt vị trí dẫn đầu toàn cầu về sản xuất và công nghệ tiên tiến.
Những ảnh hưởng khi Trung Quốc tiến lên chuỗi giá trị
Đức phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng đột biến ban đầu của Trung Quốc vào đầu những năm 2000 do nước này lúc đó tập trung chủ yếu vào các sản phẩm điện tử công nghệ thấp, đồ gia dụng và hàng dệt may. Nhưng sự chuyển dịch hướng đi trong chính sách công nghiệp của Bắc Kinh giai đoạn gần đây, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao - các lĩnh vực cốt lõi của Đức, trong đó bao gồm cả ô tô, công nghệ sạch và kỹ thuật cơ khí - đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới hệ thống sản xuất công nghiệp vốn luôn là niềm tự hào của đầu tàu châu Âu.
Ông Holger Görg, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Thương mại và Đầu tư Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới Đức (IfW-Kiel), chia sẻ: “Trung Quốc đã bắt kịp trong một số ngành công nghiệp tiên tiến... họ rất mạnh trong những lĩnh vực này... và điều đó đang góp phần vào hiệu suất tăng trưởng kém của Đức”.
Tốc độ mà Trung Quốc bắt kịp Đức có lẽ thể hiện rõ nhất ở ngành công nghiệp ô tô. Các nhà sản xuất ô tô Đức đã bị chỉ trích vì thiếu sự đổi mới, quá trình chuyển đổi sang xe điện (EV) chậm và không lường trước được sự cạnh tranh khốc liệt từ những thương hiệu Trung Quốc như SAIC Motor và BYD. Những thiếu sót này đã dẫn đến nguy cơ sa thải hàng chục nghìn nhân công và đóng cửa các nhà máy trong nước.
Ngành hóa chất và kỹ thuật của Đức đang chịu áp lực
Nhưng dường như ngành công nghiệp Đức vẫn chưa nhận thức được rủi ro ngày càng tăng từ sự cạnh tranh của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế khác, ngoại trừ ô tô. Ví dụ, các tập đoàn hóa chất lớn của Trung Quốc đã tăng đáng kể sản lượng trong những năm gần đây, đặc biệt là polyethylene và polypropylene, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trên toàn thế giới, làm giảm biên lợi nhuận của các nhà sản xuất Đức như BASF.
Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu Handelsblatt, ngay cả tại Liên minh châu Âu (EU), một thị trường quan trọng của Đức, Trung Quốc đã tăng thị phần xuất khẩu hóa chất trong 10 năm gần đây, tính đến năm 2023, lên 60%, trong khi thị phần của Đức giảm hơn 14%.
Ngành cơ khí của Đức, vốn nổi tiếng về độ chính xác và chất lượng, cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc. Trong khi thị phần xuất khẩu máy móc công nghiệp của Đức giảm nhẹ xuống còn 15,2% trong giai đoạn 2013-2023, thì thị phần của Trung Quốc lại tăng từ 14,3% lên 22,1%.
Trợ cấp tạo ra lợi thế không công bằng
Thách thức càng trầm trọng hơn khi Trung Quốc áp dụng chính sách trợ cấp mạnh mẽ cho những ngành công nghiệp then chốt, cho phép các nhà sản xuất nội địa tăng quy mô và chi phí mà những công ty phương Tây khó có thể bắt kịp.
Một ước tính của phương Tây cho thấy rằng trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc năm 2019 lên tới khoảng 221 tỷ euro (242 tỷ USD) và báo cáo phát hành năm 2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra phần lớn trợ cấp của Bắc Kinh nhắm vào các ngành công nghiệp hóa chất, máy móc, ô tô và kim loại.
Trước đó, bà Claudia Barkowsky, Tổng giám đốc Liên đoàn Kỹ thuật Đức (VDMA) tại Trung Quốc, đã nói rằng các công ty cơ khí Đức sẽ ngày càng phải vật lộn để cạnh tranh, vì những đối thủ Trung Quốc đưa ra mức giá thấp hơn đáng kể, “đôi khi rẻ hơn 50% hoặc thậm chí rẻ hơn nữa”.
Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc (AHK) cho thấy hơn một nửa số công ty Đức hoạt động tại nước này dự đoán các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc sẽ trở thành những người dẫn đầu về đổi mới trong lĩnh vực của họ trong 5 năm tới.