Ngành công nghiệp trọng yếu: Đang dần yếu thế
Để phát triển công nghiệp TPHCM, việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên trong giai đoạn tới là hết sức cần thiết. Nhất là trong bối cảnh 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP thời gian qua vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, để xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp, TPHCM cần tăng cường đối thoại, tiến tới phối hợp doanh nghiệp (DN) để hình thành hội đồng phát triển các ngành công nghiệp chủ lực với đầy đủ thành phần kinh tế tham dự.
Thiếu vốn, khó vào KCN
Là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, ngành cơ khí những năm gần đây có những đóng góp quan trọng cho công nghiệp TP, một số sản phẩm cơ khí tiêu biểu có khả năng xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành cơ khí (giai đoạn 2015 -2018) tăng trưởng bình quân 7,56%/năm. Dù vậy, các DN trong ngành vẫn đối mặt nhiều thách thức trong việc tìm nhân lực có trình độ cao và ổn định, vốn đầu tư và thị trường.
Về vấn đề vốn, theo ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc, nhiều DN cơ khí do nguồn lực yếu không có tài sản thế chấp nên khó vay vốn ngân hàng. Do ngân hàng thấy ngành cơ khí có nhiều khó khăn, biên lợi nhuận thấp nên ít mạo hiểm cho thế chấp bằng chính thiết bị nhập khẩu.
Các chính sách kích cầu hiện tại chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu DNNVV ngành cơ khí - điện vì phải đầu tư vào khu công nghiệp. Trong khi đó, nhiều nhà máy có nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ, đang sản xuất trong các cụm công nghiệp nhưng không đúng quy hoạch.
“Chính sách vốn đã có, nhưng không phải DN nào cũng có đủ điều kiện tiếp cận. Thiếu vốn DN không thể nâng cấp máy móc, thiết bị và mở rộng sản xuất” - ông Phúc nói.
Việc thuê mặt bằng sản xuất, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết quỹ đất dành cho công nghiệp chưa đáp ứng, phù hợp với nhu cầu của DN với đa phần là DNNVV (về diện tích, giá thuê), do đó nhiều DN TP đã đầu tư cơ sở sản xuất ra các địa phương lân cận.
Cụ thể, các khu công nghiệp (KCN) hiện nay chủ yếu thu hút DN lớn, nên quy hoạch KCN thường phân lô lớn (5.000m2 đến vài ha), hoặc khi đầu tư các phân khu với quy mô nhỏ chi phí đầu tư hạ tầng sẽ tăng cao, dẫn đến giá cho thuê đối với các lô nhỏ cao hơn so với mặt bằng chung nên khó cho thuê.
Trong khi nhu cầu đất sản xuất công nghiệp của DNNVV từ 500-5.000m2, với giá thuê phù hợp. Vì vậy, các DNNVV trên địa bàn TP khó tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp trong các KCN để đầu tư, mở rộng sản xuất.
Áp lực từ DN FDI
Ngành cơ khí chế tạo máy, chế tạo khuôn mẫu bị chính sách thuế “ngược”. Đó là máy móc thiết bị, khuôn mẫu nhập khẩu có thuế suất thuế nhập khẩu 0%, trong khi sản xuất trong nước khi nhập một số vật tư linh kiện phải chịu thuế nhập khẩu, tức sản phẩm chế tạo trong nước phải chịu thuế nhập khẩu.
Công nghiệp điện tử là một ngành thấy rõ sự áp đảo của khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nếu nhìn vào tình trạng chung của công nghiệp điện tử Việt Nam, hiện nay chúng ta đứng thứ 12 thế giới và thứ 3 khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử, với doanh số gần 84 tỷ USD (2018), chủ yếu là điện thoại và phụ tùng điện thoại (49 tỷ USD), máy vi tính và phụ kiện (29,5 tỷ USD), máy ảnh, máy quay phim và phụ kiện (5,3 tỷ USD).
Song về cơ cấu mặt hàng, có thể thấy hầu hết do đóng góp của DN FDI. Nhờ có chính sách đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn lớn đã vào Việt Nam, nổi bật nhất là Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã chọn Việt Nam là cứ điểm toàn cầu.
Trong tương lai, với khuynh hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, doanh thu công nghiệp điện tử sẽ còn tăng hơn nữa. Và giá trị xuất khẩu đều nằm trong khu vực FDI.
Không chỉ ngành điện tử chịu áp lực từ DN FDI, ngành chế biến lương thực thực phẩm vốn là thế mạnh của DN nội cũng không tránh khỏi cạnh tranh này.
Chia sẻ về áp lực của các DN trong nước nói chung, DN TPHCM nói riêng, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TPHCM, nhìn nhận: “Công nghiệp thực phẩm là ngành có áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ DN FDI. Với ưu thế về quy mô, công nghệ, tiềm lực tài chính dồi dào, những ưu đãi về thuế quan, các rào cản thương mại bị xóa bỏ khi hội nhập, DN nước ngoài sẽ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và nhân công rẻ của Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Như vậy, DN trong nước sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng sản phẩm, giá cả, thương hiệu… với DN FDI trên chính sân nhà”.
Tương tự, DN trong ngành cao su, nhựa cũng đang chịu áp lực từ DN FDI, nhất là trong cuộc cạnh tranh trở thành nhà cung cấp cho các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam. Bởi các công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam thường mang theo nhà cung cấp hoặc nhà cung cấp đi theo vào Việt Nam lập nhà máy sản xuất.
Cũng vì có sự cạnh tranh của DN FDI nên DN TP nói chung, DN trong các ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng đang đứng trước thách thức nữa là cạnh tranh thu hút lao động.
Có thể thấy rất nhiều khó khăn DN trong các ngành công nghiệp trọng yếu đang phải đối mặt. Vì thế việc lựa chọn các ngành trọng yếu trong thời gian tới cần tính toán dựa trên những khó khăn này để cùng tìm hướng gỡ khó cho DN.
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM:
Phát triển dựa trên 4 trụ cột chínhTrong thời gian dài TP chủ trương phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu. Điều này phù hợp với kinh tế TP trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước trong mối liên kết vùng, việc xác định 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu để tập trung phát triển không còn phù hợp đối với TPHCM.
Vì vậy, định hướng phát triển công nghiệp TP trong thời gian tới đề xuất không tiếp tục lựa chọn 4 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, mà phát triển dựa trên 4 trụ cột chính, gồm:
Thứ nhất, công nghiệp công nghệ cao: Xét trên phương diện tổng thể, TP cần thay đổi hướng tiếp cận trong việc khuyến khích phát triển công nghiệp. Theo đó, ưu tiên phương thức sản xuất theo hướng sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp, thay cho việc lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
Cụ thể, TP khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao sẽ tác động lan tỏa, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao của các ngành kinh tế.
Thứ hai, sản xuất thông minh: TP có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển công nghiệp theo hướng sản xuất thông minh dựa trên nền tảng chất lượng nguồn nhân lực, phát triển TPHCM trở thành đô thị thông minh và khu đô thị sáng tạo.
Thứ ba, nghiên cứu phát triển: Đây là một trong những phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi sản xuất công nghiệp. TP cần có những cơ chế chính sách khuyến khích DN đầu tư cho nghiên cứu phát triển, hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển trên địa bàn.
Kết quả nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có thể được thương mại hóa, hoặc đưa vào sản xuất ở các địa phương khác, nhưng phân khúc mang lại giá trị cao nhất vẫn tập trung ở TP.
Thứ tư, liên kết vùng: Phát triển công nghiệp trên địa bàn TPHCM đặt trong mối quan hệ với phát triển công nghiệp cả nước, đặc biệt là khu vực phía Nam. Khai thác lợi thế về vị trí địa lý, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, TPHCM thu hút nhà đầu tư trong cả nước đặt trụ sở chính, hoạt động sản xuất có thể thực hiện ở các tỉnh, giúp TP có nguồn thu ngân sách đáng kể từ thuế thu nhập DN.
GS.TS NGUYỄN THỊ CÀNH, Trường Đại học Kinh tế Luật TPHCM:
Xác định sản phẩm trọng yếu
TP nên xác định lại các sản phẩm trọng yếu, thay vì nhóm ngành như 4 ngành công nghiệp trọng yếu hiện nay, từ đó có chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư công nghệ cao vào các ngành sản phẩm này, bằng cách huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đồng thời cải tiến môi trường đầu tư tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nói riêng và sản phẩm chủ lực của các ngành trọng yếu nói chung.
Biện pháp tiếp theo, TP có thể thành lập KCN chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, hoặc liên kết với các tỉnh thành lập các trung tâm sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong điều kiện đất đai của TPHCM bị hạn chế và nhiều ngành hỗ trợ gây ô nhiễm cao.
TPHCM cần tiên phong trong cả nước để có chính sách đột phá đầu tư về khoa học công nghệ và ưu đãi DN trong đầu tư đổi mới công nghệ, trước mắt là phục vụ các ngành sản phẩm trọng yếu.
Có chính sách như miễn giảm thuế để khuyến khích thu hút những dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường.