Ngành công nghiệp ô tô đối mặt với áp lực nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu

Những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc tăng thuế quan đối với Mexico và Canada đang khiến ngành công nghiệp ô tô đối mặt với áp lực lớn, và có thể khiến giá bán xe tại Mỹ tăng mạnh.

Nguy cơ thuế quan đe dọa ngành ô tô

Kể từ sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada hồi tuần trước, các giám đốc điều hành và nhà phân tích đã cố gắng tính toán thiệt hại tiềm tàng đối với một ngành công nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn.

“Mặc dù nhìn chung mọi người đều hiểu rằng mức thuế 25% đối với bất kỳ loại xe hoặc phụ tùng nào nhập khẩu từ Mexico hay Canada vào Mỹ có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng các nhà đầu tư vẫn chưa đánh giá đúng mức độ gián đoạn này”, nhà phân tích Dan Levy tại Barclays cho biết.

Mexico và Canada hiện là những trung tâm sản xuất quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô bán xe tại thị trường Mỹ. Do vậy, hầu hết các hãng xe lớn trên thế giới đều sẽ chịu tác động đáng kể từ thuế quan.

Đáng chú ý, GM, Ford và Chrysler Stellantis sẽ nằm trong số những nhà sản xuất ô tô bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mối đe dọa đối với ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ bắt nguồn từ chuỗi cung ứng phức tạp, xuyên biên giới mà ngành ô tô toàn cầu đã phát triển trong bốn thập kỷ qua.

Nhà phân tích Daniel Roeska của Bernstein chỉ ra rằng, khoảng 40% số ô tô và xe tải được Stellantis bán tại Mỹ là xe nhập khẩu từ Mexico và Canada. Với GM và Ford tỷ lệ này lần lượt là 30% và 25%.

Barclays ước tính, nếu không thực hiện các bước đi để giảm thiểu tác động của thuế quan, lợi nhuận của ba nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Detroit có thể bị xóa sổ bởi các khoản thuế mới.

Trong số các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Volkswagen là cái tên chịu ảnh hưởng lớn nhất, khi những chiếc xe được sản xuất tại Mexico và Canada chiếm 45% doanh số bán hàng tại Mỹ, mặc dù đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng doanh thu của tập đoàn. Các hãng xe Nhật Bản là Nissan và Honda cũng sản xuất một số lượng lớn xe tại Mexico để xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Do vậy, dễ hiểu vì sao ngay sau khi ông Trump đưa ra cảnh báo về thuế quan, cổ phiếu của hầu hết các nhà sản xuất ô tô đã giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 26-11. Cổ phiếu GM đóng cửa lao dốc tới 9%, Ford giảm 3% trong khi Stellantis - chủ sở hữu các thương hiệu Jeep, Ram, Dodge và Chrysler, giảm 6%. Ngoài ra, cổ phiếu Toyota và Honda cũng lần lượt giảm 2% và 3% trong phiên giao dịch tại Mỹ.

Không có chiếc xe nào hoàn toàn sản xuất tại Mỹ

Trong khi việc áp thuế quan đối với xe xuất khẩu sang Mỹ đã đủ để gây tổn hại cho ngành công nghiệp, các nhà phân tích cho biết, mối nguy hiểm lớn hơn là việc chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp thuế đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô được nhập khẩu từ Mexico và Canada.

Nhà phân tích James Picariello của BNP Paribas cho biết, một động thái như vậy sẽ gây ra hậu quả tàn khốc.

CNN Business chỉ ra rằng, trong khi ông Trump nhiều lần nhấn mạnh mức thuế quan cao sẽ bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của Mỹ trước sự cạnh tranh từ xe nhập khẩu, có một thực tế rõ ràng là: không có chiếc xe nào hoàn toàn được sản xuất tại Mỹ.

Ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ đã hoạt động trong nhiều thập kỷ như thể một quốc gia khổng lồ, nhờ vào các hiệp định thương mại tự do được ký kết bởi các Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton đến chính Donald Trump. Các chiếc xe và phụ tùng đã được tự do lưu thông qua biên giới, đôi khi nhiều lần, trước khi chuyển đến một đại lý tại Mỹ.

Do vậy, những chiếc ô tô lắp ráp tại Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Canada và Mexico. Theo Cục Quản lý An toàn giao thông đường bộ quốc gia Mỹ, trong số 141 mẫu xe được ghi nhận là lắp ráp tại Mỹ, chỉ 68 mẫu có động cơ và hộp số được sản xuất ngay tại quốc gia này. Các số liệu cũng cho thấy, có tới 42 mẫu xe có tỷ trọng linh kiện, phụ tùng sản xuất tại Mexico vượt quá 15%.

Hiện chỉ có hai loại xe được Washington coi là đạt tỷ lệ 75% sản xuất tại Mỹ - Tesla Model 3 và Honda Ridgeline. Tuy nhiên, tỷ lệ 75% này vẫn bao gồm các phụ tùng có nguồn gốc từ Canada, vốn cũng được coi là sản phẩm nội địa theo quy định hiện hành.

Cam kết áp thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc của ông Trump cũng khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy lo ngại. Mặc dù Trung Quốc xuất khẩu tương đối ít ô tô đến Mỹ, nhưng đây lại là nguồn cung cấp phụ tùng ô tô giá rẻ quan trọng.

Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong năm 2020, các linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Mexico và Canada chiếm khoảng 10% giá trị ô tô lắp ráp tại Mỹ, trong khi các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 5,4%.

Các hãng xe buộc phải điều chỉnh chuỗi cung ứng

Trong trường hợp việc áp thuế thực sự diễn ra, ngành công nghiệp ô tô sẽ buộc phải xem xét điều chỉnh chuỗi cung ứng của mình. Ông Donald Trump tin rằng, các nhà sản xuất sẽ phải đóng cửa các nhà máy ở các quốc gia khác và mở mới hoặc mở rộng các nhà máy tại Mỹ, qua đó tạo ra thêm nhiều việc làm cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc nâng sản lượng nội địa đến mức đủ để thay thế cho nguồn cung linh kiện nhập khẩu sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc sản xuất nhiều loại linh kiện có ít giá trị tại các nhà máy ở Mỹ, nơi phải trả lương cao hơn đáng kể so với những địa điểm như Mexico, sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế.

Để hấp thụ cú sốc tài chính từ việc mở rộng sản xuất tại Mỹ, các hãng xe sẽ buộc phải tìm cách cắt giảm chi phí hoặc tăng giá bán xe. Bộ ba nhà sản xuất ô tô tại Detroit (GM, Ford và Chrysler Stellantis) được cho là vẫn có đủ công suất dự phòng để chuyển hoạt động sản xuất từ Mexico và Canada về Mỹ.

Đối với các hãng xe châu Âu hoặc một số nước châu Á, đây sẽ là một sự dịch chuyển tốn kém và mất nhiều thời gian hơn. Volkswagen vẫn có thể chuyển một số hoạt động sản xuất sang nhà máy xe điện mới của hãng tại South Carolina, nhưng BMW và Mercedes Benz lại có rất ít công suất dự phòng tại các cơ sở sản xuất ở Mỹ.

Giám đốc điều hành một nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản cho biết, ông Trump có thể sử dụng mối đe dọa về thuế quan đối với Mexico và Canada để buộc các hãng xe ngừng sử dụng phần mềm và các công nghệ khác được sản xuất tại Trung Quốc. Những động thái như vậy sẽ buộc các hãng xe phương Tây và châu Á phải tìm nhà cung cấp mới cho các công nghệ này. Đây là một thách thức đáng kể, bởi các công ty Trung Quốc hiện đang là nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực này.

Gánh nặng đè lên vai người mua xe

Các nhà sản xuất ô tô đã từ chối bình luận khi được hỏi về kế hoạch của họ và tác động của thuế nhập khẩu đối với giá cả.

Tuy nhiên, theo ông Jeff Schuster, Phó chủ tịch toàn cầu phụ trách nghiên cứu ô tô tại Công ty tư vấn GlobalData, có một điều chắc chắn là chi phí tăng thêm do thuế quan sẽ không phải do các hãng xe gánh chịu, mà chủ yếu đổ lên người mua xe.

Ngay cả khi ông Trump điều chỉnh kế hoạch thuế quan và chỉ áp thuế đối với các xe lắp ráp hoàn chỉnh nhập khẩu vào Mỹ, điều đó vẫn sẽ khiến giá xe lắp ráp tại đây tăng lên, bởi nguồn cung xe trên thị trường sẽ bị hạn chế. Đây cũng là điều đã xảy ra trong giai đoạn từ năm 2021 đến đầu năm 2022 do tình trạng thiếu hụt chip, linh kiện.

Giá nhập khẩu tăng cũng đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất tại Mỹ sẽ phải đối mặt với ít sự cạnh tranh hơn, và có thể dễ dàng nâng giá để tăng lợi nhuận. “Điều này sẽ gây ra hiệu ứng lan tỏa trên toàn thị trường, ảnh hưởng đến tất cả các loại xe”, ông Ivan Drury, Giám đốc phân tích của Công ty Edmunds, nhận định.

Hiện vẫn chưa thể xác định được tác động chính xác, cho đến khi các chi tiết cuối cùng về kế hoạch thuế quan của ông Trump được công bố.

Nguồn: The Hill, Reuters, Financial Times, New York Times, CNN Business

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nganh-cong-nghiep-o-to-doi-mat-voi-ap-luc-neu-my-tang-thue-nhap-khau/