Ngành Công Thương: Công tác bình đẳng giới luôn được quan tâm

Những năm qua, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) luôn được các đơn vị, doanh nghiệp ngành Công Thương quan tâm, chú trọng, tích cực triển khai. Những nỗ lực trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới đã mang lại nhiều thành tựu to lớn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành.

Chị em phụ nữ luôn được quan tâm, tạo điều kiện

Chị em phụ nữ luôn được quan tâm, tạo điều kiện

Xây dựng đội ngũ nữ công chức trình độ cao

Dù mới được thành lập 2 năm, nhưng Ban VSTBPN Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã nhanh chóng bắt tay triển khai công việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên của Ban. Đồng thời, ban hành Quy chế hoạt động, bảo đảm đưa các hoạt động của Ban vào nề nếp và đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, trong năm 2019, công tác VSTBPN của Tổng cục QLTT đã có nhiều khởi sắc, trong đó nổi bật là xây dựng đội ngũ công chức nữ có trình độ cao, lãnh đạo quản lý nữ đáp ứng yêu cầu, mục tiêu, định hướng phát triển của lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng, Trưởng ban VSTBPN Tổng cục QLcho biết: Để nâng cao vị thế của phụ nữ, trong công tác xây dựng, quy hoạch cán bộ, tỷ lệ nữ luôn được lãnh đạo Tổng cục quan tâm triệt để. Tỷ lệ nữ trong lực lượng QLTT hiện nay là 1.081 đồng chí, chiếm gần 20%. "Đây là con số tương đối lớn so với các lực lượng khác" - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Linh cũng cho hay, công tác phát triển đảng viên mới đối với quần chúng ưu tú là công chức nữ các cấp của Tổng cục QLTT cũng được các các cấp ủy Đảng coi trọng. Các Ban VSTBPN của các Cục QLTT địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng, công đoàn, nữ công, đoàn thanh niên đề xuất, kiến nghị với cấp ủy đảng, thủ trưởng các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng công chức nữ để kết nạp Đảng, cử đi học hoặc bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo ở đơn vị. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách, các ngày lễ đối với cán bộ nữ đều được quan tâm, triển khai đầy đủ. Vấn đề bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới cũng được Ban VSTBPN của các Cục QLTT địa phương quan tâm thực hiện. "Với mục tiêu nâng cao bình đẳng giới và VSTBPN của lực lượng QLTT, trong thời gian tới, Ban VSTBPN của Tổng cục khẳng định, sẽ quyết liệt, sáng tạo hơn nữa để công tác phụ nữ và hoạt động bình đẳng giới tại Tổng cục QLTT tiếp tục có bước phát triển, đóng góp tích cực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn ngành" - ông Trần Hữu Linh nói.

Tạo sự công bằng giữa lao động nam và nữ

Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày càng chứng tỏ được vị trí quan trọng trong kinh tế đất nước. Với đặc thù là ngành kinh tế công nghiệp, mang đậm tính kỹ thuật, tỷ lệ nữ ít (khoảng 23,68%), nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị, nữ cán bộ, nhân viên, người lao động dầu khí không ngừng phấn đấu, phát huy trí tuệ, sáng tạo và có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển của PVN nói riêng và đất nước nói chung. Cán bộ nữ đã và đang tham gia nhiều vị trí, trọng trách trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành công đoàn, Ban lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo phòng/ban.

Tại PVN, công tác VSTBPN vẫn luôn được đảng ủy, Ban lãnh đạo, Ban VSTBPN Tập đoàn và Công đoàn Dầu khí Việt Nam quan tâm, chú trọng, tạo mọi điều kiện. Hoạt động của Ban VSTBPN Tập đoàn ngày càng đi vào thực chất và chiều sâu. Tính đến nay, 90% các đơn vị đủ điều kiện đều đã thành lập Ban VSTBPB và hoạt động đều tay.

Ông Trần Quang Dũng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban VSTBPN PVN - cho biết: Phụ nữ ở PVN luôn được quan đặc biệt, thể hiện rõ nét nhất trong công tác xây dựng các chế độ, chính sách. Tập đoàn có những chính sách ưu tiên, đảm bảo việc làm cho lao động nữ; bố trí công việc cho nữ lao động phù hợp với chuyên môn, thể lực và thể trạng; công bằng trong việc trả lương giữa lao động nam và nữ khi có cùng trình độ, năng lực.

Đồng thời, PVN luôn quan tâm thực hiện các chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, độc hại, thâm niên, các điều kiện về an toàn - vệ sinh lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám thêm 1 lần chuyên khoa cho nữ cán bộ, công nhân viên, người lao động. Đặc biệt, nhiều đơn vị đã đưa vào Thỏa ước lao động tập thể những nội dung, chính sách có lợi hơn cho lao động nữ so với luật định như: Chế độ trợ cấp thai sản, trợ cấp ốm đau, nghỉ dưỡng, hỗ trợ chăm sóc sắc đẹp… Các "Quỹ Tương trợ dầu khí", "Quỹ Vì phụ nữ khó khăn" đã góp phần tích cực chăm lo, chia sẻ, hỗ trợ phụ nữ khó khăn trong Tập đoàn.

Có thể thấy, từ thực tế công tác bình đẳng giới và VSTBPN tại các đơn vị, doanh nghiệp ngành Công Thương đã góp phần thay đổi nhận thức về giới của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về vai trò bình đẳng giữa nam và nữ trong công việc, cuộc sống và đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nganh-cong-thuong-cong-tac-binh-dang-gioi-luon-duoc-quan-tam-145871.html