Ngành Công Thương Bắc Ninh: Nhiều điểm sáng tăng trưởng trong năm 2024

Năm 2024 đã đánh dấu một năm đầy thách thức và cơ hội đối với ngành Công Thương tỉnh Bắc Ninh. Với sự nỗ lực không ngừng phát huy thế mạnh và khắc phục những khó khăn, ngành Công Thương tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế địa phương và cả nước.

Công nghiệp - Thương mại lấy lại đà tăng trưởng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Khải phát biểu tại hội nghị.

“Trong bối cảnh năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt trên các lĩnh vực kinh tế, công nghệ. Cùng với đó, tình hình an ninh, chính trị nhất là các cuộc xung đột tác động tới hoạt động kinh tế, thương mại, chuỗi cung ứng, vận tải khiến nền kinh tế trong nước tiếp tục chịu "tác động kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và cả những hạn chế bên trong. Kinh tế Bắc Ninh từ đó cũng chịu nhiều ảnh hưởng, tác động do có độ mở lớn.

Vượt lên những khó khăn đó, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Bộ Công Thương, sự phối hợp tốt của các ngành, địa phương và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành, hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2024 vẫn duy trì tích cực, phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng”, chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công Thương, ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Bắc Ninh tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,7%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 9,8%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,8%.

Đặc biệt trong năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của tỉnh ước đạt 4,8 tỷ USD, cao nhất cả nước, là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp, khẳng định môi trường đầu tư sôi động tại Bắc Ninh.

Toàn tỉnh đã cấp mới 359 dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2024, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng vốn hơn 1,8 tỷ USD (tăng 70,7%); điều chỉnh vốn 174 dự án, vốn điều chỉnh tăng 2,972 tỷ USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 33 lượt trị giá 52,8 triệu USD; lũy kế, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 2.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 29,8 tỷ USD.

Về thu hút đầu tư trong nước, tỉnh cấp mới 49 dự án, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 13.597 tỷ đồng; lũy kế, tỉnh đã cấp đăng ký 1.600 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn hơn 274.400 tỷ đồng

Trong năm, Bắc Ninh có hơn 3.500 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn 35.476 tỷ đồng; 981 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 17%. Lũy kế, tỉnh có 19.777 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn 387.727 tỷ đồng và 6.253 đơn vị trực thuộc.

Song song với sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi nổi, đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 103.205 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 105,3% kế hoạch. Hoạt động ngoại thương duy trì ổn định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước 75,9 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch, trong đó, xuất khẩu ước 41,5 tỷ USD; nhập khẩu ước 34,4 tỷ USD.

Tăng cường quản lý các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại

Theo chia sẻ của ông Đào Quang Khải: "Trong bối cảnh Bắc Ninh là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp đứng đầu toàn quốc, giai đoạn tới, tỉnh sẽ gia tăng quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững đáp ứng môi trường, phát triển hài hòa giữa công nghiệp và đô thị. Trong đó, tập trung hoàn thiện các thể chế, chính sách và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là tập trung giải quyết vấn đề môi trường trong cụm công nghiệp, làng nghề."

Bắc Ninh chú trọng hoàn thiện quy chế quản lý, phát triển chợ; từng bước sắp xếp lại hệ thống chợ trên địa bàn; tập trung xây dựng hệ thống chợ mới mang tính chất văn minh thương mại, hiện đại hơn, đáp ứng được dòng chảy thương mại. Cùng với đó, tăng cường thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại; đẩy nhanh việc hình thành hạ tầng thương mại mang quy mô tính chất cấp vùng, khu vực, góp phần tạo động lực cho phát triển thương mại.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải trao Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho các tập thể, cá nhân ngành Công Thương tiêu biểu

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải trao Bằng khen của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho các tập thể, cá nhân ngành Công Thương tiêu biểu

Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt các định hướng phát triển thuộc lĩnh vực ngành Công Thương theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung triển khai các phương án phát triển Cụm công nghiệp, phương án phát triển mạng lưới cấp điện và phương án phát triển hạ tầng thương mại với trọng tâm là các dự án trọng điểm, có vai trò lan tỏa trong phạm vi khu vực và vùng như dự án “Khu liên hợp – Dịch vụ nông sản – Chợ đầu mối Thuận Thành”, Trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh, Trung tâm thương mại Khắc Niệm…

Cùng với đó, Sở Công Thương thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu, thương mại điện tử… nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện hiệu quả Biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên giữa UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam, từ đó đề xuất nhân rộng mô hình.

Tạo lập các động lực tăng trưởng mới

“Xác định năm 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU và Nghị quyết số 306/NQ-HĐND về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Bắc Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch để về đích”, ông Đào Quang Khải cho biết.

Trọng tâm trong năm 2025, tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành.

Tỉnh đặt mục tiêu tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương. Trong đó, về công nghiệp, tiếp tục chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu và tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cung ứng đồng thời đảm bảo tạo ra việc làm thu nhập cao cho người lao động, đảm bảo tăng trưởng bền vững; tận dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nhanh chóng.

Về thương mại, tập trung phát triển thương mại dựa trên tận dụng vị trí chiến lược của tỉnh với vùng và quốc gia, quốc tế; tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do mới được thiết lập giữa Việt Nam với thế giới và tiếp tục quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu; tiếp tục xây dựng và củng cố cơ sở hạ tầng thương mại và đầu tư phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại mới.

Phấn đấu trong năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 108.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 77,3 tỷ USD, trong đó: xuất khẩu đạt 41,7 tỷ USD; nhập khẩu đạt 35,6 tỷ USD.

Minh Huế

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/nganh-cong-thuong-bac-ninh--nhieu-diem-sang-tang-truong-trong-nam-2024-131995.htm